Câu hỏi: Văn Miếu – Quốc tử Giám là một quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội. Hãy trình bày những nét cơ bản về Văn Miếu – Quốc Tử Giám?
Trả lời:
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong số những di tích quý của Thủ đô Hà Nội, được công nhận là di tích quốc gia ngày 28 tháng 4 năm 1962. Bao quanh khu di tích có tường xây bằng gạch Bát Tràng và tiếp giáp bốn phố: Quốc Tử Giám (trước cổng chính), Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học và Văn Miếu. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một tổ hợp gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu cho đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam và Quốc Tử Giám (Trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam), với hơn 700 năm hoạt động, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không những là Di tích Quốc gia mà còn là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước. Nơi đây cũng là nơi khen tặng cho những học sinh xuất sắc và được tổ chức hội thơ hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng. Đặc biệt đây cũng là nơi được các sĩ tử ngày nay đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi.
Văn Miếu được xây dựng từ tháng 8 năm Canh Tuất (1070). Trong Văn Miếu chia làm các khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng liên thông với nhau.
Khu thứ nhất: Bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
Khu thứ hai: Từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các. Khuê Văn Các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hoà và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông (85x85 xăng-ti-mét) bên dưới đỡ tầng gác phía trên, có những kết cấu gỗ rất đẹp. Tầng trên có 4 cửa hình tròn, hàng lan can con tiện và có con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Mái ngói chồng hai lớp tạo thành công trình tám mái, gờ mái và mặt mái phẳng. Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng. Hình tượng Khuê Văn Các mang tất cả tinh tú của bầu trời tỏa xuống trái đất được tượng trưng bởi hình vuông của giếng Thiền Quang. Công trình mang vẻ sao Khuê, ngôi sao sáng tượng trưng cho văn học. Đây là nơi thường dùng để thưởng thức các sáng tác văn thơ từ cổ xưa đến nay. Hai bên phải và trái của Khuê Văn Các là Súc Văn và Bí Văn (văn hàm súc và văn sáng đẹp).
Khu thứ ba: từ gác Khuê Văn tới cửa Đại Thành. Giữa khu này là giếng Thiền Quang (giếng trời trong sáng) xây kè bờ và có lối đi vòng quanh giếng. Hai bên là 8 ngôi nhà, trong đó đặt 82 bia đá lưu danh những người đỗ tiến sĩ, từ khoa thi Bảo Đại thứ 3(năm 1442) đến Cảnh Hưng thứ 40(năm 1779). Đó là những di vật quý nhất của cụm di tích này.
Khu thứ tư: là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu. Một sân rộng, hai bên là nhà tả vu và hữu vu thờ các danh nho. Cuối sân là nhà Đại Bái, kiến trúc đẹp, hoành tráng. Tại đây có một số hiện vật quý: một chuông lớn đúc năm 1768; một khánh đá, mặt trong khắc hai chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài minh viết kiểu chữ lệ, nói về công dụng của loại nhạc khí này. Tiếp theo Đại Bái là Hậu Cung nơi đặt tượng Khổng Tử và 4 môn đệ là Nhan Hồi, Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư.
Khu thứ năm: là khu Thái học, trước kia đã có một thời kỳ đây là khu đền Khải Thánh, thờ bố mẹ Khổng Tử, nhưng giờ đã bị phá huỷ. Khu nhà Thái học này mới được xây dựng lại năm 2000.
Trong Văn Miếu, ở điện thờ Khổng Tử có hai cặp hạc cưỡi trên lưng rùa. Đây là hình tượng rất đặc trưng tại các đền, chùa, lăng, tẩm, miếu mạo ở Việt Nam. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa, đứng trên lưng rùa biểu hiện sự hài hoà giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý và thanh cao.
Khu Thái học – Quốc Tử Giám là một phần trong cụm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1070. Thời gian đầu đây là nơi dạy chữ cho các hoàng tử, sau mở rộng đối tượng thu nhận cả những trò giỏi trong thiên hạ.
Năm 1253 Quốc Tử Giám đổi tên là Quốc Học Viện. Năm 1483 lại đổi tên nữa là Thái học Viện (thái có nghĩa là cao, thái học có nghĩa là học cao). Đến đời vua Gia Long (nhà Nguyễn), trường Quốc Tử Giám dời vào Huế, nên địa điểm này chuyển thành đền Khải Thánh. Sau nhiều năm chiến tranh và thiên nhiên tàn phá công trình đã bị hư hỏng hoàn toàn. Quốc Tử Giám xưa không còn dấu tích nên không có cơ sở để trùng tu, tôn tạo. Thực hiện dự án tôn tạo di tích chuẩn bị đón lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các nhà khoa học, khảo cổ, kiến trúc lấy hình mẫu của Thái học Viện, theo phong cách truyền thống, sử dụng vật liệu cổ truyền như gỗ quý, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài... để tái tạo công trình này. Ngày 13 tháng 7 năm 1999 di tích Thái học đã được khởi công tái dựng trên nền cũ, bao gồm các công trình: nhà tiền đường, hậu đường, tả vu, hữu vu, sân vườn và các công trình phụ. Giai đoạn một đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2000). Diện tích sử dụng 1.530 mét vuông.
Di tích Thái học – Quốc Tử Giám là một chứng tích quý về truyền thống hiếu học của các thế hệ con người Việt Nam.
(Xin đón đọc phần tiếp theo Thành cổ Thăng Long - Hà Nội)