Những cây cầu bắc vào tương lai Những cây cầu bắc vào tương lai , Người xứ Nghệ Kiev
(HNM) - Sau khi lên ngôi, vua Lý Công Uẩn đã dời đô về Đại La vì “ở vào nơi trung tâm của trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi”. 1010 năm qua, vị trí địa lý của Thăng Long - Hà Nội đã minh chứng cho quyết định sáng suốt ấy. Trong dòng chảy của lịch sử, đặc biệt là những năm gần đây, sự ra đời của những cây cầu ở Thủ đô mang ý nghĩa rất quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, đó là những cây cầu bắc vào tương lai!
Nối những bờ vui
Tương tự như câu ngạn ngữ phương Tây: “Mọi con đường đều dẫn đến Roma”, nếu chúng ta nói: “Mọi con đường đều phải qua Hà Nội” cũng không sai ý nghĩa thực của nó. Trước đây, cả một vùng Tây Bắc, Đông Bắc rộng lớn và giàu tiềm năng muốn vào được miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam… bằng đường bộ và ngược lại, thông thường phải qua Hà Nội.
Nhưng, trong gần suốt thế kỷ trước, để kết nối với các vùng miền chỉ có một cây cầu Long Biên. Trong hơn 80 năm cây cầu thép ấy phải oằn mình trong vai trò “gạch nối” duy nhất giữa hai vùng tả - hữu sông Hồng.
Phải đến quãng giữa thập niên 1980, Hà Nội mới có thêm cầu Thăng Long ngược về phía thượng nguồn của cầu Long Biên. Không chỉ là cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng sau gần một thế kỷ mà cầu Thăng Long còn là cầu nối tình hữu nghị Việt - Xô. Song song với cầu Thăng Long, Hà Nội tiếp tục xây dựng cầu Chương Dương, cây cầu thép 11 nhịp cách cầu Long Biên 2km về phía hạ lưu. Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế, thi công. Khởi công tháng 6-1983, hoàn thành năm 1985, so với cầu Thăng Long thì cầu Chương Dương xây dựng nhanh hơn rất nhiều. Cầu Chương Dương vô cùng quan trọng khi cầu Thăng Long chưa phát huy hết khả năng mà nguyên nhân chủ yếu là chưa có hệ thống giao thông đồng bộ để kết nối…
Hòa nhịp với cả nước, trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Hà Nội đã chuyển mình vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển. Cầu Thanh Trì hoàn thành năm 2007, được xây dựng bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất và là một trong những cây cầu lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Tiếp đó, tháng 9-2010, ngay trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy chính thức được thông xe. Và đến tháng 1-2015, với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, cầu Nhật Tân được hoàn thành. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện nay đồng thời là điểm nhấn ấn tượng cho cảnh quan Thủ đô.
Đánh thức những miền xa
Sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), vấn đề giao thông khu vực Tây Bắc thành phố được đặt ra một cách cấp bách. Từ xa xưa, Sơn Tây đã là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của xứ Đoài, nhưng sau gần hai thế kỷ thị xã này vẫn gần như “biệt lập”.
Vốn trước đó là trấn Sơn Tây (gọi là trấn Tây hay trấn Đoài, thủ phủ là thị xã Sơn Tây), sau khi thành cổ Sơn Tây được xây dựng xong (năm 1825), năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng, tỉnh Sơn Tây được thành lập, bao gồm cả phần lớn tỉnh Vĩnh Phúc, khu vực phía Bắc tỉnh Phú Thọ và một phần tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khu vực này có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là khi tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang được tách thành những đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1965, tỉnh Sơn Tây sáp nhập với Hà Đông thành tỉnh Hà Tây thì thị xã Sơn Tây càng trở thành “ốc đảo” khi mất vai trò trung tâm hành chính.
