Chuyện về “ông Tiên” 97 tuổi có một không hai dưới chân núi Tản Chuyện về “ông Tiên” 97 tuổi có một không hai dưới chân núi Tản , Người xứ Nghệ Kiev
5h sáng, khi tiết trời những ngày cuối thu còn se lạnh, chưa kịp hửng nắng, cụ ông Phạm Thọ Tầng đã thức giấc, rảo bước đi kiểm tra kho thuốc nam rồi cần mẫn bốc từng vị thuốc nào mộc thông, cam thảo, nào hà thủ ô, ngũ gia bì… Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, chỉ 3 năm nữa là tròn trăm tuổi, mà đôi tay cụ Tầng vẫn thoăn thoắt, đôi mắt vẫn tinh anh đến lạ. Hơn 20 thang thuốc nam chỉ một chốc một lát là xong đâu đó, gói gọn gàng, xếp ngay ngắn trong tủ kính.
Đã 30 năm nay, ngày nào, cụ Tầng cũng bắt đầu ngày mới như thế!
“Ông Tiên” dưới chân núi Tản
Về đến phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, hễ hỏi đến ai về lương y Phạm Thọ Tầng, họ cũng biết rất rõ.
“Chắc anh đau dạ dày hay đại tràng đúng không? Gặp cụ Tầng là yên tâm rồi! Đất này ai mà chẳng từng được cụ Tầng thăm khám. “Ông Tiên” trăm tuổi của đất này đó!”, chị Hằng – người dân địa phương vừa tự hào “khoe” về cụ Tầng vừa cẩn thận chỉ tôi đến nhà cụ.
Tấm bảng đề “Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, tàn tật, trẻ em dưới 8 tuổi” nằm ngay ngắn trước cửa vào nhà cụ Tầng. Chúng tôi đến khá sớm, lại vào ngày làm việc trong tuần nhưng ở nhà cụ đã có một số bệnh nhân chờ đợi.
Cụ ông râu tóc bạc phơ, gương mặt hiền hậu, cần mẫn hỏi thăm từng bệnh nhân. Cụ thăm khám rất tỉ mỉ, vừa bắt mạch, vừa xem hồ sơ bệnh án từng người rồi bốc thuốc, cẩn trọng ghi từng lời dặn dò cho bệnh nhân.
Bệnh nhân này vừa nói lời chào cụ thì bệnh nhân khác lại đến, tiếng chuông điện thoại lại reo. Cuộc nói chuyện của tôi với cụ bị gián đoạn liên tục bởi những cuộc điện thoại từ bệnh nhân ở xa, người thì An Giang, Cần Thơ… người thì Điện Biên, Sơn La.
“Tôi mở phòng khám này đã 30 năm rồi. Người ta mở phòng khám kiếm tiền, kiếm danh còn tôi thì cốt là để thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người tàn tật và trẻ em. Hễ họ mang giấy chứng nhận hộ nghèo của chính quyền đến thì tôi sẽ khám chữa miễn phí hoàn toàn. Người ở xa thì tôi lo cả chỗ ăn chỗ ở miễn phí cho họ”, cụ Tầng cho biết.
Lương y Phạm Thọ Tầng từng là chiến sĩ quân y của Sư đoàn 312, vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội vừa cầm súng chiến đấu. “Thời ấy, như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, tôi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi học nghề y trong những năm nước ta chiến tranh loạn lạc, khổ trăm bề. Việc học và làm nghề thì đứt quãng vì bị địch bắt, giam, tù đày”, cụ Tầng nhớ lại.
Trở về sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Tầng công tác tại Viện Điều dưỡng của Bộ NN&PTNT. Tại đây, ông đã học được hai bài thuốc quý chữa bệnh đại tràng và dạ dày. Sau thời gian dài giữ vị trí Viện trưởng Viện Điều dưỡng, năm 1989 khi nghỉ hưu trở về địa phương, tận mắt gặp những người bệnh quá nghèo, cắn răng chịu đau đớn không dám chữa bệnh, ông xót xa nên quyết tâm mở phòng khám nhân đạo.
“Tôi hay đùa với bà nhà và con cháu: sứ mệnh của tôi là “lấy tiền người giàu chia cho người nghèo”. Tôi vẫn khám chữa và lấy tiền của bệnh nhân có điều kiện nhưng cũng dùng chính số tiền đó để cứu những người hoàn cảnh khó khăn hơn”, cụ Tầng nói. “Thế nhưng, muốn để họ an tâm chữa trị, anh nhất định phải giỏi nghề.”
Khi tôi hỏi, cụ có nhớ nổi đã chữa bệnh cho bao nhiêu bệnh nhân nghèo rồi không, cụ Tầng nhấp chén trà, cười vang thành tiếng: “Anh hỏi 1 tuần nay chữa cho bao nhiêu người, tôi còn chẳng nhớ hết ấy chứ! Vì bệnh nhân đến tận nơi đã đành, mỗi ngày còn có hàng chục bệnh nhân khắp cả nước gửi các loại giấy khám, chụp chiếu đến nhà rồi gọi điện nhờ tôi thăm khám”.
