(VTC News) - Tại địa điểm này, ông đã phát hiện cả trăm bộ xương người, xương hổ, voi, gấu, là nạn nhân của các cuộc tế sống nhằm trấn yểm.
Mới đây, tác giả của khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), đã công phố phát hiện trận đồ trấn yểm trên sông Sào Khê, từ thời nhà Đinh, nhà Lê.
Tại địa điểm này, ông đã phát hiện cả trăm bộ xương người, cùng xương hổ, voi, gấu, mà theo ông là nạn nhân của các cuộc tế sống nhằm trấn yểm long mạch.
Điều lạ lùng là, một số nhà phong thủy, tâm linh bí ẩn, cũng bị thôi thúc bởi một thế lực bí ẩn để tìm đến trận đồ trấn yểm này, nhằm làm đàn lễ giải oan cho các oan hồn bị tế sống.
Kỳ 1: Những chuyện lạ lùng
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tâm linh (cơ quan trực thuộc UIA), đã mời tôi về Ninh Bình, để tìm đến một địa danh, mà theo chị rất đặc biệt, đó là long mạch của quốc gia!
Ở Tràng An có hai địa danh là Tràng An và Tràng An Cổ. Tràng An là khu vực mới được xây dựng, đẹp tráng lệ, thực là thiên đường dưới hạ giới. Khu vực khe núi này được đắp đập, trữ nước, các quả núi được đào thủng, tạo thành những dòng sông ngầm, du khách đi thuyền thưởng ngoạn cả ngày mới hết.
Tràng An Cổ nằm cạnh đó, khá khiêm tốn, vắng khách hơn, nhưng đây mới thực sự là Tràng An.
Người khai sinh ra cả hai khu du lịch nổi tiếng này chính là ông Nguyễn Văn Son, người con đất Tràng An. Ông khảo sát, thiết kế, rồi người em họ, là đại gia Nguyễn Xuân Trường xây dựng khu Tràng An mới, còn ông lui về làm ông chủ khu Tràng An Cổ. Tràng An Cổ đầy bí hiểm, đau thương, nơi ông xác định gắn bó cả đời.
Ông Nguyễn Văn Son giới thiệu về Tràng An Cổ với chị Nguyễn Thị Thu Hương và anh Lê Thái Bình
Lần về Tràng An cổ này, ngoài chị Nguyễn Thị Thu Hương, còn có anh Lê Thái Bình, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt ở Hà Nội. Anh Bình là thầy giáo dạy thiền, hướng dẫn hàng trăm người tập thiền để nâng cao sức khỏe, khám phá những bí ẩn của bộ não.
Anh Bình tâm sự: “Tôi tốt nghiệp đại học, có trình độ hẳn hoi, không phải người u u mê mê tin vào những chuyện dị đoan, nhưng những thứ tôi trải qua, chứng kiến thì không thể nào dùng lý luận khoa học để bác bỏ được”.
Cách đây 2 năm, mỗi khi thiền định, Lê Thái Bình lại cảm nhận thấy hình cái giếng rất sâu, trong giếng có quyển sách, cái kiếm.
Cửa hang Luồn, nơi được nghi vấn có trận đồ trấn yểm
Mới đây, anh Bình cùng đệ tử về chùa Bái Đính cổ để bái Phật, rồi vòng về khu du lịch Tràng An. Khi xe chạy qua đường hầm xuyên núi, đến khu vực Tràng An Cổ, thấy hình thế núi non rất lạ, nên anh bảo lái xe rẽ vào cái cổng có dòng chữ “Tràng An Cổ” dưới chân núi.
Vừa bước chân qua cổng, thì gặp ông Nguyễn Văn Son, người đàn ông tưởng như khắc khổ, nhưng vẫn toát lên dáng vẻ của một thi sĩ. Biết ông Son là chủ khu du lịch, anh Bình bảo: “Ông ơi, ở đây có cái giếng nào sâu lắm, sâu không có đáy không ông?”. Ông Son gật đầu bảo có cái giếng rất sâu trên núi, gọi là giếng Trời.
Nghe ông Son nói vậy, anh Bình phăm phăm leo lên núi xem chiếc giếng sâu hun hút vào lòng núi. Nhìn thấy giếng, anh Bình khóc rất to. Quay xuống núi, anh Bình bảo ông Son phải làm đàn tế thật to, để giúp các oan hồn nơi đây siêu thoát.
Ông Son chở tác giả đi xem trận đồ trấn yểm
Tuy nhiên, khi gặp Lê Thái Bình, ông Son bảo rằng, lần đầu tiên gặp Bình, ông đã có cảm giác rất lạ, như thể là người sẽ giải đáp cho ông nhiều điều khó hiểu ở Tràng An Cổ, nơi ông đã gắn bó, xây dựng nhiều năm nay.