Để kết nối Sơn Tây với Hà Nội trong suốt nhiều thế kỷ gần như chỉ có một trục đường độc đạo hơn 40km nay là quốc lộ 32, khởi điểm từ Cầu Giấy (Hà Nội). Đoạn qua đập tràn Phùng nhiều năm phải “tăng bo” bằng thuyền mỗi khi xả lũ sông Hồng vào sông Đáy. Phía bên kia Hà Đông - Sơn Tây được kết nối bằng một tỉnh lộ gập ghềnh chạy qua Quốc Oai, Thạch Thất vì địa hình bán sơn địa cắt xẻ… Sau nhiều năm chịu cảnh nhỏ hẹp, xuống cấp, quốc lộ 32 bây giờ đã được cải tạo thênh thang, thỏa mãn nhu cầu đi lại của doanh nghiệp và người dân.
Tháng 6-2014, cầu Vĩnh Thịnh được thông xe. Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Hà Nội và là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam tính đến nay (gần 5.500m). Cầu Vĩnh Thịnh là một trong 3 tuyến vành đai quan trọng của quy hoạch phát triển giao thông trong quy hoạch chung của Thủ đô tính đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Cầu Vĩnh Thịnh là điểm giao giữa các tuyến Hà Nội - Lào Cai - đường Hồ Chí Minh, tạo hệ thống giao thông hoàn chỉnh với các tỉnh Tây Bắc.
Không thể không nhắc đến tình trạng giao thông khu vực phía Bắc tỉnh Hà Tây cũ với 7 xã miền núi của huyện Ba Vì. Trục giao thông Sơn Tây - Đá Chông - Chẹ được khai mở từ thời Pháp thuộc, chủ yếu là đường đất và bị xuống cấp nghiêm trọng trong những năm chống đế quốc Mỹ. Sau khi quốc lộ 21 được xây dựng, nối Sơn Tây với Xuân Mai thì một số xã của huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… thoát khỏi cảnh “vùng sâu, vùng xa”.
Và trục lộ Sơn Tây - Đá Chông sau khi được nâng cấp đã thực sự đem lại “cuộc cách mạng” cho vùng đất dưới chân núi Tản. Dẫu vậy, mọi con đường đến đây đều phải dừng lại vì sông Đà như một rào cản thiên nhiên khiến cho tiềm năng của vùng đất này chưa thể đánh thức. Thế rồi cầu Trung Hà, cầu Văn Lang, cầu Đồng Quang lần lượt nối đôi bờ vui. Đại lộ Thăng Long kéo dài đã rút ngắn thời gian kết nối Hà Nội với Hòa Bình, nhờ đó giảm tải đáng kể cho quốc lộ 6…
Nhớ lại vài chục năm trước, mùa mít chín ai đến xóm Bu, xóm Ri (khu vực Ba Trại, Ba Vì), vào nhà nào cũng được mời ăn mít miễn phí chỉ với một yêu cầu: Ăn xong để hột lại! Giữ hột lại không phải làm giống mà để hôm nào nắng to chủ nhà mang ra phơi, giã lấy bột để chăn nuôi; gặp những năm đói kém hột mít còn trở thành lương thực cứu người. Sau khi tuyến đường Sơn Tây - Đá Chông hoàn thành, hạ tầng giao thông phát triển, vùng đất dưới chân núi Tản, ven sông Đà không còn phải dựa vào mít mà đã trở thành khu vực phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng của Hà Nội, đồng thời là khu vực chăn nuôi đại gia súc và gia cầm. Câu ca “Sữa trắng Ba Vì” trong ca khúc nổi tiếng Hà Tây quê lụa có lẽ đến bây giờ mới thật ý nghĩa!
Dáng vóc đô thị hiện đại của Thủ đô đang ngày càng hiện lên rõ nét. Điểm nhấn chủ đạo của giao thông Hà Nội phải chăng đó chính là những cây cầu. Có thể nói đó là những cây cầu bắc qua đói nghèo và lạc hậu, những cây cầu bắc vào tương lai trong thời đại hội nhập và phát triển. Đó là những công trình mang tính lịch sử của một Thủ đô nghìn năm văn hiến!