Sáng ngày 20/3 (tức ngày 1/2 âm lịch) người dân làng Thiều, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã tổ chức lễ hội ăn tết lại. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo, có từ lâu đời được người dân làng Thiều còn lưu giữ lại được đến nay, cùng với phiên chợ Thiều mỗi năm chỉ họp đúng một lần vào ngày 26 tháng Chạp.
Từ sáng sớm người dân làng Thiều đã tập chung về đình làng để cùng nhau tổ chức lễ ăn Tết lại.
Theo các cụ cao niên trong làng Thiều kể lại, tục ăn tết lại của làng có từ thời nhà Lê. Vào thế kỷ thứ 15, tướng quân Lê Phúc Đồng là người con của làng, ông ra đi đánh giặc đúng vào ngày Tết nguyên đán. Sau khi đánh thắng quân giặc, ông trở về làng đúng vào ngày 1/2 âm lịch và đã mở hội cho dân làng cùng nhau ăn tết lại.
Từ đó đến nay, cứ đến ngày 1/2 âm lịch hàng năm, người dân làng Thiều không ai bảo ai lại tập trung tới đình làng cùng nhau góp lễ để ăn tết lại. Ngày ăn tết lại ở làng Thiều, gia đình nào dù giàu, dù nghèo cũng phải sắm cho mình được một mâm lễ có mâm ngũ quả, gạo nếp, con gà, bánh dày… để góp lễ.
Vào ngày ăn tết lại, nhà nào cũng có của lễ để góp dâng lên cũng tế.
Cụ Nguyễn Văn Trực cho biết, tục xưa truyền lại hễ là con trai làng Thiều khi đủ 18 tuổi, vào ngày ăn tết lại này phải có một mâm lễ để đem ra làng cúng tiến. Việc góp lễ ăn tết lại với dân làng là bắt buộc theo luật tục của làng.
Gia đình nào nghèo, không có tiền để sắm mâm lễ phải đi vay mượn sắm cho đủ mâm lễ nếu không năm đó sẽ không gặp may mắn. Dần phong tục này bị mai một, người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới tuy không còn việc bắt buộc phải góp lễ như trước nhưng tục lệ của làng, gia đình nào cũng phải góp lễ để tổ chức ăn tết lại và còn được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Người dân tổ chức rước kiệu đón các vị thần linh ở các miếu đền, chùa về đình làng ăn tết cùng đân làng.
Trong ngày ăn tết lại, tất cả người dân trong làng Thiều đều nghỉ hết các công việc đồng áng. Buổi sáng, mọi người trong làng mang lễ vật ra đình để góp lễ cúng. Sau đó, cùng nhau rước kiệu từ đền chính của làng qua các miếu, đền, chùa trong làng đề mời các vị thần linh, thành hoàng làng về dự ngày lễ với dân làng. Sau đó đoàn rước sẽ được đưa về sân đình của làng để tổ chức các nghi lễ như: lễ tế nữ quan, lễ cúng thành hoàng làng, dâng hương…
Điều đặc biệt trong ngày ăn tết lại của người dân làng Thiều không chỉ ở việc cúng tế, tổ chức nhiều phần nghi lễ, và cùng nhau góp lễ mà còn được thể hiện độc đáo ở tục dâng bánh dày. Theo đó, trong ngày Tết nguyên đán mọi nhà đều làm bánh chưng nhưng đến ngày ăn tết lại thì nhà nào cũng phải có bánh dày để dâng lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên và làm đồ vật góp lễ cùng dân làng ăn Tết lại.
Người dân cùng nhau làm bánh giầy trong ăn tết lại.
Sau khi kết thúc các phần nghi lễ, người dân trong làng Thiều cùng nhau nô nức tham gia phần hội với các trò chơi dân gian như thi giã bánh dày, đánh bóng chuyền, cờ vua, nấu cơm thi…
Người dân làng Thiều quan niệm, trong ngày ăn tết lại mỗi người mỗi nhà đều phải tỏ lòng thánh kính với ông bà tổ tiên và các vị thần linh trong làng. Chính vì thế, các vị thần sẽ ban cho dân làng một năm mới có cuộc sống no đủ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn phát đạt, an lành hạnh phúc. Con cháu trong làng sẽ chăm ngoan học giỏi…
Những mâm bánh giầy được người dâng lên cúng tế.
Hàng trăm người dân đứng chen chúc nhau khi dâng lễ lên để cúng tế.
Sau các phần lễ, người dân làng Thiều nô nức tham gia các trò chơi dân gian để vui tết.
Thái Bá
http://dantri.com.vn/xa-hoi/ca-lang-cung-nhau-gop-le-an-tet-lai-1048012.htm