Vô số điều kỳ lạ tập trung ở cửa hang Luồn, là điểm nhấn của khu du lịch Tràng An Cổ, cũng như toàn bộ vùng đất Tràng An, mà ông chỉ có thể bó tay, không sao giải thích.
Ông đã moi lên hàng đống xương người, ông đã lập cả một nghĩa địa để thờ cúng chu đáo. Nhưng, tại sao lại có nhiều xương đến vậy? Rồi còn hàng đống tiền cổ, hàng tạ cổ vật kỳ lạ. Còn xương hổ, xương voi nữa chứ. Những thứ đó, vì sao tập trung ở một địa điểm dưới dòng Sào Khê?
Những câu hỏi bao năm nay không có lời giải, đã thêm một lần nữa, được chàng trai Lê Thái Bình gợi mở, khiến ông Nguyễn Văn Son càng tin tưởng hơn vào một huyệt mạch kỳ lạ, một trận pháp trấn yểm có thể nói là cực kỳ quan trọng từ cả ngàn năm trước.
Những ngày đầu năm lạnh giá, Tràng An Cổ chìm trong màn sương bàng bạc, buồn tẻ.
Nhìn trên vách núi, tôi thấy con chim kỳ lạ, thân màu đen, có chút sọc đỏ, sọc trắng, cái mỏ to tướng như mỏ bồ nông đậu trên một chạc cây soi bóng xuống dòng Sào Khê.
Tôi hỏi chị lái đò, rằng con chim gì mà lạ lùng thế. Chị lái đò nhìn theo hướng tay tôi chỉ, rồi rú lên ra vẻ kinh ngạc lắm. Hóa ra, đó là chim phượng hoàng đất, loài chim cực kỳ quý hiếm, tưởng như tuyệt chủng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thi thoảng loài chim này vẫn xuất hiện ở khu vực Tràng An. Rất hiếm người ghi lại được hình ảnh loài chim này.
Chim phượng hoàng đất ở Tràng An
Đồn rằng, phượng hoàng đất thường xuất hiện vào những dịp trọng đại, và chỉ có những người may mắn lắm mới được chiêm ngưỡng loài chim này. Khi chúng tôi đang bàn tán, thì con phượng hoàng đất nhào ra phía dòng Sào Khê, rồi vỗ cánh phành phạch bay mất hút vào trong núi.
Từ phía vách núi, nơi ngôi đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc và ba quân tướng sĩ, phát ra tiếng đàn bầu não nuột. Khung cảnh lạnh giá, vắng vẻ, thi thoảng chỉ có tiếng chim kêu, rừng núi âm u, nghe tiếng đàn bầu mà buồn.
Chúng tôi hỏi về ông Nguyễn Văn Son, thì chị lái đò bảo: “Trưa nay, ăn xong, bác Son gọi em đến bảo chiều nay sẽ có khách tâm linh đến. Bác dặn em ngồi đây đợi, rồi có gì chèo đò đưa khách đi. Chắc đúng là đoàn mình rồi”.
Ông Son gảy đàn bầu đợi khách
Chúng tôi leo đến lưng chừng núi, thì tiếng đàn bầu im bặt. Ông Nguyễn Văn Son, dáng cao, gầy, mái tóc vuốt ngược, vầng trán cao, dáng vẻ thi sĩ ra bắt tay. Trà nóng ông đã pha sẵn.
Gặp lại anh Lê Văn Bình, ông Son rất vui. Có thêm tôi và chị Thu Hương, ông Son hào hứng kể nhiều chuyện. Ông dẫn chúng tôi thăm quan một vòng khu Tràng An cổ. Đích thân ông chèo thuyền dọc sông Sào Khê, rồi kể tỉ mỉ, cặn kẽ từng thứ.
Biết bao câu chuyện mà ông xới lên từ những trang sách, từ lời kể dân gian, từ những lớp sâu bùn đất mà ông đào bới, khai quật lên. Tôi có cảm giác, ông Son là nhà văn hóa, nhà sử học, nhà tâm linh, là một thi sĩ, với bộ óc dường như được khai sáng, chứ không phải là một ông nông dân, một ông trưởng thôn, ông chủ nhiệm hợp tác xã đóng gạch, ngói ở vùng đất này.
Thực hư ‘trận đồ’ Tràng An: Vùng đất 1.000 năm oan khiên
(VTC News) - Theo truyền thuyết, thì tại thung lũng này, từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp 1.000 năm trước.
Kỳ 2: Vùng đất oan khiên
Ông Nguyễn Văn Son, đã sinh ra và gắn bó với làng cổ Tràng An (Ninh Bình) 60 năm nay, nên không chuyện gì ở ngôi làng này mà ông không biết.
Ngày bé, bên bếp lửa hồng, các cụ già thường kể chuyện về Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu giương cờ lau tập trận. Bây giờ, ông Son vẫn giữ cuốn sách “Ngọn cờ lau lịch sử” đã xuất bản từ ngót trăm năm nay và coi đó là vật báu. Cuốn sách hé lộ nhiều thông tin thú vị, quan trọng về Tràng An.
Ông Son đã thuộc từng quèn núi, từng hang động, vách đá và ông rất chú tâm tìm hiểu địa hình thực tế với mô tả trong sách vở. Các thông tin trong sách vở rất khớp với thực tế, nên từ lâu, ông Son đã tin rằng, vùng đất này chính xác là nơi vua Đinh Bộ Lĩnh dựng nghiệp.
Sông Sào Khê là đường thủy vào Tràng An
Miệng hang Luồn, nơi ông Son phát hiện ra "trận đồ" Trấn Yểm
Giai đoạn từ năm 1991 đến 2000, khi ông Son là trưởng thôn Tràng An, rồi chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, ông chuyên tâm tìm hiểu lịch sử, phong tục truyền thống, các nhân vật lịch sử. Ông nhận thấy, ngoài Đinh Tiên Hoàng, còn vô số vị tướng, khai quốc công thần liên quan đến vùng đất nhỏ bé này.
Trong các văn bia khai quật sau này còn khẳng định tướng Nguyễn Bặc đã chiến đấu, rồi chết ở đây. Danh nhân Nguyễn Trãi cũng từng sống ở Tràng An.
Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp sản xuất ngói nung, đào bới đất nhiều, ông Son khám phá ra thêm khá nhiều chuyện lạ. Ngôi đền đổ nát bên con sông Sào Khê, thờ Đinh Tiên Hoàng đã được tìm thấy. Ngôi đền còn thờ 4 vị tướng nữa, gồm Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú. 4 vị tướng đầu triều thân cận với vua Đinh đều chết thảm dưới triều vua Lê.
Ông Nguyễn Văn Son là người hiểu từng ngóc ngách Tràng An
Ngoài ra, theo tục truyền địa phương, thì còn 8 ông tướng nhà Đinh nữa, được Lê Hoàn mời về phục vụ triều đình, nhưng biết rằng nếu ra hàng, sẽ bị giết, nên đã uống thuốc độc tuẫn tiết bên dòng Sào Khê. Mãi về sau, các nhà khảo cổ mới phát hiện ra ở thành phố Ninh Bình có chùa Bát, đã đổ nát hoàn toàn. Ngôi chùa này vốn là đền thờ 8 vị tướng trung nghĩa với triều Đinh, nhưng sợ Lê Hoàn, nên người dân không gọi là đền, mà gọi là chùa.
Để khẳng định xưa kia, nơi đây có nhiều quân tướng tự sát, gây cảnh tang tóc oan khiên vô cùng lớn, ông Nguyễn Văn Son dẫn tôi lên vách núi, bên phải ngôi đền. Trong vách núi ấy, ông làm một chiếc tủ kính, chứa hàng trăm chiếc bát cổ, cả lành lẫn vỡ.
Theo ông Son, từ năm 2001, Nhà nước khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, ông đã nảy sinh phát triển du lịch Tràng An.
Năm 2002, ông Son thành lập công ty TNHH Thiên Trường, mở các cuộc khảo sát khắp vùng Tràng An. Ông cùng người em họ, là ông Nguyễn Xuân Trường vào cuộc.
Những chiếc bát ông Son thu được từ Tràng An, mà theo ông tướng sĩ dùng để uống thuốc độc tự vẫn
Để xây dựng hai khu Tràng An và Tràng An cổ, hàng loạt cuộc khảo sát, khai quật tiếp tục diễn ra trên quy mô rộng lớn. Nhiều nền móng đình chùa, nhiều di vật đặc biệt đã được khai quật lên.
Các cuộc khải quật khảo cổ đã làm sáng tỏ thêm nhiều câu chuyện trong sử sách, truyền miệng. Những chiếc bát mà tướng sĩ dùng để uống thuốc độc tự sát là bằng chứng ông Son giữ trong đền để thờ ba quân.
Để chứng minh rằng, vùng đất này chứa chất oan khiên, ông Son đã lấy thuyền chở tôi xuyên qua đền Trần vào thung lũng, nơi mà theo ông, có cả ngàn tướng sĩ chết thảm.
Vượt qua vách đá, tôi và ông Son đi sâu vào thung Thắm. Thung rộng mênh mông, có lẽ đi cả buổi cũng không hết thung lũng này. Thung Thắm thật kỳ lạ, như một vùng đất ngập nước ven biển, với hệ thống si chằng chịt mọc như kiểu sú vẹt. Si không chỉ mọc kín thung lũng, mà tràn lên mấy quả núi, chạy lắt léo qua các thung khác trong một vùng rộng lớn, tạo thành một rừng si nguyên sinh khổng lồ.
Đền Trần ở Tràng An
Thung Thắm
Tôi ngạc nhiên không hiểu đây là giống si gì, thì ông Son bảo: “Đây không phải rừng si đâu, mà là một cây si đấy. Nói không ngoa, thì đây là cây si ngàn tuổi, lớn nhất thế giới. Diện tích bao phủ của nó phải tính bằng cả chục héc-ta, kín cả thung lũng, trùm mấy quả núi”.
Tôi tỏ ra ngạc nhiên, không hiểu, tưởng có ẩn ý gì, thì ông Son thách đố: “Tôi đố cậu tìm thấy cây si nào mọc riêng biệt ở thung Thắm này đấy? Mặc dù có nhiều rễ, nhiều gốc, nhiều nhánh, nhưng tất cả chúng đều dính liền với nhau. Gốc nọ dính liền với gốc kia, mọc nhánh, lan ra như mạng nhện khổng lồ, dài hàng km, nên vẫn chỉ là một cây mà thôi”.
Chuyện si, sanh buông những chiếc rễ nhỏ như chiếc tăm, rồi cái rễ đó lớn lên thành gốc cây khổng lồ, đâm nhánh, nảy thân không có gì lạ. Nhưng một thân mà lan ra trùm kín cả thung lũng, trùm mấy quả núi thì thực là một chuyện kỳ lạ chưa từng thấy trên thế giới, chứ không nói gì ở Việt Nam.
Để lý giải chuyện này, ông Son dẫn tôi lên đền Trần. Đó là ngôi đền nhỏ, xây dựng bằng đá, nằm dưới một mái đá cao vòi vọi. Đền thờ Thánh Minh Đại Vương, tên húy Nguyễn Hiến, em song sinh của Nguyễn Sùng và là em con chú của Sơn Tinh.
Ngôi đền được xây dựng từ thời Đinh, gọi là đền Hiềm (trấn phía Nam). Tuy nhiên, đến thời Trần, vua Trần Cảnh ngang qua đây, đã đổi tên thành đền Trần và tên đó tồn tại đến ngày nay.
Ông Son đứng bên mép đền, chỉ tay khắp thung Thắm. Ông kể rằng, theo truyền thuyết, thì tại thung lũng này, từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp 1.000 năm trước.
Tướng Phạm Bạch Hổ, người trung thành với nhà Đinh, đã đem 1.000 quân vào thung lũng này cầm cự với nhà Tiền Lê, khi Lê Hoàn tiếm ngôi nhà Đinh. Ông lấy thung Thắm làm căn cứ rèn quân, khôi phục binh mã, chờ thời cơ giành lại quyền bính cho nhà Đinh.
Hệ thống si ngàn tuổi trong thung Thắm
Lê Hoàn đã đem quân bao vây thung lũng này. Tại đây đã xảy ra hàng loạt cuộc xung đột đẫm máu. Rừng sâu, lương mỏng, quân yếu nên tướng Phạm Bạch Hổ cùng 1.000 quân sĩ đã thiệt mạng. Nhiều quân tướng đã cùng uống thuốc độc tuẫn tiết thể hiện sự trung thành với nhà Đinh. Máu chảy ngập thung lũng, nên từ đó, vụng nước này được gọi là Vũng Thắm (vũng máu). Sau thì gọi là thung Thắm. Ngôi đền Hiềm được đổi tên thành đền Thắm. Trần Cảnh ngang qua, mới đổi tên thành đền Trần.
Truyền thuyết cũng kể rằng, sau khi chôn cất 1.000 binh sĩ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si. Lạ lùng thay, những cây si do nhân dân trồng trên 1.000 nấm mồ đã mọc lan rộng, đan quyện, dính chặt vào nhau, thành một khối liền như mạng nhện. Cứ theo truyền thuyết, thì hệ thống gốc si này đã có tuổi một thiên niên kỷ.
