Với mong muốn giới thiệu cùng độc giả Lịch sử của Dân tộc Việt Nam, với ước mong tìm hiểu cội nguồn dân tộc, BBT Nguoixunghekiev.vn xin giới thiệu tới độc giả cuốn "Hỏi đáp về một số di tích lịch sử và văn hoá nổi tiếng" của NXB QĐND, tháng 6 - 2009, chủ biên Đặng Việt Thuỷ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hỏi đáp về một số di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng
Lời giới thiệu
Từ thuở xa xưa, cha ông ta đã từng đi không nghỉ, luôn luôn tiến tới để làm nên chiến thắng. Chúng ta đã từng đổ mồ hôi và đổ máu để gìn giữ non sông. Phải chăng những trang sử quá khứ hào hùng của dân tộc đã được minh họa bằng những thanh gươm tự vệ ngời sáng. Đẹp biết bao là hình ảnh chàng trai Phù Đổng đuổi giặc Ân... Bà Trưng, Bà Triệu khởi nghĩa chống giặc phương Bắc xâm lược. Hào hùng thay là hình ảnh những con người bảo vệ đất nước từ chiến sĩ “Sát Thát” đến nghĩa quân Cần Giuộc và những chiến sĩ anh hùng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành chiến thắng vẻ vang.
Đi từ Bắc vào Nam, đến thời nào ta cũng gặp những dấu tích của lịch sử nước nhà. Hà Nội ngàn năm văn hiến với “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, Thừa Thiên Huế gắn với nỗi đau trong vụ thảm sát đẫm máu tại Hương Điền dưới Luật 10/59, xa hơn nữa là miền Nam khắc khoải mòn mỏi bởi “tiếng máy chém đầu văng trong ánh thép, nhân dân quằn quại dưới xiềng gông. Đạn bom rơi xác pháo chất chồng, người chết không yên tan mồ nát mả...”. Những nhà tù, những hố bom, những bảo tàng di tích chiến tranh... vẫn còn đây như nhân chứng sống về cuộc chiến đẫm máu chẳng thể nào quên được trong trái tim của triệu triệu người Việt Nam yêu nước. Người đọc sẽ không thể cầm lòng khi đến với ngôi đền Bến Dược, với Củ Chi đất thép thành đồng... Dù hôm nay ta đang sống giữa thời bình yên ả nhưng có lẽ nỗi đau về chiến tranh thì không thể xóa nhoà. Đến với Ngã ba Đồng Lộc là đến với vùng đất ngày đầy nắng gió để đêm về cồn lên tiếng biển rì rầm như những tiếng lòng tri âm...
Cuốn “Hỏi đáp về một số di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam” được viết trong khuôn khổ hạn hẹp nhưng cũng là lòng tâm huyết, sự tìm tòi công phu của nhóm tác giả. Trong quá trình tìm hiểu và sưu tầm tài liệu, chúng tôi đã cố gắng tham khảo để thể hiện những vấn đề cập nhật nhất về các di tích lịch sử – văn hoá của Việt Nam. Mục đích của chúng tôi là trả lời ngắn gọn, đầy đủ và chính xác cho bạn đọc những câu hỏi thú vị liên quan đến các di tích lịch sử – văn hoá của dân tộc. Qua cuốn sách chúng tôi rất muốn gửi đến bạn đọc những kiến thức không bao giờ cũ về đất nước và con người Việt Nam yêu dấu. Cuốn sách cũng là cẩm nang của mỗi người trong hành trình tìm hiểu cội nguồn lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm và tham khảo tài liệu, dù đã cố gắng nhưng cũng không thể không còn nhiều chỗ thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả xa gần để lần xuất bản tiếp sau sẽ hoàn thiện hơn. Xin trân trọng cảm ơn!
NHÓM TÁC GIẢ
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
THÀNH CỔ LOA
Thành Cổ Loa - Ảnh nguồn Internet
Câu hỏi: Từ lâu truyền thuyết An Dương Vương xây thành và mối tình Mỵ Châu – Trọng Thuỷ đã gắn chặt với một quần thể di tích lịch sử – văn hóa lâu đời ở làng Cổ Loa – Đông Anh, Hà Nội. Hãy cho biết đôi nét về Thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương?