“Người nghèo, tàn tật, trẻ em mà bị bệnh dạ dày hay đại tràng ở xa, không có điều kiện đến tận nơi, thì chỉ cần gửi kết quả khám bệnh ở bệnh viện và giấy chứng nhận hộ nghèo của chính quyền xã tới, tôi sẽ gọi điện hỏi tình hình, thăm khám từ xa và gửi thuốc miễn phí đến tận nhà. Mọi chi phi nhà xe hay bưu điện tôi đều tự chi trả, có khi còn biếu họ thêm tiền để ăn uống tẩm bổ".
“Nhưng mà…”, cụ Tầng cặn kẽ nói với tôi: “Tôi gửi thuốc miễn phí cho bệnh nhân nhưng đó nhất định phải là thuốc tốt, phải là thuốc chữa khỏi bệnh. Lấy tiền của bệnh nhân, dùng thuốc giả, tôi không bao giờ làm.”
“Của cho đi là của nhận lại”
“Nhiều người cứ bán tín bán nghi, tôi lấy tiền đâu mà mua các vị thuốc rồi phát miễn phí cho người bệnh như thế. Họ nghi thì cứ nghi thôi chứ tôi đâu tìm từng người giải thích được. Trước đây còn khỏe, tôi cũng đến đủ vùng tìm cây thuốc, nhưng nay tuổi cao, con cháu lo lắng nên tôi tự trồng rất nhiều cây thuốc Nam quý trong vườn nhà. Tôi tự thu hoạch thuốc, bào chế với sự hỗ trợ của vợ và con trai”, cụ Tầng kể.
“Thỉnh thoảng thấy tôi cứ luôn chân luôn tay từ sáng tới tối, có ngày đông bệnh nhân còn chẳng kịp ăn, bà nhà tôi cũng cằn nhằn, con cái thì gọi điện về lo lắng, trách tôi tham việc. Nhưng tôi chỉ cười trừ, bảo vợ con: “Của cho đi là của nhận lại cả, đi đâu mà thiệt!”.
Bà Trương Thị Hát, vợ cụ Tầng vừa phụ chồng chăm sóc bệnh nhân vừa bảo: “Của nhận lại của ông nhà tôi là hàng trăm tấm bằng khen, giấy khen của nhà nước, chính phủ, các bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương. Ông ấy treo trang trọng khắp nhà kìa. Nhiều khi ông ấy còn đòi tự tay lau từng chiếc chứ không để vợ con làm”.
Cảm kích trước những giá trị nhân văn cao đẹp mà lương y Phạm Thọ Tầng đã dày công gây dựng, nhiều năm liền UBND TP. Hà Nội, thị xã Sơn Tây đã vinh danh ông là tấm gương "Người tốt, việc tốt tiêu biểu". Tháng 10/2014, tên cụ Phạm Thọ Tầng đã được xướng lên trong chương trình Vinh danh trí thức tiêu biểu “Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
“Nhưng mà tài sản ông ấy quý nhất, gìn giữ nhất lại là những bức thư cảm ơn của người bệnh khắp cả nước”, bà Hát kể. “Ông ấy gói ghém kĩ lắm, thỉnh thoảng con cháu từ xa về lại mang ra để cả nhà đọc. Với ông ấy, đó là món quà quý nhất trong đời làm nghề y”.
Không chỉ chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, từ khi về hưu, cụ Tầng còn tham gia lập hội, quỹ khuyến học của địa phương. Những năm 90, khi con cái còn chưa trưởng thành, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, cụ vẫn dành dụm từng đồng lương hưu, tiền bán tạp hóa để mua gạo trợ cấp các cháu có hoàn cảnh khó khăn.
“Giờ thì tôi không vất vả thế nữa rồi. Bây giờ chỉ cần một cuộc điện thoại là các con các cháu tôi lại gửi quà về cho tôi giúp những gia đình chính sách, những cháu nghèo hiếu học của địa phương. Tôi mừng vì con cháu mình đang hiểu được ý nghĩa những việc tôi làm”, cụ Tầng xúc động kể.
Ông Phạm Thọ Lớp, con trai cả cụ Tầng chia sẻ: “Hiện nay, cha tôi vẫn đang truyền nghề cho con cháu để nghề quý của gia đình tiếp tục được mang đến giúp người, giúp đời. Chẳng có tài sản, tiền bạc nào khiến anh em chúng tôi tự hào bằng được làm con của một “ông tiên” giữa đời thực! Cha chưa bao giờ dạy chúng tôi phải sống thế nào, cư xử ra sao nhưng chỉ cần nhìn việc cha làm mỗi ngày, chúng tôi đã hiểu, lấy cha làm tấm gương sáng”.