Cảnh quan núi Mắt Thần mùa thu - Ảnh: Phạm Ngọc Khoa - Hoàng Khuyến
|
Mùa mưa, dãy núi Mắt Thần nổi lên giữa hồ nước trong xanh, đẹp khó tả. Sang mùa khô, nước rút làm lộ ra bãi đất nhấp nhô để khách dạo chơi hoặc cắt rừng, vượt dốc đặt chân tới hang Thủng - công trình thiên tạo độc nhất vô nhị ở Công viên địa chất non nước Cao Bằng.
Đèo Mã Phục trên 7 tầng dốc huyện biên giới Trà Lĩnh, Cao Bằng chào đón chúng tôi bằng cơn gió lạnh lẽo của những ngày cuối năm, mang theo đám sương mù mờ ảo, rồi phút chốc tan biến, bầu trời hiện ra sáng bừng. Từ đây phóng xe sang tỉnh lộ 205 thêm 10km là đến xóm Bản Danh, xã Quốc Toản - một làng cổ xưa của người dân tộc Tày.
Chúng tôi tản bộ về hướng đông bắc trên con đường độc đáo len giữa hai bên bờ rào toàn đá tai mèo được xếp đặt khéo léo dài hàng cây số men theo những mảnh vườn, chuồng trại gia súc của người bản địa. Những phụ nữ dân tộc Tày đang làm đất chuẩn bị xuống giống khoai lang gặp chúng tôi đều cởi mở chào hỏi.
Dân bản địa còn thấy lạ
Không lâu sau đó, trước mắt chúng tôi hiện ra một thung lũng mênh mông với nhiều hồ nước đã cạn trơ đáy bên cạnh những bãi cỏ xanh mượt, là nơi hằng ngày lũ ngựa, trâu bò thong dong gặm cỏ. Xa xa là núi Mắt Thần hình tam giác, trên đỉnh lộ diện một hang động xuyên thủng quả núi.
Đứng từ chân núi nhìn lên có thể thấy mảng xanh cây rừng trong lòng hang. Vẻ đẹp hoang dã nơi đây còn được điểm tô bởi dòng thác Nậm Trá cách núi thủng khoảng 1km về phía đông, dù mùa khô nhưng nước trong lòng núi vẫn chảy cuồn cuộn theo con mương sâu hoắm trong thung lũng trước khi biến mất dưới hang ngầm Pác Sắp (với người địa phương có nghĩa là nước chảy xuống hang ở dãy núi đối diện).
Núi Mắt Thần còn được gọi là Phja Piót, theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa núi Thủng, còn dân thích vi vu thì gọi đây là "tuyệt tình cốc". Nó nằm trong khu vực Thang Hen gồm 36 hồ nước lớn nhỏ và đầy hang sụt lún, tạo nên hệ thống dòng chảy nước ngầm liên thông nhau, là một hiện tượng hiếm gặp trên thế giới.
Trong đó hang ngầm Pác Sắp dài khoảng 1km, địa hình phức tạp cùng những hốc đá chung quanh rất lý tưởng cho các loài cá trú ẩn sinh sôi. Hằng năm, vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8, nước ở đầu nguồn đổ xuống đầy ắp cả thung lũng, hình thành một hồ rộng lớn khoảng 15ha cùng tên Nậm Trá. Đây là lúc từng đàn cá chép, cá nheo có con nặng 5-7kg nối đuôi nhau từ hang ngầm bơi lên mặt hồ kiếm ăn, thu hút người dân bản địa tấp nập chèo chống bè mảng, thuyền nan giăng câu, thả lưới đánh bắt đặc sản trời cho này.
Qua tháng 9, mặt hồ nước bỗng ùng ục nổi bong bóng, rồi nước đồng loạt rút nhanh xuống lòng đất một cách bí ẩn chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ. Hiện tượng mực nước khi vơi khi đầy thường xảy ra theo mùa, nhưng cũng có lúc diễn biến khá đột ngột, tạo nên một sự huyền bí khó tả.
"Trời đã trở lạnh nhưng đường lên núi, cây cỏ vẫn còn ẩm ướt, vì vậy khi đi lại trên núi cần cột chặt ống quần lại để chống côn trùng và lũ vắt đói" - ông Hoàng Văn Hợp cảnh báo khi làm hướng đạo cho chúng tôi lên hang Mắt Thần. Ông Hoàng Văn Lê, trưởng xóm Bản Danh, đi cùng chúng tôi với một lý do khá vui: tiện thể đi cho biết bởi từ trước đến nay dân bản cũng chẳng mấy ai lên đây!
Hóa ra để lên hang phải đi vòng ra sau trái núi, bởi đường dốc thấp nhưng không kém phần gian nan dù nhìn trực diện từ thung lũng đến hang rất gần. Đổi lại, chúng tôi được mục sở thị toàn bộ núi Mắt Thần.
Cảnh quan núi Mắt Thần mùa xuân.
|
Lâng lâng trong "Mắt Thần" núi
Sau một tiếng đồng hồ hì hục leo trèo, hang Thủng cao khoảng 45m, rộng 50m, chiều dài xuyên suốt gần 100m hiện ra sau một tảng đá khổng lồ nằm chênh vênh. Nét độc đáo của Mắt Thần trên núi là rừng cây nghiến mọc tràn lan trong lòng hang, phía dưới gốc là chùm rễ ôm trùm những tảng đá vôi hoặc trườn mình trên nền hang chẳng khác đàn rắn bò lổn nhổn.
Dù vậy, rừng không rậm tới mức che chắn ánh nắng mặt trời nên không gian nơi đây thông thoáng, những khối nhũ đá trắng tinh khôi từ trần hang rủ xuống lơ lửng, lung linh.
Không có gì thi vị bằng ngồi trên tảng đá lớn giữa hang, phóng tầm mắt nhìn hai phía: cửa hang hướng đông nam thuộc xã Quốc Toản, cảnh sắc rộng mở với nhiều quả đồi thấp nhấp nhô xanh mướt trải dài ngút mắt đến tận dãy núi mờ sương; nếu nhìn cửa hướng tây bắc thuộc địa phận xã Cao Chương sẽ thấy những nếp nhà gỗ đơn sơ của người Mông nằm yên lặng, nhỏ nhoi giữa núi non trùng vây.
Theo ông Hoàng Văn Lê, kể từ lúc núi Mắt Thần được ngành du lịch Cao Bằng quảng bá và đưa vào danh sách 9 điểm du lịch trong Công viên địa chất non nước Cao Bằng, lượng khách đến đây đông hơn (dẫu phần lớn chỉ đứng phía dưới nhìn ngắm ngọn núi lạ) nhưng chưa đáng kể. Đơn giản bởi điều kiện ở đây còn thiếu thốn, người dân chưa quan tâm việc khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng ngoài vài hộ dân làm tự phát như vận chuyển khách dạo chơi trên hồ Nậm Trá để lấy tiền công hoặc buôn bán vặt.
Nếu cảnh quan đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản là điểm nhấn của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thì núi Mắt Thần và quần thể 36 hồ lớn nhỏ cùng những hang ngầm, thác Nậm Trá trong hệ thống hồ lớn Thang Hen là điểm xuất sắc trong Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng - một vốn quý có thể giúp du lịch Cao Bằng cất cánh.
Trần Dũng/ Tuổi trẻ
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/chiem-nguong-mat-than-nui-20200214155617042.htm