Hà Nội - Những di sản cổ thụ ngoại thành Hà Nội - Những di sản cổ thụ ngoại thành , Người xứ Nghệ Kiev
05/04/2020
(HNM) - Ngoại thành Hà Nội có nhiều làng cũ, làng cổ. Trong đó, nhiều ngôi làng còn giữ được những cổ thụ hàng trăm năm tuổi được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Những di sản nơi làng quê ấy đã trở thành thực thể sống động, tạo cảnh quan cho làng, là chứng nhân lịch sử, là nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của một vùng đất.
Niềm tự hào của những vùng quê
Trong hành trình tìm hiểu làng, xã ngoại thành, tôi đã vài lần đến xã Thuần Mỹ của huyện Ba Vì, nơi có 24 cổ thụ, trong đó có cây tới hơn 700 tuổi. Những cây cổ thụ thấp thoáng bên những ngôi nhà tầng mới xây, đặc biệt ba cây gạo nằm sát bên dòng Đà Giang đã tạo cảnh sắc vô cùng tuyệt diệu cho Thuần Mỹ. Ngay tại trụ sở UBND xã đặt tại thôn Lương Khê cũng có 3 cây đa hơn 200 tuổi.
Những năm gần đây, tiến trình xây dựng nông thôn mới giúp đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân xã Thuần Mỹ được nâng lên. Đặc biệt, hương ước của các làng được xây dựng, ngoài nội dung chung tay phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trật tự..., còn có nội dung bảo vệ cây cổ thụ. Ông Phạm Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có 24 cổ thụ, chủ yếu là cây đa và cây gạo, có tuổi đời nhỏ nhất khoảng 200 tuổi, còn phần lớn khoảng 300 tuổi. Có 5 cây đa 500 tuổi, 1 cây gạo trên 700 tuổi. Người dân trong xã vô cùng tự hào bởi sự quần tụ nhiều cổ thụ trên địa bàn quả là điều hiếm có.
Cụ Nguyễn Văn Ánh 85 tuổi, ở làng Lương Phú kể: Những năm chiến tranh, quần thể cổ thụ trở thành nơi bà con đến tránh bom đạn. Hầu như thân cây nào đến giờ cũng còn găm lại những mảnh bom đạn. Đó cũng là nơi tiễn những người con của xã tòng quân, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá và thiên nhiên khắc nghiệt, các cổ thụ vẫn hiên ngang sừng sững chứng kiến sự đổi thay của địa phương. Thế hệ trẻ ước mơ thi đỗ đại học, thành đạt cũng đứng dưới gốc cây, ngước lên và cầu ước...
Tương tự Thuần Mỹ, người dân xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) cũng tự hào vì địa phương có 8 cổ thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam, với 4 cây ở thôn Phú Thịnh và 4 cây ở Thanh Trí. Tại đền Cây Sanh ở thôn Thanh Trí có cây sanh và cây bồ kết tuổi đời đã gần 700 năm. Tán của cây sanh khổng lồ tỏa xuống, che mái đền, che cả một khoảng đất rộng mấy chục mét. Cạnh đó là cây bồ kết cũng thực sự là một đại thụ. Đáng nói, dưới gốc sanh là quần thể cây duối mộc mạc, sù sì cũng phải mấy trăm năm tuổi. Cụ Dương Văn Lợi, hội viên Hội Người cao tuổi thôn Thanh Trí cho biết: Các cổ thụ đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người dân, là nơi mỗi người con đi xa luôn hướng về...
Thôn Phú Thịnh cách Thanh Trí chừng 2 cây số. Cụm đình, chùa nhìn ra cánh đồng bát ngát màu xanh. Trước chùa có giếng cổ. Nơi đây hiện diện tấm biển vinh danh Cây di sản Việt Nam cho cây đa lông, cây đa tía và cây táo, ngoài ra trong khuôn viên còn ba cây đa khác cũng hơn 80 tuổi. Đứng ngắm cây táo mà trào lên một cảm xúc khó tả. Thân gốc sù sì khỏe khoắn vươn cao cả chục mét, tán lá xanh tốt gợi sức sống mãnh liệt, kiên cường. Vào những dịp lễ, Tết mọi sinh hoạt làng xã được tổ chức dưới tán cây già.
