Chiến dịch Xuân Lộc qua góc nhìn của một vị tướng
VnExpress.net
"Cánh cửa thép Xuân Lộc bị phá vỡ đã tạo ra thời cơ lớn cho đại quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn", trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 7 (thuộc Quân đoàn 4) đánh giá.
Ở tuổi 86, trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 7 (thuộc Quân đoàn 4) vẫn nhớ như in cái ngày được lệnh đánh Xuân Lộc. Đó là một ngày cuối tháng 3/1975, sau khi giải phóng Lâm Đồng, vị Tư lệnh Sư đoàn 7 được lệnh quay về xuôi. Lúc đầu ông không phán đoán được ý đồ chiến lược, sau đó mới biết thần tốc về xuôi là để tham gia trận đánh quan trọng vào "cánh cửa thép" Xuân Lộc (thị xã Long Khánh, Đồng Nai hiện nay).
Tướng Phong kể lại, để giữ Xuân Lộc và bảo vệ Sài Gòn, chính quyền Mỹ ngụy đã bố trí tại đây lực lượng và phương tiện phòng ngự mạnh nhất, bao gồm Sư đoàn 18 bộ binh, Lữ đoàn 1 dù, Liên đoàn 3 biệt động quân... với khoảng 12.000 quân do tướng ngụy Lê Minh Đảo chỉ huy. Họ đã biến Xuân Lộc thành nơi "tử thủ" để bảo vệ Sài Gòn. Chính tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, đã trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn".
|
Trung tướng Lê Nam Phong - nguyên Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 7 (Quân đoàn 4) trả lời VnExpress. Ảnh: Tá Lâm. |
Để phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố này, 2 phương án được Bộ Tư lệnh Miền và Bộ chỉ huy chiến dịch đưa ra bàn thảo. Một là sẽ bao vây cô lập, cắt đường tiếp tế, khống chế trận địa pháo và sân bay buộc Mỹ ngụy phải đầu hàng. "Đó là phương án do tôi kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên phương án này lúc đầu đã không được chấp nhận", người chỉ huy Sư đoàn 7 nói.
Trung tướng Lê Nam Phong nói tiếp, phương án hai là tập trung lực lượng gồm 3 sư đoàn, một lữ đoàn và pháo binh đánh nhanh vào các mục tiêu và vị trí then chốt. "Do đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng, tuyến phòng thủ Xuân Lộc và sự ngoan cố của địch nên quân ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất và không hoàn thành được mục tiêu đề ra ngay trong 3 ngày đầu chiến dịch", tướng Phong nói.
Đứng trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi cách đánh mới là chia cắt và cô lập lực lượng quân Mỹ ngụy. Từ ngày 12/4/1975, với cách đánh mới, Sư đoàn 7 đã phối hợp với nhiều lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, bẻ gãy toàn bộ các đợt phản kích của chính quyền Sài Gòn.
Rạng sáng 21/4, lực lượng còn lại của quân đội Mỹ ngụy tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng. "Cánh cửa thép Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ ngụy", tướng Phong đánh giá.
Ngay sau chiến thắng Xuân Lộc, trung tướng Lê Nam Phong nhận được lệnh tổ chức lực lượng thọc sâu, tiến vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm quận 1, Đài Phát thanh ngụy, Nha cảnh sát và dinh Độc Lập. "Lúc đó, Phó tư lệnh Lê Trọng Tấn đã ra lệnh, ai vào trước sẽ cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, do đó 5 cánh quân từ 5 hướng khác nhau đã thần tốc tiến vào Sài Gòn để làm nhiệm vụ vinh quanh này", tướng Phong cho biết.
Trên đường thần tốc tiến vào Sài Gòn, cánh quân của trung tướng Lê Nam Phong đã bị chững lại do quân đội Mỹ ngụy ngoan cố nấp trong các nhà cao tầng bắn tỉa vào đoàn quân. Khi đến cầu Ghềnh vì cầu quá hẹp và yếu, xe tăng không lọt qua được, tướng Phong nhanh chóng lệnh bỏ đường Biên Hòa - Thủ Đức, quay ra đường số 1.
Tướng Phong ngồi trên xe bọc thép tiến về nội đô, trong khi đường ùn tắc bởi biển người tràn ra hò reo, chào đón. Nhận thấy bị chậm thời gian, không kịp cắm cờ chiến thắng lên dinh Độc Lập, người chỉ huy Sư đoàn 7 đã nghĩ ra một sáng kiến. "Tôi giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị cho Phó chính ủy Nguyễn Văn Thái rồi cầm cờ nhảy khỏi xe bọc thép, gọi một chiến sĩ lái xe Honda 90 chở thẳng vào thành phố", ông kể lại.
Tuy nhiên, đến cầu Thị Nghè, ông nhận được tin Quân đoàn 2 đã cắm cờ trên dinh Độc Lập vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975 lịch sử. Đúng 12h ông đến dinh Độc lập. "Có hơi buồn nhưng ai vào cắm cờ trước thì cũng là quân đội nhân dân Việt Nam cả", vị tướng già chia sẻ.
|
Bộ đội tiến vào giải phóng Xuân Lộc. Ảnh tư liệu. |
Ngồi trầm tư suy nghĩ một lúc, vị tướng 86 tuổi thổ lộ, ký ức Xuân Lộc đã làm ông nhớ đến biệt danh "Đại đội trưởng đầu trọc" do chính đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Ông kể lại, lúc đó đánh xong đồi Độc Lập, ông nhận được nhiệm vụ đánh những điểm xung quanh sân bay, chia cắt sân bay Mường Thanh để quân Pháp không tiếp tế lương thực được. Ông đã cho quân đào chiến hào để nấp. Vì thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước do mưa to nên quân của ông bị bùn đất bám vào tóc. Ông đã cạo trọc đầu và huy động cả đội cùng làm theo mình.
Vào một đêm tháng 4, một trận mưa to đã cuốn đi đồ đạc và cả bộc phá trôi nổi khắp nơi. Đúng lúc đó, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra, thấy bộc pháo trôi nổi trong chiến hào nên đã gọi người đại đội trưởng này lên. "Tổng tư lệnh hỏi tôi 2 điều: Tại sao anh để bộc phá và đồ đạc trôi nổi trong chiến hào? Tại sao anh lại cạo trọc đầu? "Hồi đó, tôi còn ít tuổi nên trả lời Tổng tư lệnh một câu xanh rờn, cạo trọc đầu để thề giải phóng Điện Biên", trung tướng Lê Nam Phong kể.
Đáp lại, vị Tổng tư lệnh đã đặt cho ông biệt danh là "Đại đội trưởng đầu trọc". Biện danh này đã in đậm trong tâm trí ông từ đó đến nay.
Trung tướng Lê Nam Phong tên thật Lê Hoàng Thống, sinh ngày 19/5/1927 tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong một gia đình nông dân nghèo. Ông tham gia cách mạng ngày 3/4/1944 và gần bốn năm sau đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Ông nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 1, Tham mưu phó mặt trận 719, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Tư lệnh Sư đoàn 7, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2...
|
Tá Lâm
|