(HNM) - Những ngày tháng 5 này, trong dòng người đổ về thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên để tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc có cả những cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm trước. Dẫu đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng ký ức tự hào về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, “gan không núng, chí không mòn” chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí họ…
|
Các cựu chiến binh tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Năm tháng không quên
Trở lại Điện Biên đúng dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đăng Vinh không khỏi xúc động. Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Vinh dự cho tôi là được tham gia đánh trận mở màn Him Lam và có mặt ở hầm De Castries đúng thời khắc kết thúc thắng lợi chiến dịch. Khi đó, tôi mới 20 tuổi, nay đã tuổi 85 nhưng vẫn nhớ rõ hình ảnh cả đơn vị dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xông vào hầm bắt sống tướng De Castries. Sau đó, đơn vị tôi còn tham gia nhiều trận đánh tại Mường Thanh. Có người đã ngã xuống khi thời khắc chiến thắng đã cận kề…”.
Với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp (Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312), tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ “là những giây phút đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết khi tuổi đời mới ngoài 20 nhưng chúng tôi không ai nao núng”. Sau 2 tháng giúp các đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa, Đại đoàn 312 của ông được lệnh trú quân ở dãy Tà Lèng và được Bộ chỉ huy mặt trận chọn giao nhiệm vụ tấn công vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch.
“Trước khi vào trận đánh, Chỉ huy dặn dò “quyết tâm đánh thắng trận đầu trong ngày 13-3-1954, không để kéo dài sang ngày hôm sau. Đúng 0h, từ Tà Lèng, Đại đoàn 312 hành quân. Cả ngày vây quanh cứ điểm Him Lam, loa của Pháp liên tục phát: “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào”. Thế nhưng, đúng 17h, pháo binh tập trung bắn vào Him Lam. Ngay từ loạt đầu, cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm đã bị hạ. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” đã tung bay trên cứ điểm 3. Đến 22h30 cùng ngày, Đại đoàn 312 đã khống chế cứ điểm 2, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam”, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp xúc động hồi tưởng.
Cần mẫn “tiếp lửa” truyền thống
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu tham gia chiến đấu bảo vệ Đồi E vào những ngày ác liệt nhất của đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954). Trong trận đánh mở màn đợt tiến công thứ hai của chiến dịch, khẩu đội 1 của ông tiết kiệm được 8 viên đạn nên được biểu dương tập thể, cá nhân ông vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba.
Sau 36 ngày đêm chiến đấu trên Đồi E, khẩu đội 1 đã tiêu diệt 4 lô cốt, 5 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu đại liên, 1 kho đạn và nhiều sinh lực địch. Kết quả này đã góp phần vào thắng lợi trong đợt 2 cũng như thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dũng cảm và có thành tích nên người chiến sĩ dân tộc Nùng Phùng Văn Khầu được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, được gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, được cử đi dự Liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 5 tại thủ đô Warszawa (Ba Lan). Ngày 31-8-1955, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Phùng Văn Khầu tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ và trải qua nhiều trận đánh lớn. Bản lĩnh, kinh nghiệm của người chiến sĩ Điện Biên luôn được ông giữ gìn, phát huy ngay cả khi nghỉ hưu. Bằng chứng là khi tuổi tác và sức khỏe còn cho phép, nhiều năm liền ông tham gia công tác xã hội tại phường Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và là thành viên tích cực trong tổ giáo dục truyền thống của phường. Ông tham gia hàng trăm buổi nói chuyện truyền thống cho các thế hệ học sinh trên địa bàn thị xã Sơn Tây “để giúp con, cháu có cái nhìn chân thực và đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh vệ quốc của cha ông”.
Còn với Trung tướng Phạm Hồng Cư, dù ở tuổi 93 nhưng trong trí nhớ của ông, ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm. Ngày đó, 28 tuổi, ông Phạm Hồng Cư đã là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh vào trung tâm Mường Thanh.
Sau đó, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm tác chiến thì Đại đoàn được lệnh cấp tốc tiến quân hướng về Luang Prabang (Lào) nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch. Cuộc “lật cánh” của Đại đoàn 308 sang Thượng Lào được coi là đòn tiến công chiến lược thứ năm của ta trong Đông Xuân 1953-1954, đã giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, cô lập Điện Biên Phủ, góp phần vào công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và tăng cường quan hệ hữu nghị Việt - Lào.
Trung tướng Phạm Hồng Cư cho biết: “Thế hệ chúng tôi đã cùng toàn dân hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với mong muốn con cháu hiểu rõ hơn về những chặng đường phát triển của đất nước, những khi sức khỏe cho phép, tôi lại viết bài về đề tài lịch sử để đăng trên các báo; tham gia nói chuyện truyền thống cho các đơn vị quân đội và các phường trên địa bàn quận Ba Đình nơi tôi sinh sống”.
Với sự cần mẫn “tiếp lửa” của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam… không chỉ nhắc nhớ về miền Tây Bắc tươi đẹp mà còn trở thành địa danh quen thuộc, có ý nghĩa sâu sắc để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay...