Ẩm thực - sức hấp dẫn của Làng cổ Đường Lâm Ẩm thực - sức hấp dẫn của Làng cổ Đường Lâm , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) không chỉ được biết đến với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích và nhà cổ mà còn là nơi sở hữu những tri thức dân gian truyền thống lâu đời, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực. Từ lâu, thưởng thức ẩm thực truyền thống là một trong những trải nghiệm đáng giá của du khách khi đến Làng cổ Đường Lâm. Đó cũng là nét đặc trưng, tạo nên sức hấp dẫn và ấn tượng khó quên của du khách về Đường Lâm...
Kế thừa, gìn giữ tri thức dân gian
Có lẽ hiếm nơi nào ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sở hữu nhiều đặc sản truyền thống gắn với tên đất, tên làng như Đường Lâm. Nhắc tới Đường Lâm, người ta nhớ tới tương Mông Phụ, gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi... Tất cả những sản vật ấy đều được làm từ những nguyên liệu sẵn có ở một làng quê truyền thống có lối sống nông nghiệp, được các thế hệ kế thừa, trao truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Đấy chính là những tri thức dân gian quý báu mà người dân Đường Lâm nâng niu, giữ gìn.
Đến Làng cổ Đường Lâm, hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại các ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi là những chiếc chum đựng tương xếp trước sân nhà. Để có những mẻ tương thơm ngon, vào khoảng tháng 6 hằng năm, khi nắng hè lên tới đỉnh điểm, người Đường Lâm bắt đầu cho gạo vào xay, giã. Sau đó, họ ngâm, đãi gạo nếp cái hoa vàng và đồ thành xôi, để nguội rồi đem ủ mốc cho có màu vàng như màu hoa cải. Đó mới là mốc tương chuẩn. Bí quyết để làm nên vị tương thơm ngon đặc biệt là dùng nước giếng Giang - giếng đá ong cho dòng nước trong và ngọt hơn các giếng khác trong làng. Sau đó, người ta cho các nguyên liệu vào chum, phơi dưới nắng hè cho ngấu. Đó là kinh nghiệm tạo nên thứ tương khác biệt chỉ Đường Lâm mới có.
Gà Mía cũng là một đặc sản nổi tiếng của Đường Lâm. Xưa kia, Đường Lâm còn có tên là Kẻ Mía, vì thế, giống gà quý nuôi tại đây được gọi là gà Mía - đặc sản chỉ dâng cúng thần thánh và cung tiến vua. Ngày nay, gà Mía được người dân bảo tồn nguồn gen và phát triển thành sản phẩm nông nghiệp cao cấp của Đường Lâm.
Một đặc sản khác không thể bỏ qua khi tới Đường Lâm là chè lam. Vốn là đặc sản truyền thống của xứ Đoài, nhưng chè lam Đường Lâm vẫn có hương vị riêng, được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản như: Bột gạo nếp rang, mạch nha, gừng tươi, đường mật, lạc rang... Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam là thứ quà dân dã, thân thuộc mang hồn cốt làng quê Việt Nam nói chung và Làng cổ Đường Lâm nói riêng.
Phát triển sản phẩm phục vụ du lịch
Khẳng định Làng cổ Đường Lâm là nơi hội tụ một khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, quý giá, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: Ngoài những món ẩm thực được khách du lịch sử dụng tại chỗ, nhu cầu mang các sản phẩm đặc trưng của Đường Lâm về làm quà của du khách là rất lớn. Đó là bởi các sản phẩm ở ngôi làng cổ này mang lại lòng tin cho du khách dựa trên sự hiểu biết về phương thức canh tác, sản xuất thủ công truyền thống, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để sản phẩm mang thương hiệu Đường Lâm ngày một phát triển, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và địa phương, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn các phương pháp thủ công gia truyền; xây dựng chuỗi cung cấp nguyên liệu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường bồi dưỡng kiến thức về sản xuất sản phẩm du lịch cho người dân...
Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) cho biết, với sự tài trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), những năm qua, VIRI đã giúp người dân Đường Lâm thực hiện Dự án phát triển sản phẩm du lịch địa phương phục vụ phát triển du lịch. “Các sản phẩm của Làng cổ Đường Lâm được định hướng phát triển theo tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi làng nghề một sản phẩm), được hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhằm đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ. Đấy là yếu tố thôi thúc du khách quay lại Đường Lâm nhiều lần”, bà Nguyễn Bảo Thoa chia sẻ.
Đồng quan điểm nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, Đường Lâm cần nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa dịch vụ du lịch cộng đồng; lựa chọn sản vật, quà lưu niệm để phục vụ khách du lịch; xây dựng chương trình dạy nấu ăn món truyền thống của làng cổ, hướng dẫn làm nông nghiệp; xây dựng nội dung thuyết minh, những câu chuyện về văn hóa truyền thống làng cổ... để tăng tính trải nghiệm, hấp dẫn du khách. Đó là cách đúng đắn để phát triển du lịch tại Làng cổ Đường Lâm trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc phát triển gắn với bảo tồn...