Những ''''Kẻ'''' của Hà thành Những ''''Kẻ'''' của Hà thành , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - “Kẻ” là từ chỉ một khu vực tương đương với đơn vị hành chính làng. Những địa danh có kèm theo tiếng “Kẻ” này đa phần là vùng đất cổ của nước ta. Hà Nội từ xưa là nơi có nhiều “Kẻ” nhất. Trong khi “Kẻ” ở nhiều nơi không còn được nhắc tới thì “Kẻ” ở Hà Nội vẫn tồn tại đến ngày nay.
Nguồn gốc của các “Kẻ”
Kẻ được xem như một đơn vị địa danh, tập trung nhiều nhất ở phía bắc Hà Nội, gắn với những tên Nôm như Kẻ Chèm, Kẻ Vẽ, Kẻ Xù, Kẻ Gạ... Từ Kẻ Chèm dịch về phía nam là Kẻ Noi, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo, Kẻ Bưởi; về phía tây có Kẻ Đăm, Kẻ Nhổn; mở rộng thêm là Kẻ Đáy (Mọc), Kẻ Đơ (Triều Khúc)...
Sau thời Bắc thuộc, tên Nôm gắn liền với tiếng “Kẻ” được chuyển sang tên chữ. Kẻ Chèm thành làng Thụy Phương, Kẻ Vẽ thành Đông Ngạc, Kẻ Noi thành Cổ Nhuế, Kẻ Xù thành Phú Xá, Kẻ Gạ thành Phú Gia, Kẻ Bưởi vì rộng nên chia thành Trích Sài, Yên Thái, Bái Ân... Ở phía nam Hà Nội, số “Kẻ” ít hơn, nay chỉ còn đôi ba “Kẻ” được ghi nhận mà rõ nhất là Kẻ Mơ, gồm các làng Hoàng Mai, Hồng Mai, Tương Mai và Mai Động. Sự thưa thớt “Kẻ” ở phía nam Hà Nội là bởi vài nghìn năm trước biển lấn vào sâu nên vùng này hầu như không có làng cổ - Kẻ. Khu trung tâm - nơi giao thương buôn bán sản vật của các kẻ xung quanh, được gọi là Kẻ Chợ.
Ngoại thành Thăng Long xưa có một số “Kẻ” nổi tiếng, trước hết là Kẻ Chèm. Tiếng “Chèm” ghi và đọc theo tiếng Việt cổ là “T’lèm”, khi chuyển sang âm Hán Việt là Từ Liêm. Từ cách cắt nghĩa theo lối chiết tự như vậy, có thể xem Kẻ Chèm là trung tâm của Từ Liêm cổ. Không những vậy, Kẻ Chèm còn có nhân vật được dân gian và sử sách lưu truyền là nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt cổ, người duy nhất được nhiều triều đình Trung Quốc suy tôn, thờ cúng, đó là Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng. Ông được người dân tôn thờ là Thành hoàng làng từ hơn 2.000 năm nay. Năm 2017, đình Chèm - nơi thờ ông, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, quận Bắc Từ Liêm lấy hình ảnh tứ trụ trước đình Chèm làm biểu tượng cho quận.
Ngoài Kẻ Chèm được xem như trung tâm của Từ Liêm cổ, các kẻ khác đều có những đặc điểm nổi bật như Kẻ Vẽ là làng có truyền thống khoa bảng, đứng đầu cả nước với 9 vị Tiến sĩ, Phó bảng và 42 Cử nhân (theo thống kê thời Nguyễn). Kẻ Giàn là vùng đất màu mỡ có tiếng: “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”.
Mỗi “Kẻ” mỗi nghề
Mỗi “Kẻ” bao quanh trung tâm Hà Nội đều có nghề cổ truyền với những sản phẩm truyền thống, tạo nên danh tiếng Kẻ Chợ cho Thăng Long - Hà Nội. Các “Kẻ” này góp phần đưa Kẻ Chợ thành trung tâm giao thương sầm uất, đủ sức bang giao với các địa phương và các nước khác. Mỗi “Kẻ” đều có những nghề đặc trưng với sản phẩm nổi tiếng đã đi vào ca dao như: “The La, lĩnh Bưởi, sồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”...
Kẻ Chèm còn có nghề làm giò chả. Từ xa xưa, giò Chèm được xếp vào danh sách những sản phẩm nổi tiếng thiên hạ. Do cách chế biến kỹ càng, tinh xảo nên giò Chèm không chỉ ngậy, dẻo, thơm mùi nước mắm nguyên chất mà còn thấy được hạt lựu trong miếng giò. Nem chạo Kẻ Vẽ cùng với giò Chèm được chọn là cặp sản phẩm ẩm thực danh tiếng “giò Chèm, nem Vẽ” tiến vua. Ngoài sản phẩm nem, Kẻ Vẽ nổi tiếng với nghề làm chum vại và những mặt hàng chế biến từ mây (quang gánh, bàn ghế). Đầu thế kỷ XX, Kẻ Vẽ còn có nghề đan mũ bằng nan giang.
Kẻ Noi (Cổ Nhuế) lại nổi tiếng với nghề may. Nghề này được một người họ Nghiêm mang về từ giữa thế kỷ XIX, sau đó phổ cập thành nghề truyền thống của làng. Năm 1935, Kẻ Noi có hơn 300 hộ làm nghề may. Sản phẩm của Kẻ Noi có mặt khắp thị trường trong và ngoài nước.
Kẻ Bưởi là “quê hương” của giấy sắc và vải lĩnh. Kẻ Giàn với lợi thế là vùng đất màu mỡ cùng tay nghề khéo léo của người dân đã trở thành trung tâm sản xuất mứt, kẹo mỗi khi Tết đến, xuân về. Kẻ Vòng có đặc sản cốm Vòng làm đắm say bao thực khách. Kẻ Đơ (Triều Khúc) nổi tiếng với các sản phẩm dệt thao. Kẻ Mơ (Mai Động) có sản phẩm đậu nổi tiếng kinh kỳ. Kẻ Gạ có nghề thổi xôi đến nay vẫn chinh phục khách hàng kỹ tính...
Những “Kẻ” - làng nghề nổi tiếng kinh kỳ xưa đang ít nhiều bị mai một. Đó là lẽ tự nhiên của sự phát triển, tuy nhiên, cần có những giải pháp bảo tồn khả thi để giữ lại hồn cốt Thăng Long - Hà Nội. Đó cũng là cách giữ gìn, trao truyền để các thế hệ sau thêm hiểu và tự hào về mảnh đất kinh kỳ với bao sản vật lừng danh.