Trả lời:
Thành Cổ Loa là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó).
Khu vực Cổ Loa khá rộng, chiều dài của cả ba vòng thành tổng cộng lên đến hơn 16 ki-lô-mét. Thành Cổ Loa được xây dựng theo kiểu xoáy ốc (nên gọi là Loa thành) gồm ba vòng.
Vòng ngoài chính là thành ngoài, được đắp lần theo những gò đồi thiên nhiên nên không có hình dáng rõ ràng. Vòng này dài khoảng 8 ki-lô-mét, cao trung bình từ 4 đến 5 mét được gọi là gò Cột Cờ. Chân thành rộng từ 12 đến 20 mét.
Vòng giữa cũng là thành giữa, vòng này được đắp nối các gò đồi tự nhiên lại với nhau nên cũng không có hình dáng rõ ràng. Vòng thành này dài khoảng 6,5 ki-lô-mét, cao từ 6 đến 12 mét. Mặt thành rộng 10 mét, chân thành rộng 20 mét. Hai vòng thành ngoài và giữa được nối liền với nhau ở phần giữa phía Nam để chừa một khoảng trống làm cửa vào thành. Đó là cửa Nam và đó cũng là cửa chính. Vòng thành giữa cũng có hào ngoài bao kín cả bốn phía. Riệng mặt phía Đông có Đầm Cả chảy xuyên qua tường ngoài để nối với sông Hoàng.
Vòng trong đồng thời là thành trong, hình chữ nhật, có chu vi 1.650 mét, nơi đây được xem là chỗ ở của nhà vua và hoàng gia. Mặt thành rộng 10 mét, chân thành rộng 20 mét, cao chừng 5 mét. Thành có hào bao quanh bốn phía, mở cửa chính hướng Nam. Vòng thành này hoàn toàn do con người đắp nên. Quanh thành và rải rác trong thành, nhiều nơi còn bảo lưu những địa danh nhắc tới thời An Dương Vương như gò Đống Bắn, tương truyền nơi đây Cao Lỗ, một vị tướng tài của An Dương Vương đã chế ra nỏ thần và dạy quân bắn nỏ.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội, đi khoảng 18 ki-lô-mét là đến xã Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, ta sẽ thấy dấu tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất. Nơi đây các nhà khảo cổ đã tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật...
Trong khu vực thành còn có đình Cổ Loa. Đền Thượng thờ An Dương Vương – vị vua cha rất mực yêu thương con gái là công chúa Mỵ Châu nhưng vì mất cảnh giác, nên đã để Cổ Loa trở thành sân khấu của tấn bi kịch nước mất, nhà tan. Cho đến nay vẫn chưa biết đền Thượng được xây dựng từ bao giờ, chỉ biết được trùng tu vào năm 1687, và đến năm 1893 lại được trùng tu thêm lần nữa. Hiện nay đền Thượng còn giữ được một số di vật như: tượng An Dương Vương bằng đồng hun, hai con ngựa “Hồng”, “Bạch” đúc năm 1706 và một số đồ tế bằng đồng, sứ, gỗ, vải...
Sau gốc đa là một cửa tò vò dẫn vào am thờ công chúa Mỵ Châu. Am thờ công chúa Mỵ Châu là một phiến đá. Chuyện kể rằng: Mỵ Châu bị chết oan, nên biến thành hòn đá trôi dạt về phía Đông vòng thành giữa, dân Cổ Loa bèn rước về thờ. Am thờ công chúa Mỵ Châu như một dấu tích của nỗi đau “Trái tim lầm chỗ để trên đầu”. Chếch về bên phải đền Thượng là giếng đất đầy nước, gọi là giếng Ngọc. Nơi đây tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử.
Bao quanh đền và am là từng đoạn vòng thành cổ chạy dài. Đó là đấu tích của lịch sử và truyền thuyết An Dương Vương xây thành, chế nỏ. Còn mối tình Mỵ châu, Trọng Thuỷ lại là nguyên nhân dẫn đến “cơ đồ đắm biển sâu” của nhà nước Âu Lạc cuối thế kỷ thứ III trước Công nguyên.
(Xin đón đọc phần tiếp theo Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
|