02/07/2020
Tranh Đông Hồ đi vào cuộc sống của người Việt qua nhiều thế hệ, gắn liền với mong ước về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Tranh Đông Hồ hiện đã được xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và được tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện hồ sơ gửi UNESCO đề nghị đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”.
|
Từ xa xưa, người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã có thói quen mua tranh Đông Hồ về trang hoàng nhà cửa vào dịp Tết với ước mong hạnh phúc no ấm. Ngày nay, tranh Đông Hồ đã vượt ra khỏi làng quê, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thời trang, gốm sứ, mang lại sức sống mới cho dòng tranh đã trải qua thăng trầm của thời cuộc.
BẢO TỒN NÉT ĐẸP TRANH ĐÔNG HỒ
Tranh Đông Hồ có xuất xứ từ thế kỷ 17 ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng năm 1945, làng Đông Hồ có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Trải qua thăng trầm của thời gian, đến nay, làng Đông Hồ còn 2 gia đình làm tranh là gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế. Họ đã bảo tồn được hơn 1000 bản khắc gỗ và phục chế 500 bản mẫu cổ.
Nghệ nhân làng tranh Đông Hồ phơi tranh trước sân nhà
|
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên thì tranh Đông Hồ đã ngấm trong huyết quản như một niềm tự hào của gia đình. Bố tôi lúc sinh thời bùi ngùi lặng ngắm hàng trăm bản khắc gỗ bị lớp bụi thời gian phủ lấp nhưng ông vẫn kiên định nhắc nhở chúng tôi bám nghề, giữ nét văn hóa của quê nhà”.
Hiện tại, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Hữu Hòa bảo tồn, lưu giữ hơn 500 bản khắc gỗ của cha ông để lại. Các nghệ nhân bảo quản rất công phu để tránh sự tác động của thời tiết và mối mọt làm hỏng. Từ những bản khắc gỗ cổ đó, các nghệ nhân lại sáng tạo thêm những phiên bản mới trên tứ cũ làm cho tranh sinh động hơn, đời thường hơn.
Điều làm nên sức sống và sự đặc biệt của tranh Đông Hồ là tranh được in thủ công từ ván khắc gỗ, kết hợp với nét chữ, màu sắc và câu chuyện tạo nên nét độc đáo hiếm có. Những nguyên liệu tạo nên hồn cốt của tranh đều tự nhiên. Tranh có bao nhiêu bản khắc gỗ thì tương ứng với từng đó bản màu. Nền tranh là giấy dó (làm bằng vỏ cây dó) phết lên một lớp điệp một màu óng bạc (điệp là bột tán từ vỏ sò). Giấy dó có nhiều kích thước, nhỏ nhất là 11cm x 12cm, lớn nhất là 22cm x 31cm. Tranh được đóng khung hoặc nẹp bằng gỗ.
Công đoạn khắc trên gỗ để tạo thành bản in tranh Đông Hồ
|
Ông Nguyễn Hữu Hòa, nghệ nhân Làng Đông Hồ kể rằng, Trước kia, tranh Đông Hồ gọi là tranh Tết bởi người thợ chỉ sản xuất tranh để bán vào cuối năm, đáp ứng nhu cầu chơi tranh Tết và thờ cúng của người dân. Tranh được dán lên tường nhà chào đón Tết và người dân gửi gắm ước mong một năm mới no ấm, hạnh phúc xum vầy.
Những đề tài mà người làm tranh thể hiện là những hình ảnh rất đời thường gắn với vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, từ hình tượng các con vật gắn bó với ngôi nhà, đồng ruộng, nếp sống của người dân như trâu, lợn, cá, chuột, đàn gà, đàn lợn, tranh đứa bé ôm con gà vinh hoa, ôm con vịt phú quý. Chủ đề tranh châm biếm như tranh Đám cưới Chuột, tranh Đánh ghen... Tranh sinh hoạt gồm câu chuyện: Đánh vật, Đánh đu, Tiến sĩ vinh quy; tranh lịch sử như Bà Trưng, Phù Đổng Thiên Vương, Ngô Quyền; hoặc tranh truyện như Kiều, Thạch Sanh. Bên cạnh đó có loại tranh thờ là trúc mai và tranh tứ quý…
Tranh Đông Hồ với giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian đã đi vào sử sách, thơ ca, đi vào tâm hồn người Việt Nam từ những điểm đặc biệt riêng có đó.
TRANH ĐÔNG HỒ TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI
Những năm gần đây, tranh Đông Hồ được nhiều du khách nước ngoài đến làng nghề tham quan và mua về làm kỷ niệm, đã động viên và thôi thúc ngọn lửa giữ nghề và phát triển nghề của các gia đình nghệ nhân.
Có những bức tranh Đông Hồ, nghệ nhân phải dùng nhiều bản khắc để in từng chi tiết riêng biệt
|
Tranh Đông Hồ của gia đình ông Nguyễn Hữu Sam và các con đã được giới thiệu triển lãm tại Mỹ, được du khách đặt mua 500 bức. Doanh nghiệp tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế có 8 thành viên làm nghề đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Nhật. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cho biết: “Cao điểm nhất 1 ngày cơ sở của tôi sản xuất được 1000 tranh. Các con, cháu của ông Nguyễn Đăng Chế đều đã nhận được cúp bàn tay vàng vì sự nghiệp bảo tồn tranh làng nghề truyền thống do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng”.
Ngày hôm nay, đến với Làng Song Hồ để tìm hiểu về tranh Đông Hồ, du khách rất đỗi vui mừng khi đã có Trung tâm Bảo tồn Tranh dân gian Đông Hồ nằm trong khuôn viên cơ sở sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Nơi này có Phòng truyền thống trưng bày hàng ngàn tranh Đông Hồ để du khách thưởng lãm; đồng thời du khách có thể trải nghiệm quy trình làm tranh với những nghệ nhân.
Hiện tại, Bắc Ninh đã có nhiều tour du lịch theo tuyến từ Thuận Thành, Chùa Dâu - Chùa Bút Tháp - Làng tranh Đông Hồ, thu hút nhiều du khách tham gia.
Sau khi dập in những nét cơ bản, nghệ nhân làng tranh Đông Hồ tiếp tục vẽ tay để hoàn thiện bức tranh
|
Ngoài ra, tại TP.Hồ Chí Minh, Công ty Giáo dục An Bình đã hợp tác với nhiều trường quốc tế tại Việt Nam tổ chức cho học sinh trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ và phát triển website: www.tranhdangiandongho.vn giới thiệu đến du khách quốc tế. Chị Thu Hằng, Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi đã làm mới tranh dân gian Đông Hồ từ cách thiết kế vỏ hộp đựng tranh, tờ rơi đi kèm để giới thiệu quy trình, nguyên liệu làm tranh và ý nghĩa của từng bức tranh bằng tiếng Việt và tiếng Anh để du khách nước ngoài có thể hiểu hơn về nét văn hóa dân gian của Việt Nam”.
Tuy nhiên, ở Làng Đông Hồ còn rất ít nghệ nhân còn nắm được cách chế tác tranh truyền thống, đa số các nghệ nhân này đã cao tuổi, nếu không có sự tiếp nối thì dòng tranh này sẽ bị mai một theo thời gian. Vì thế, Việt Nam đang hoàn thiện Hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Công Đạt
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tranh-dong-ho-hoi-tho-cua-lang-viet-20200625111842984.htm
|