12/08/2020
Dừng chân khám phá đất Thanh Oai, Hà Nội, du khách chắc chắn không thể không ghé thăm chùa Bối Khê ở xã Tam Hưng. Đây là một ngôi chùa cổ còn lưu giữ được những giá trị văn hóa độc nhất như hoa sen đất, hình tượng Garuda và căn hầm kháng chiến kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp.
Cổng ngũ quan chùa Bối Khê cũng chính là cổng làng thôn Song Khê
Chùa Bối Khê được xây dựng năm 1338 dưới thời vua Trần Hiến Tông. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rất rộng, ngay trước sân là một bãi đất trống mà theo ghi chép lại thì đây từng là nơi tuyển mộ quân lính triều Trần. Trên bãi đất còn một cây đa khoảng 600 tuổi cùng với 5 mộ tháp.
Chùa Bối Khê gần như giữ được kiến trúc cổ từ khi xây dựng gồm sân chùa, cổng ngũ quan, hồ sen, chính điện, bia đá, hậu đường…. Chùa có bố cục tiền Phật hậu Thánh, vị Thánh được thờ là Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An. Giống như bao ngôi chùa khác, chùa Bối Khê cũng gồm Tam bảo, dãy tượng La hán, tượng Hộ Pháp, bia đá….
Đặc biệt, chùa có tượng Bồ tát nghìn mắt nghìn tay được đỡ bằng bệ sen đá, bốn góc bệ đá là hình tượng chim thần Garuda, phiên âm Kim Sí Điểu. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, hình tượng Garuda đỡ bệ sen là một hình tượng biểu trưng cho sự cảm hóa của nhà Phật đối với các loài vật hung dữ, hay làm việc ác. Hiện nay, hình tượng này còn lại rất ít ở các ngôi chùa vùng Bắc Bộ do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. Với sự cổ kính, kiến trúc độc đáo, chùa Bối Khê được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1979.
Chùa Bối Khê không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là di tích kháng chiến. Phía sau khuôn viên chùa còn lưu giữ lại hầm kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp. Hầm được đích thân đồng chí Vũ Song – Bí thư thành ủy Hà Đông (cũ) chỉ đạo đào tháng 1/1948. Hầm có ba ngách chính xuất phát từ bờ ao nhà ông Xuân Thành đi qua khu vườn chạy thẳng qua gốc bàng đến điện Phật chùa Bối Khê.
Gác chuông chùa có quả chuông lớn ở trên tầng 2
Hầm có hai cửa chính, cửa thứ nhất là nhà ông Xuân Thành chạy qua gốc Bàng và bức tường của chùa Bối Khê một cửa, ngách thứ hai là từ nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực có ăn thông ra bờ ao chỗ vườn nhà bà Hai Khoác thông với đường hầm nhà ông Xuân Thành tạo ra thế liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất. Cửa hầm ở nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực, du kích của ta đã từng chiến đấu tại đây nhiều trận và tiêu diệt nhiều tên địch. Hầm có tác dụng chuyển quân dưới lòng đất và khi rút lui thì có thể trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Từ những yêu cầu của cuộc kháng chiến và những tác dụng của hầm Bối Khê lúc đó, các thôn trong xã đã nô nức đào hầm giống như hệ thống hầm chùa Bối Khê.
Năm 1949, Huyện ủy Thanh Oai đã ra Nghị quyết trong toàn huyện lấy mô hình làng kháng chiến Bối Khê, làm làng kháng chiến kiểu mẫu. Tháng 12 /1949 Tỉnh ủy Hà Đông ra Nghị quyết phát động trong toàn tỉnh xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu như làng Bối Khê trong đó nhấn mạnh xây dựng hầm như hầm Bối Khê. Hiện nay các hầm trong xã và các xã lân cận đều đã bị phủ kín, duy chỉ có hầm trong chùa Bối Khê và vẫn còn giữ được một cửa và địa đạo dài khoảng 7m. Hiện nay, hầm đã được xây dựng lại chỉnh trang hơn, tuy chỉ còn lại khoảng 7m địa đạo nhưng vẫn là nơi để người dân trong làng ôn lại lịch sử hào hùng của dân làng cũng như giáo dục lòng yêu nước đến thế hệ trẻ. Tại căn hầm lịch sử này, dân làng Bối Khê đã ba lần đập tan cuộc tấn công của thực dân Pháp, tiêu diệt tổng cộng 372 tên giặc. Căn hầm còn gắn liền với chiến tích của nữ du kích Phạm Thị Đe, người đã chiến đấu trong lòng địch bảy ngày liền không có cơm ăn, nước uống.
Ông Kiều Văn Pháo, một nhà giáo của quê hương, từng có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử cho biết, chùa Bối Khê không chỉ là một ngôi chùa cổ, mà còn là một di tích kháng chiến, thể hiện lòng yêu nước của dân làng. Chúng tôi thường tự hào nói với con cháu về chùa và căn hầm này, mong sao các cháu nhìn vào đó mà cố gắng rèn luyện đạo đức, vươn lên trong học tập, nghề nghiệp để xây dựng đất nước giàu đẹp hơn nữa.
Công Nguyễn/ Báo Du lịch
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/ngoi-chua-co-va-di-tich-khang-chien-chua-boi-khe-20200812094041884.htm
|