Đã có 60 năm sống ở Tràng An, và mấy chục năm đơm cá, bắt lươn ở trong thung này, đặc biệt là loài cá rô Tổng Trường, cá tràu tiến vua, hai loài cá vốn dâng triều đình, ông Son đã đi khắp thung Thắm. Điều ông nhận ra, ấy là cả ngàn cây si gắn kết với nhau thành một thể thống nhất.
Nhiều lần, ông đã bỏ công đi cả ngày mà không tìm được một gốc si tách biệt. Ông Son đặt câu hỏi: “Phải chăng những cây si này gắn chặt với nhau biểu thị cho sự đoàn kết, nhất trí của các tướng sĩ?”.
Quá trình thu thập chuyện truyền miệng, tìm trong sách sử, rồi quá trình nạo vét, khai quật, ông Son đã phát hiện ra câu chuyện đau thương này.
Những bộ xương bí ẩn và rắn có mào ở Tràng An
(VTC News) - Trước mắt ông Son là một con rắn có mào trên đầu thực sự, khiến ông dựng tóc gáy.
Kỳ 3: Bộ xương bí ẩn và rắn có mào
Ông Nguyễn Văn Son, chủ khu du lịch Tràng An Cổ và cũng là cha đẻ của khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) nổi tiếng Việt Nam bây giờ cho biết, ông gặp vô số điều lạ lùng, bí ẩn ở khu vực Tràng An.
Vào năm 2005, trong quá trình đi thám hiểm, ghi chép lại các hang động, viết dự án, để giới thiệu sản phẩm du lịch, ông đã gặp một con rắn có mào.
Hồi trẻ, ông thường vào hang Bói săn sơn dương. Hang đó có nhiều vỏ ốc, nghĩ có người xưa ở, nên đưa vào làm điểm tham quan sẽ thú vị. Chính tại hang này, mới đây, các nhà khảo cổ đào hố thám sát, đã phát hiện bộ xương người có tuổi khoảng 7.000 đến 10.000 ngàn năm.
Ông Son chèo thuyền chở PV đi tìm hiểu về Tràng An
Rắn mào và cua vàng
Ở cửa hang có một tảng đá, khá giống cái ngai vàng. Ông Son cùng một nhóm đi vào hang Bói. Ông dựng tóc gáy khi thấy trên tảng đá hình ngai ấy có 2 con rắn vắt vẻo. Một con màu đỏ, thân to, đầu có mào. Một con màu xanh, nhỏ hơn, nằm uốn khúc, gối đầu lên lưng con đỏ.
Ông Son chợt nhớ lại lời các cụ kể, khi xưa khi các cụ ở Tràng An vào chỗ hang Bói khai thác gỗ sửa đền vua Đinh, đã từng gặp rắn có mào.
Ông Từ Khấu, người phụ trách xẻ gỗ trong rừng, đã bắt gặp con rắn lạ này. Ông đặt chiếc mâm đồng, con rắn bò vào. Các cụ nghĩ “thần” về, nên đưa rắn mào vào hậu cung làm lễ cúng bái. Cúng xong, rắn biến mất, không ai nhìn thấy nữa.
Con rắn có mào ông Son quay được ở hang Bói (Ảnh chụp lại từ video)
Ông Son nghe chuyện rắn có mào nhiều, nhưng không tin. Khi đó, trước mắt mình là một con rắn có mào trên đầu thực sự, khiến ông dựng tóc gáy. Trấn tĩnh lại, ông Son chạy về nhà lấy máy quay phim.
Lúc ông gặp rắn là 10 giờ sáng, ông chạy về nhà làm lễ cúng bái, rồi quay lại lúc 4 giờ chiều. Điều kinh ngạc là cặp rắn vẫn nằm đó. Ông Son đứng từ xa zoom lại, quay rõ hình ảnh con rắn có mào, loài rắn tưởng như chỉ có trong huyền thoại.
Quay xong, hai con rắn ngọ nguậy, rồi trườn lên núi và biến mất. Cặp rắn vừa trườn đi, ông Son lại nghe thấy tiếng rinh rích như gà con.
Lần theo tiếng kêu lạ, ông Son phát hiện một con cua rất to, màu vàng, chưa từng thấy bao giờ. Ông nhấc cua lên ngắm nghía, nó vẫn phát ra tiếng kêu rinh rích. Nghĩ chuyện lạ, ông thả con cua ra, rồi về.
Con cua vàng có tiếng kêu rinh rích như tiếng gà
Quả thực, nghe chuyện rắn có mào, tôi không tin lắm, vì chẳng ai nhìn thấy rắn có mào bao giờ, mặc dù loài rắn thành tinh này ở làng quê nào cũng được nghe kể. Các nhà khoa học khẳng định, một số loài rắn có râu ở mũi, nhìn thoáng qua tưởng là mào, nhưng thực ra không phải.
