Các dòng họ Võ, Phạm, Lý... trên đảo Lý Sơn thực hiện nghi lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Công Đạt
|
Đảo Lý Sơn chỉ có diện tích khoảng 10km2 nhưng mỗi mét vuông trên đảo đều thấm đẫm dấu ấn văn hóa của cha ông từ thủa đi giữ biển.
Lý Sơn - Di sản văn hóa biển
Đảo Lý Sơn là nơi giao thoa tinh hoa của các nền văn hóa lớn như Chămpa, Sa Huỳnh và Đại Việt với hệ thống di tích dày đặc gồm 4 di tích văn hóa cấp quốc gia, 14 di tích văn hóa cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc khác. Trong đó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.
Theo gia phả và các chỉ dụ của triều đình được các dòng họ Võ, Phạm, Lý... còn lưu giữ trên đảo Lý Sơn thì Hải đội Hoàng Sa là tên gọi đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ hồi đầu thế kỷ 17 để làm nhiệm vụ đi khai thác sản vật, đo đạc hải trình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nhiều nguồn sử liệu chính thống, Hải đội Hoàng Sa ra đời vào khoảng trước năm Tân Mùi (1631), tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1613 - 1635).
Từ năm 1631 đến đầu thế kỷ 19, lớp lớp dân binh trên đảo Lý Sơn vâng mệnh triều, hằng năm cứ vào tháng 3 lại dong thuyền ra Biển Đông đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực thi nhiệm vụ. Theo cụ Võ Hiển Đạt, hậu duệ của Chánh Đội trưởng Thủy quân Hải đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh năm xưa thì các bậc tiền nhân vâng mệnh triều đình đi cắm mốc và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa do trùng dương cách trở, nhiều người chỉ đi mà không thấy về. Để tưởng nhớ những người đã nằm xuống, hàng năm, vào khoảng tháng 2 Âm lịch, các tộc họ ở Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Dần dần, lễ thức này đã trở thành lễ hội chung của người dân Lý Sơn. Khao lề là lễ tế sống các dân binh với mục đích tôn vinh và tri ân những người lính dũng cảm, dám hy sinh thân mình vượt sóng ra Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghi thức thả thuyền câu trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Công Đạt
|
Cũng vì lẽ đó mà ngày nay trên đảo có tới gần 100 di tích và phần lớn đều gắn liền với Hải đội Hoàng Sa như: Âm linh tự, Khu mộ gió lính Hoàng Sa, Đình làng An Vĩnh, Đình làng An Hải, Nhà thờ Chánh Đội trưởng Thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, Nhà thờ Chánh Đội trưởng Thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết…
Kỳ quan thiên nhiên đặc sắc
Theo TS Phạm Thị Ninh thuộc Hội Khảo cổ học Việt Nam, những nghiên cứu cho thấy địa chất, địa hình, địa mạo đảo Lý Sơn hình thành sau các đợt phun nổ, phun trào bazan cách đây khoảng 10 ngàn năm. Những kiến tạo địa chất đã tạo nên các kỳ quan thiên nhiên đặc sắc, thuộc dạng địa hình hiếm có trên thế giới.
Du khách lặn ngắm san hô quanh đảo Lý Sơn. Ảnh: Anh Quân
|
Hoạt động phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo, tiêu biểu là Vách đá Hang Câu, Cổng Tò Vò, Miệng Giếng Tiền và Miệng Thới Lới - những điểm địa chất có ý nghĩa khoa học và giá trị du lịch. Quá trình kiến tạo còn tạo một lớp đất bazan màu mỡ trải trên bề mặt đảo ở phía nam thích hợp cho nhiều loại cây trồng, trong đó có cây tỏi là đặc sản nổi tiếng gần xa. Ngoài ra, quá trình kiến tạo còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.
Đồng quan điểm với TS Phạm Thị Ninh, PGS.TS Trần Tân Văn,Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản cho rằng, vùng biển Lý Sơn – Bình Châu là “công viên” núi lửa lớn, là di sản địa chất hiếm hoi trên thế giới, hội tụ đủ điều kiện của một công viên địa chất toàn cầu trong tương lai.
Bãi tắm ở đảo Bé có cát trắng mịn, nằm giữa những cánh cung vách đá trầm tích núi lửa. Ảnh: Trọng Chính
|
Về đa dạng sinh học, ngoài nhiều loài động thực vật quý hiếm trên khu vực đất liền được xếp trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ của IUCN, vùng biển quanh đảo Lý Sơn có trên 700 loài động thực vật, bao gồm 200 loài cá, 137 loài rong biển, 70 loài thân mềm, 157 loài san hô, 96 loài giáp xác, 07 loài cỏ biển. Xung quanh đảo có các hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rong biển đa dạng về các chủng loài.
Chính vì thế, ngay từ năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Công viên Địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, bao gồm đảo Lý Sơn và vùng phụ cận ven bờ thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải, huyện Bình Sơn để bảo tồn các giá trị địa chất, địa mạo kỳ thú, văn hóa đặc sắc và đa dạng sinh học hấp dẫn. Với những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo, văn hóa và lịch sử, Lý Sơn đã được xác định là vùng lõi của Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, được chuyên gia UNESCO đánh giá cao về tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Cổng Tò Vò là một vòm cổng bằng đá cao khoảng 2,5m, tuyệt tác kiến tạo địa chất của tự nhiên là nơi thích hợp nhất để ngắm hoàng hôn và chụp ảnh. Ảnh: Thông Thiện
|
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm phát triển du lịch bền vững, ngày 18–19/6/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO VN tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, với sự tham dự của khoảng 550 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UNESSCO công nhận Lý Sơn là Công viên Địa chất toàn cầu.
BOX: “Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh hội đủ giá trị di sản địa chất, lịch sử văn hóa, khảo cổ học, cảnh quan hoang sơ... có triển vọng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu...”. - Tiến sĩ Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên Địa chất UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu.
Phong Thu
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/ly-son--di-san-van-hoa-va-dia-chat-20200408163059689.htm