Thành cổ Diên Khánh có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, khoa học nên năm 1988 đựợc xếp hạng là di tích cấp quốc gia.
|
Thành Diên Khánh là tòa thành được xây dựng ở phủ Diên Khánh, nơi đây vừa là công trình quân sự, vừa là nơi làm việc của cơ quan hành chính địa phương thời phong kiến. Đây là thành lũy quân sự duy nhất của triều Nguyễn còn tồn tại ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Thành Diên Khánh gắn liền với phong trào Tây Sơn và triều đại nhà Nguyễn, cùng cuộc đấu tranh của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lượt.
Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, chúa Nguyễn Ánh phản công quân Tây Sơn. Tháng 7 năm 1792, quân Nguyễn Ánh chiếm được hai phủ Diên Khánh và Bình Khang. Thấy đây là một vị trí chiến lượt, giao thông thuận tiện cả về đường thủy, đường bộ từ Bắc vào Nam, lại gần cửa biển Nha Trang, nên năm 1793 chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng thành làm căn cứ quân sự kiên cố để binh chiến lâu dài với quân Tây Sơn.
Thành Diên Khánh được xây dựng trên địa phận hai xã Phú Mỹ và Trường Thạnh, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh, dinh Bình Khang. Nguyễn Văn Thành được giao trấn thủ. Ông cho dời lỵ sở của dinh cũ (xã Phước Đa, huyện Quảng Phước, phủ Bình Khang) về thành, từ đó thành Diên Khánh trở thành trung tâm chính trị, quân sự của dinh Bình Khang.
Theo các tài liệu còn lưu trữ, thành Diên Khánh được đắp bằng đất, có dạng hình con rùa, “chu vi 636 trượng 7 thước 4 tấc, cao 7 thước 5 tấc, mở 4 cửa, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước” (Đại Nam nhất thống chí). Thành do Hoàng tử Cảnh trực tiếp trông coi xây dựng. Nhân lực để đắp thành gồm 3.000 quân Bình Thuận, 100 dân Thuận Thành, trong hơn 1 tháng thì đắp xong. Thành có diện tích khoản 3.6000 m2 với 6 đoạn trường thành, được trổ 6 cổng, mỗi cổng đều có vọng lâu để lính canh nhìn được ra xa. Trong góc đắp các ụ đất cao để đặt súng đại bác phòng thủ, phía ngoài các chân thành có hào nước bảo vệ, ngoài hào là trại lính, trước mỗi cổng có cầu vòm sắt bắt qua để vào trong. (Địa chí Khánh Hòa). Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) được xây dựng bằng gạch. Đến thời Khải Định (1916-1925) các cổng được trùng tu.
Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) hai cửa tả hữu bị lấp, chỉ còn lại 4 của Đông, Tây, Tiền, Hậu. Bốn cổng thành được xây dựng giống nhau bằng gạch nung, trát vôi vữa, tạo thành một hình khối dài khoản 15m. Vòm cuốn ở giữa rộng gần 3m, cao gần 2 mét rưỡi tạo thành lối đi phía dưới.
Mặt ngoài thành xây thẳng đứng, mặt trong thành tường gạch. Hai bên các cổng xây bậc cấp để đi lên. Phía trên cổng được xây lầu tứ giác, trên cùng là cổ lầu có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Cổng thành không có hoa văn trang trí cầu kỳ mà chỉ ghi tên từng cổng bằng chữ Hán: Đông môn, Tây môn, Tiền môn, Hậu môn.
Bốn cổng thành được xây dựng giống nhau bằng gạch nung, trát vôi vữa, tạo thành một hình khối dài khoản 15m. Vòm cuốn ở giữa rộng gần 3m, cao gần 2 mét rưỡi tạo thành lối đi phía dưới.
|
Nối liền 4 cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất thoai thoải phía bên trong, hơi thẳng đứng phía bên ngoài. Phía ngoài là hệ thống hào sâu. Các góc thành được đắp nhô ra ngoài để dễ dàng quan sát, có ụ đất cao để đặt súng đại bác, gọi là pháo đài góc. Đây là đặc điểm nổi bậc của kiến trúc quân sự theo kiểu Vauband. Bên trong mỗi góc có một khoản đất rộng làm chỗ trú quân. Trên thành được trồng nhiều tre và cây có gai để tăng độ bền và tạo thành một hàng rào phòng ngự theo truyền thống người Việt. Hệ thống hào bên ngoài thành sâu từ 3m đến 5m. Dưới lòng hào thường xuyên có nước và có nhiều chướng ngại vật. Phía hào ngoài có đường hào ngoại. Vào trong thành phải đi qua cầu bắc qua hào nước.
Tuy bên ngoài, thành có cấu trúc theo kiểu Vauband, nhưng cổng thành và các dinh thự xây dựng bên trong vẫn theo đặc điểm kiến trúc truyền thống phương Đông: Hoàng cung, dinh Tuần vũ, Án sát, Lãnh binh, kho lương, nhà lao… được làm theo qui định của triều đình nhà Nguyễn và xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà cửa của Việt Nam. Tuy nhiên trải qua thời gian với nhiều thăng trầm của lịch sử nên đến nay, các công trình kiến trúc xây dựng ban đầu bên trong thành hầu như không còn.
Thành Diên Khánh là nơi sảy ra nhiều trận chiến giữa triều đình Tây Sơn với quân nhà Nguyễn: tháng 4 năm Giáp Dần (1794) quân của tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu kéo vào đánh chiếm thành, quân Nguyễn Ánh phản công, hai bên đều tổn thất nặng nề. Tháng giêng năm Ất Mão (1795), tướng Trần Quang Diệu lại mang hơn 15.000 quân bộ và 5 đạo thủy binh tấn công thành Diên Khánh. Một trận thủy chiến ác liệt diễn ra trên dòng sông Cái. Thủy quân Tây Sơn giành được thắng lợi và tiến lên vây hãm thành Diên Khánh. Nguyễn Ánh cho quân ra giải vây. Từ đây, Diên Khánh lại thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn.
Thành cổ Diên Khánh có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học nên năm 1988, Nhà nước đã quyết định xếp hạng là di tích cấp quốc gia.
Trải qua bao thời gian thăng trầm, tòa thành đã bị rêu phong và xói mòn mất nhiều đoạn tường đất, hào thành. Đến năm 2003, thành Diên Khánh đã được trùng tu, sơn sửa, gia cố lại những nơi bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ đó thành được quan tâm chăm sóc, quản lý, bảo vệ.
(Báo Khánh Hòa)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/dau-tich-thanh-luy-quan-su-duy-nhat-cua-trieu-nguyen-o-khanh-hoa-20180911150607159.htm