Để chứng minh điều mình nói, ông Son mở tủ lấy ra chiếc đĩa mà ông bảo quản rất cẩn thận cho tôi xem. Quả thực, trong hình, rõ ràng là con rắn có mào, mặc dù cái mào không lớn lắm.
Những bộ xương bí ẩn
Sau khi dự án du lịch Tràng An được lập, ông Nguyễn Văn Son cùng người em trai là đại gia Nguyễn Xuân Trường vào cuộc nạo vét sông ngòi, hang động, thung lũng để xây dựng Tràng An.
Khi nạo vét lớp bùn ứ đọng trong một hang động ngay cạnh huyệt mạch sông Sào Khê, đã phát lộ một bộ xương còn khá nguyên vẹn. Bên thi hài có 3 sâu tiền cổ niên đại thế kỷ thứ 7 đến thứ 10, là tiền Tùy – Đường.
Bộ xương nguyên vẹn của người con gái đào được trong hang. Ông Son tin rằng, người xưa đã yểm thiếu nữ này
Đầu bộ xương gối lên các tấm gỗ tiện tròn rất cầu kỳ. Các nhà khảo cổ đã về xem xét. Bộ răng còn nguyên vẹn, chưa mòn chứng tỏ đây là người trẻ. Các nhà khảo cổ đều khẳng định đây là người con gái, dáng cao, mảnh, rất đẹp, tuổi chỉ độ 17-18.
Ông Son đã làm lễ chu đáo, an táng người thiếu nữ này ra nghĩa địa làng.
Tham khảo một số chuyên gia phong thủy, ông Son tin rằng, người con gái này đã bị yểm trong hang.
Nạo vét xong hang động, thì việc nạo hút sông Sào Khê bắt đầu tiến hành. Dự án nhà nước về nạo vét sông đã có, nhưng không biết bao giờ mới được giải ngân, nên công ty bỏ tiền làm trước.
Có tới 150 chiếc máy hút bùn được huy động, rải dọc sông Sào Khê đoạn chảy qua Tràng An.
Khu vực cửa hang Luồn có hàng trăm bộ xương người
Một lần, chiếc máy hút bùn trục trặc, ông Son sai công nhân nhảy xuống sông mò mẫm xem có vật gì lọt vào ống hút. Công nhân này xuống mò, nhấc lên chiếc đầu lâu. Anh này mò tiếp, thì vớt được nguyên bộ xương người.
Từ bấy, ông Son rút kinh nghiệm, hễ máy đang hoạt động trơn tru, mà gặp dị vật bít ống hút, thì sai người xuống mò mẫm dưới lớp bùn, thể nào cũng kiếm được xương người.
Theo ông Son, dưới dòng Sào Khê, chỗ nào có xương người, y rằng đã bị trấn yểm, vì xung quanh chỗ có xương người thường có nhiều vật lạ khác.
Một ngày tháng 7, trời mưa sụt sùi, ông Son sai người làm mấy mâm lễ lớn, vừa cúng bái vừa khao chúng sinh ngay trên sàn con tàu hút bùn.
Khi công nhân lấy lên vô số vật lạ, ông Son đã tin rằng đào phải trận pháp trấn yểm, nên đã cúng bái, rồi sai công nhân khoanh vùng, nạo vét lòng sông bằng thủ công.
Công nhân tiến hành đắp bờ, tát nước, móc từng nắm bùn đoạn sông Sào Khê để tìm kiếm thông tin. Giữa một đống di vật lạ, công nhân đã lôi lên được một chiếc đầu lâu.
Ông Son đã cải táng hàng trăm bộ xương khai quật được từ sông Sào Khê vào nghĩa địa này
Có lẽ, do nằm rất sâu dưới lòng đất, trong tình trạng yếm khí, vi khuẩn không hoạt động được, nên hộp sọ được bảo quản rất tốt, còn rất nguyên vẹn.
Một số nhà khảo cổ, nhân chủng học tìm về và khẳng định hộp sọ to, đẹp, cân đối, thể hiện đây là một người thông minh, khỏe mạnh, thậm chí là một vị tướng.
Điều lạ lùng là lại chỉ phát hiện hộp sọ dưới lòng sông, còn xương cốt bộ phận khác lại không có. Ông Son đã huy động mấy chục công nhân, mở rộng diện đào bới, tuy nhiên, tìm kiếm suốt một tuần không thấy thêm mẩu xương nào.
