20/07/2020
Âm thanh của khèn bè quyến rũ, lay động lòng người
Bắt nguồn từ một huyền thoại về tình yêu
Ngày xưa ở đầu nguồn vùng núi cánh cung sông Đà - sông Mã có một chàng trai nghèo yêu say đắm một cô gái đẹp giàu có. Yêu đến mức một ngày không gặp nên ốm, một đêm không gặp nên sầu. Cô gái cũng yêu chàng trai nhưng khổ nỗi tài sản của chàng chỉ có duy nhất con dao nhọn và mái sàn ọp ẹp vẹo xiêu. Họ bị ngăn cấm, cách chia không còn cơ hội gặp nhau yêu nhau được.
Trước khi bị chia rẽ đôi nơi cô gái kịp gửi cho chàng viên sáp ong đá in dấu tay của mình khi kéo sợi dệt vải. Cầm kỷ vật người yêu với con dao nhọn chàng bỏ đi vào những cánh rừng xa ngái, nơi có những thác nước ầm ào tuôn chảy, hai bên bờ là bạt ngàn nứa, tre thăm thẳm.
Trong lúc buồn nản đến cực độ, chàng chặt lấy các gióng nứa khoét thành mấy ống sáo để thổi. Không át được tiếng thác chàng chập các ống thành một bè, rồi hai bè để thổi. Thấy hụt hơi chàng lấy sáp ong đá kỷ vật người yêu nút lại một đầu các ống sáo... kỳ lạ thay âm thanh của nó phát ra lại ru dương trẩm bổng ngân theo tiếng lòng thổn thức cùng tiếng thác.
Một thời gian sau dân bản đi tìm, thấy thi thể của chàng chết khô bên thác nước cạnh đó là chiếc khèn bè kỳ diệu mà chàng trai đã để lại cho cộng đồng người Thái ở các mường bản.
Chế tác giản đơn âm thanh đặc sắc quyến rũ
Sống ở xứ sở bạt ngàn tre, nứa người Thái đã sử dụng loại cây vùng này làm nhà cửa, công cụ sản xuất, công trình thủy nông và đan lát đồ gia dụng. Chiếc cọn nước là một biểu tượng đẹp và sinh động thắp nên vừng mặt trời sông suối. Khèn bè là nhạc cụ được chế tác bằng các ống nứa rất tinh tế bởi nó là một tác phẩm nhạc cụ nghệ thuật rất giản đơn nhưng cũng hoàn hảo.
Với 14 gióng ống nứa, loại nứa tép nhỏ thon dài gióng ở độ tuổi bánh tẻ, khai thác từ rừng về trong thời gian không có mối mọt. Tránh lấy nứa vào mùa măng, mùa mưa mà chọn mùa khô để tìm nứa làm khèn.
Các ống nứa được hong khô kiệt, kết thành hai bè mỗi bè 7 ống, xếp từ thấp đến cao. Bầu đàn chọn gỗ mềm, nhẹ hơ khô, không mối mọi. Một đầu bầu đàn khoét thủng làm lỗ thổi, đầu kia bịt kín bằng sáp ong đá. Sáp của loài ong rừng đóng chặt cứng như đá.
Kế đến là làm các lam đồng mỏng rung theo làn hơi. Các lam này dầy mỏng và ngắn dài khác nhau để khi thổi tạo ra âm lượng 5 cung cùng 1 quãng 8. Thẩm âm và chỉnh âm cho khèn bè phụ thuộc vào tài khéo của nghệ nhân làm đàn tạo ra sự chỉnh chuẩn của âm lượng.
Để có một chiếc khèn bè đơn giản, đòi hỏi nghệ nhân làm ra nó phải tỉ mẩn, kiên trì, khéo tay và nhạy cảm với những âm thanh phát ra để điều chỉnh lỗ khoét và các lá lam đồng.
Nhạc cụ thuộc bộ hơi có âm thanh nguồn cội
Dân ca Thái đã không ngớt lời ca ngợi khèn bè: “Tiếng khèn làm đẹp mường đẹp bản, như dệt cánh đồng nắng, như gội núi bằng sương đêm, như suối hát tình ca, như tiếng gọi người yêu bên nhà sàn khau cút”.
Tục ngữ Thái cho rằng con trai không biết thổi khèn bè cũng như con gái không biết dệt vải, trai sẽ không lấy được vợ, gái cũng không lấy được chồng. Đối với trai, gái Thái khèn bè là báu vật của tình yêu. Là tiếng lòng của đôi lứa, là sự thổn thức của con tim mở cửa lòng mình đón niềm vui hạnh phúc.
Đối với trai, gái Thái khèn bè là báu vật của tình yêu
|
Các chàng trai Thái đến tuổi yêu, vật bất li thân là chiếc khèn bè đẹp, nhỏ gọn, âm thanh chuẩn chỉnh. Người già sử dụng khèn bè có độ lớn hơn, âm thanh trầm ấm sâu sắc hơn. Tối tối chàng trai ôm khèn xuống sàn, vừa đi chàng vừa thổi bài khèn dạo chơi qua bản. Điệu này nhanh mạnh vang xa, cảm giác vui tươi, tự tin, hăng hái tìm bạn tình.
Khi tới cầu thang lên nhà cô gái mà mình hướng tới chàng trai thổi bài tình ca thức gọi người thương. Lời khèn ân ái, ngân nga, xao xuyến say lòng. Người già, trẻ nhỏ trong nhà im lặng như muốn nhường không gian cho tình yêu. Còn cô gái thì rạo rực như nhen nhóm ngọn lửa tình. Đêm khuya.., bịn rịn chia tay, bài khèn tạm biệt người yêu lại ngân lên thắm thiết luyến nhớ như không muốn rời xa.
Khèn bè còn nâng bước cho mọi làn điệu hát khắp, dân ca dân vũ, cho mọi điệu xòe, cho mọi cuộc giao lưu, lễ hội văn hóa cộng đồng. Âm thanh của khèn bè tạo nên sự giao hòa kết nối giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và với siêu nhiên. Khèn bè trở thành một biểu tượng nghệ thuật không thể thiếu của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc.
Ngô Quang Hưng/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/khen-be-am-dieu-dieu-ky-chat-loc-tu-nguon-coi-20200720090813517.htm
|