Hang Bò - “kho tiền” của Chính phủ kháng chiến Hang Bò - “kho tiền” của Chính phủ kháng chiến , Người xứ Nghệ Kiev
12/12/2019
(HNMCT) - Trong khu vực động Hoàng Xá ở núi Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai), thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, có một hạng mục rất đặc biệt. Đó là hang Bò, nơi từng là “kho tiền” của Chính phủ kháng chiến cuối năm 1946. Gắn với sự kiện đặc biệt của nền tài chính cách mạng thời kỳ trứng nước, nơi đây có sức hấp dẫn riêng đối với du khách.
Bối cảnh đặc biệt của sự kiện
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngân khố của chính quyền cách mạng chỉ có hơn 1 triệu đồng Đông Dương mà một nửa trong số đó là những tờ hào rách sắp đến hạn hủy. Ngày 4-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập và phát động Tuần lễ Vàng, quyên góp được 20 triệu đồng và 370kg vàng.
Sau khi kiểm soát Ngân hàng Đông Dương, Chính phủ ta yêu cầu Giám đốc Emile Minost mở cho ta một tài khoản riêng. Khi cần rút tiền, quản lý ngân khố của ta ký séc rồi giao sang nhà băng lấy tiền. Tấm séc đầu tiên thực hiện ngày 28-8-1945. Đến khi thực dân Pháp nổ súng trở lại ở Nam Bộ, Ngân hàng Đông Dương đã trở mặt, không xuất đúng, xuất đủ tiền theo yêu cầu; đến ngày 23-10-1945 thì đình chỉ việc cấp tiền cho ta.
Do Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay người Pháp nên từ ngày 31-1-1946, Chính phủ đã cho phát hành giấy bạc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào. Đến tháng 7, lưu hành ở Trung Bộ và cuối năm thì lưu hành trong cả nước.
Ngày 17-12-1946, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Hà Nội, thể hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 18-12, chúng chiếm trụ sở Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Vì nắm được ý đồ của thực dân Pháp nên trước đó ta đã kịp thời cho chuyển số tiền 1,2 triệu đồng Đông Dương còn trong quỹ đến một địa điểm bí mật và an toàn. Cần nói thêm rằng thời điểm đó ta chưa có ngân hàng riêng bởi đến ngày 6-5-1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mới được thành lập, còn Kho bạc Nhà nước thành lập ngày 20-7-1951, đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, thuộc Bộ Tài chính.
Vậy số tiền 1,2 triệu đồng Đông Dương ấy đã được chuyển đi cất giấu ở đâu?
Hết lòng vì cách mạng
Liên quan đến sự kiện đặc biệt của nền tài chính cách mạng thời kỳ trứng nước, có những người dân bình dị đã hết lòng vì cách mạng. Tuy thời gian đã lùi xa nhưng tất cả không bị lãng quên nhờ đã được ghi chép khá cụ thể. Trong một chuyến điền dã về vùng quê Hoàng Xá cách đây ít năm, chúng tôi may mắn được gặp lão nông Triệu Văn Dần khi ấy còn khỏe và minh mẫn (nay ông đã mất). Nhà ông Dần ở thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, ngay sát núi Hoàng Xá. Ông Dần là người trong cuộc, và ở thời điểm chúng tôi gặp thì ông là người duy nhất còn sống biết rõ và tham gia sự kiện này.
Hang Bò nằm ở phía Tây núi Hoàng Xá. Mặc dù là thắng cảnh nổi tiếng từ xưa nhưng cho đến thời điểm hang Bò được chọn làm nơi cất giữ tiền của Chính phủ thì không ai biết. Từ động có lối thông sang chùa Một Mái nhưng chỉ có lũ trẻ hay chơi đùa, nghịch ngợm mới biết lối này. Cửa hang cao trên 4m, phía ngoài cùng rộng khoảng 30m2. Phía trong, có 3 ngách hang nhỏ ở tầm ngang đầu người lớn. Ngách hang ngày đó chứa số tiền đựng trong các hòm gỗ là ngách thứ ba tính từ trái sang. Trèo lên bậc đá cao trên 1m, thấy một đoạn hang dài 5 - 6m, rất nhỏ, nếu muốn chui qua thì phải bò, nhích từng chút một.
Sau đó, nền hang đột ngột thấp xuống, phía dưới là nền hang rộng mỗi chiều hơn 1m, trần hang cao hơn 3m. Đây chính là nơi từng đặt các hòm tiền. Nếu không xuống phần dưới hang này mà trèo lên phía trên thì lên khoảng 5m là sang cửa hang phía bên kia, nơi có chùa Một Mái. Cửa hang phía Tây hẹp hơn cửa phía Đông, về sau đã được xây bịt kín để trẻ không vào nghịch phá vườn chùa. Ngoài hai cửa hang ở hai sườn núi, còn có một ngách hang bí mật thông ra đồng mà rất ít người đủ dũng cảm bò qua. Địa thế hang Bò rất đặc biệt, có thể làm nơi cất giấu lý tưởng. Gần đó là động Hoàng Xá, cũng có hai cửa ở hai phía, rất thuận tiện nếu cần di chuyển nhanh khi cần thiết.
Nhà ông Dần có 5 gian, gồm 3 gian ngoài và 2 gian buồng, mái lợp ngói. Khi cán bộ Chính phủ vào nhà đặt vấn đề ở nhờ một thời gian và các hòm tiền được mở ra, phơi tránh ẩm thì ông và một số người mới biết đó là các hòm đựng tiền. Vì để trong hang núi ẩm thấp nên một số phần gỗ bị mục, một số tờ tiền bắt hơi nước bị ẩm. Thời đó, nhà ông Dần kín cổng cao tường, được cán bộ canh gác suốt đêm ngày. Gia đình ông đã nhường toàn bộ 5 gian nhà trên cho cán bộ, 3 gian ngoài để ở, gian buồng phía ngoài, gần cổng là nơi chứa các hòm tiền. Khi tiền được phơi khô ráo, các hòm cũ được thay bằng hòm mới và trên nắp đều ghi rõ số lượng tiền trong hòm.
Sau đó một thời gian ngắn, số tiền 1,2 triệu đồng Đông Dương đã được một đơn vị chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Khi chuyển ra xe bò (xe bánh gỗ, người kéo có thừng khoác vào vai, người đẩy phía sau) thì cứ 2 người khiêng một hòm. Công việc diễn ra trong đêm. Khi chuyển ra xe xong, kiểm lại thấy thiếu một hòm. Một số người tham gia việc chuyển tiền ra xe bị nghi vấn, kiểm tra. Kết quả là số tiền họ biển thủ, phân tán đã được thu hồi...
Mỗi năm, khu vực núi và động Hoàng Xá thu hút hàng nghìn du khách. Thăm hang Bò, thăm nhà người dân nghèo đã tự nguyện nhường nhà làm nơi cất giữ tiền cho Chính phủ, du khách không khỏi bồi hồi xúc động. Người dân quê, theo cách riêng của mình, đã đóng góp cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, thật đáng trân trọng!