Tin rằng, chiếc đầu lâu này của vị tướng, nên ông Son sai người an táng rất chu đáo. Khi đó, một đội chuyên phục vụ án táng, di chuyển hài cốt được thành lập.
Theo lời ông Son, họ mua tiểu sành, vải liệm màu đỏ. Đích thân ông đã cúng cho oan hồn này. Cúng xong, đội an táng đưa ra nghĩa địa chôn ở vị trí đã chọn sẵn. Sau này, một số người đi xem tâm linh, đã nhận thủ cấp ấy là của tổ tiên mình, tức tướng Nguyễn Bặc.
Đã có cả trăm bộ xương được moi lên từ lòng sông Sào Khê, đoạn cửa hang Luồn được án táng vào một khu vực mà ông Son xây dựng, trong nghĩa địa làng Tràng An.
Những hình khắc bí ẩn nơi ‘trận đồ’ trấn yểm Tràng An
(VTC News) - Những hình khắc trên vách đá thường được sử dụng trong các lễ trấn yểm, hoặc cầu siêu, giải oan của người xưa.
Kỳ 4: Những hình khắc bí ẩn trên vách đá
Như đã nói ở kỳ trước, khi nạo vét sông Sào Khê và khu Tràng An (Ninh Bình), tổ nạo vét gặp vô số điều kỳ lạ, chủ yếu là xương người, xương các loại động vật lớn, nhiều vật dụng, cả đống tiền cổ… khiến ai nấy phải dựng tóc gáy. Tuy nhiên, chỉ đến khi dàn máy móc hút bùn, nạo vét lòng sông Sào Khê tiến vào sát cửa hang Luồn, thì sự thực về trận đồ trấn yểm mới lộ rõ.
Ông Nguyễn Văn Son, chủ khu du lịch Tràng An Cổ, cha đẻ của cả hai khu du lịch Tràng An kể: “Cả đời gắn bó với vùng đất Tràng An này, gặp không thiếu chuyện gì, nhưng ngẫm lại, tôi tin rằng anh linh các cụ đã dẫn dắt tôi từng bước, để khám phá những bí ẩn trong lòng đất Tràng An. Việc phát hiện ra trận đồ trấn yểm này không phải ngẫu nhiên, mà tôi tin rằng do các cụ sắp đặt”.
Ông Son giới thiệu những cổ vật thu được từ cửa hang Luồn khi nạo vét sông Sào Khê
Theo lời ông Son, kể từ khi phát hiện ra trận pháp, ông có cảm giác rất lạ, ông thấy mình phải có trách nhiệm để trông coi, giữ gìn long mạch thiêng liêng này. Ông để lại dự án Tràng An cho người em, là ông Nguyễn Xuân Trường xây dựng, quản lý, ông về Tràng An Cổ, huyệt mạch quốc gia để xây dựng lại cơ nghiệp, nhằm bảo vệ trần đồ trấn yểm kỳ bí này.
Ông Son tin rằng, đoạn sông Sào Khê chảy qua hang hang Luồn chính là huyệt mạch trọng yếu của quốc gia, nơi quan trọng nhất của nhà Đinh, và cũng là nơi tổ tiên ông đã đổ máu, dựng nghiệp, rồi sinh sống đến tận bây giờ.
Để tôi hiểu rõ về trận đồ trấn yểm, đích thân ông Nguyễn Văn Son đã lấy thuyền chở tôi dọc sông Sào Khê, tiến về phía cửa hang Luồn.
Rất nhiều cổ vật tìm thấy ở cửa hang Luồn
Theo ông Son, sông Sào Khê khi xưa to, nước sâu, chứ không nhỏ và cạn nước như bây giờ. Mùa lũ, nước từ sông Đáy thốc vào, nước dâng cao chảy cuồn cuộn.
Chỉ có con đường duy nhất vào Tràng An là đường thủy, trên sông Sào Khê, xuyên qua hang Luồn. Cả con sông đã chảy qua lòng quả núi.
Nơi đây bốn bề núi cao hiểm trở, các dãy núi là tường thành tự nhiên, dễ phòng thủ, khó tấn công, nên vua Đinh, rồi nhà Tiền Lê đã chọn làm nơi dựng nghiệp.
Cửa hang Luồn là một công trình kỳ vĩ của tự nhiên. Mái hang khá thấp, nhiều chỗ bơi thuyền chạm đầu, tuy nhiên bề rộng thì tới 60 mét, đủ chỗ cho thuyền bè tấp nập ngược xuôi, mà không sợ tắc.
Hang Luồn nhìn từ bên trong
Chèo thuyền đến cửa hang Luồn, ông Nguyễn Văn Son dừng thuyền, chỉ cho tôi xem những hình khắc khá nhỏ trên vách đá mái hang giữa sông.