Đừng để mất đi những "báu vật"
Đã bao lần hòa vào cảnh sắc ngoại thành Hà Nội, thảnh thơi dưới bóng cổ thụ trong các ngõ xóm, tôi càng thấm thía tình cảm nơi làng quê. Như lần trở về làng Thụy Hương và Hương Gia (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn), đi qua gốc đa cổ thụ tôi bỗng nhớ tới những thước phim được sinh ra từ chính hai ngôi làng từng được mệnh danh là “làng Holywood của Việt Nam”. Khi làng được chọn làm bối cảnh quay phim, hàng trăm nông dân trở thành những diễn viên phụ, đồng thời có thêm nghề cung cấp đạo cụ cho các đoàn làm phim. Bà Nguyễn Thị Gái (78 tuổi, làng Thụy Hương) từng là một diễn viên quần chúng cho biết: “Từ năm 2006 trở đi thì ít đoàn làm phim về. Đến năm 2008 chẳng còn ai về nữa vì làng đã đô thị hóa nhiều, không còn giữ được phong cảnh xưa”.
Bà Gái dẫn tôi đi thăm “cụ sanh” đầu làng Thụy Hương, từng là một điểm nhấn trong các cảnh quay về vùng đất này. Chính đạo diễn Đặng Nhật Minh đã phát hiện ra vẻ đẹp nơi đây. Ông đã làm bộ phim đầu tiên có tên Thương nhớ đồng quê (sản xuất năm 1995). Sau đó hai làng còn là bối cảnh cho các phim như Tết độc lập, Đất và người, Những ngọn nến trong đêm, Vui buồn sau lũy tre làng…
Ông Nguyễn Văn Tám - người trong làng bùi ngùi: “Vắng các đoàn làm phim, lòng dạ tôi cứ bồn chồn, nhớ lắm. Có đêm tôi còn mơ thấy ông Chu Văn Quềnh (nghệ sĩ Hán Văn Tình) thủ vai trong phim Đất và người đứng gãi đầu bên bức tường cũ kỹ bên nhà mà ước giá được trở lại ngày xưa”. Bây giờ làng Hương Gia và Thụy Hương đã phát triển, có của ăn của để. Nhiều người con của làng được ăn học thành đạt, quay về xây dựng quê hương. Thi thoảng họ cũng xem lại những thước phim cũ rồi tự hào, rồi tiếc… Cảnh sắc không còn nguyên vẹn. Nhưng cây đa vẫn còn đó, vẫn nhắc nhớ về ký ức tươi đẹp...
Ngoại thành Hà Nội còn nhiều cây di sản được vinh danh, trong đó không ít cổ thụ có dáng thế đẹp như cây đa 8 gốc ở đình Kim Quy, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên); cây đa 9 gốc trước đình làng Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, ngay cạnh bến sông Tích; cây đa làng Dược Thượng, xã Tiên Dược (Sóc Sơn); cây thị ngàn năm tuổi ở đền thờ hoàng tử Linh Lang - thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì); cây muỗm làng Mỹ Tiên, xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức…
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), toàn thành phố có khoảng 2.000 cổ thụ. Trong đó nhiều địa phương đã giữ được cả quần thể cổ thụ như quần thể cây lim ở đền Và, rặng duối bên đền - lăng Ngô Quyền ở xã Đường Lâm (Sơn Tây)… Tuy nhiên, có thực tế là một số cây di sản sau khi được vinh danh đã chết vì chưa có phương án bảo vệ. Đơn cử như tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), có 8 cây di sản thì sau khi được vinh danh có 1 cây đa tía bị bật gốc, 1 cây đa lông ba thân gãy mất thân chính, còn cây nhãn bị mối xông...
Như GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch VACNE, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản chia sẻ: “Dự án trồng 1 triệu cây xanh của Hà Nội là chủ trương đúng đắn với mong muốn tăng diện tích cây xanh của thành phố. Chính bởi thế, cổ thụ là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc càng cần được tôn vinh và bảo vệ”. Đừng để mất đi những "báu vật" - bảo tồn cổ thụ phải có sự chung tay của cả cộng đồng, bởi cổ thụ chính là hồn làng, là báu vật, là một nét đẹp văn hóa của làng quê cần được gìn giữ cho các thế hệ mai sau.