Ông Son kể, ngày xưa, vách đá này có nhiều chim làm tổ, ông cùng đám trẻ trong làng thường bơi dưới sông, bốc bùn ném trúng tổ chim, để chim non rơi xuống đem về nuôi. Ông đã phát hiện những hình khắc kỳ lạ đó, tuy nhiên, ông không biết là thứ gì.
Khi việc nạo hút đoạn hang Luồn gặp nhiều sự cố, ông Son mới để ý đến những hình khắc này. Ông tìm lại sách cổ, rồi gặp các chuyên gia phong thủy, chuyên gia văn hóa cổ, thì thấy rằng, những hình khắc như trên vách đá thường được sử dụng trong các lễ trấn yểm, hoặc cầu siêu, giải oan của người xưa.
Trong quá trình nghiên cứu, ông Son đã vô tình có được trong tay cuốn sách cổ của ông Phạm Văn Nghị, là nhà nho yêu nước thời Tự Đức. Ông này đã mô tả rất kỹ con sông Sào Khê và cửa hang Luồn.
Bia đá đề thơ của chúa Trịnh Sâm
Theo đó, con sông Sào Khê thực tế tên là Tào Khê (đặt tên theo con sông Tào Khê nổi tiếng linh thiêng của Trung Quốc). Khê có nghĩa là con ngòi luồn lách qua khe núi.
Theo mô tả của cuốn sách cổ trên, thì Sào Khê chính là Tiểu Hoàng Long (rồng nhỏ), còn sông Hoàng Long là Đại Hoàng Long (rồng lớn). Sông Sào Khê dẫn nước từ sông Đáy, luồn lách qua các hang động, núi đá, rồi đổ ra sông Hoàng Long.
Cũng theo cuốn sách trên, cửa hang Luồn chính là long mạch quan trọng nhất của Tiểu Hoàng Long. Chính vì thế, khi chúa Trịnh Sâm về đây, đã cho lập bia và đề thơ trên vách đá, ngay cửa hang Luồn. Hiện tấm bia trên vách đá vẫn còn nguyên vẹn. Ông Son đã lợp mái để che mưa nắng, giữ cho tấm bia được bền vững với thời gian.
Hình tháp kính thiên trên vách đá, ngay trên cửa hang Luồn
Hình bùa linh phù ông Son chụp lại treo lên vách đá để mọi người nhìn rõ
Một nhà ngoại cảm nổi tiếng về cửa hang Luồn, cũng khẳng định như vậy. Nhà ngoại cảm này còn mô tả kỹ lưỡng trận pháp dưới lòng sông, mà theo ông Son, sau này đào lên, mọi thứ đều đúng như mô tả (?!).
Nhà ngoại cảm nọ còn tả lại cảnh tượng làm lễ trấn yểm kéo dài từ thời Đinh sang tận thời Lê. Theo đó, mỗi khi xuất quân, vua Đinh và vua Lê đều bái lễ ở cửa hang Luồn. Thắng trận cũng về đây làm lễ, rồi thả đèn, nến, vàng hoa trên sông Sào Khê, trôi qua hang Luồn sáng rực.
Một số nhà phong thủy cũng được ông Son mời về nghiên cứu những hình khắc. Mấy nhà khoa học cũng đã lấy những bản dập hình khắc mang đi nghiên cứu và có giải mã bước đầu.
Rất nhiều tiền cổ thu được ở sông Sào Khê
Những hình khắc bao gồm: Tháp kính thiên, cá phóng sinh, đài sen, ngọn lửa, đạo linh phù. Những hình khắc này tập trung ở mái đá ngay cửa hang Luồn, không phát hiện ở nơi nào khác. Dựa vào độ mòn, các nhà khoa học cũng khẳng định các hình khắc có tuổi đời rất lâu.
Hình khắc Tháp kính thiên khá cầu kỳ. Dưới đế hình tháp là ngọn lửa thả trên mặt nước. Tổ hợp hình ảnh này biểu thị cho lễ cầu siêu cho tướng sĩ vì nước quên thân.
Hình con cá thể hiện sự phóng sinh trong nghi lễ cầu siêu. Hình bùa linh phù có lẽ bí ẩn nhất. Phía dưới hình là miếng gỗ (mộc), trên là hình người quỳ nâng lư hương, tiếp theo là hình mặt trời, và trên cùng là hình ngũ cốc. Đây là một lá bùa cổ, được người xưa dùng để trấn yểm, giữa yên âm trạch.
Còn tiếp…
Dương Phạm – Dương Phong
Theo Vietnamnet
|