Những vũ khí đã cùng các thế hệ người Việt ghi chiến công hiển hách trong các cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi, giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước trước các thế lực ngoại xâm.
Với thiên tài quân sự của mình, vua Quang Trung đã xây dựng quân đội nhà Tây Sơn thành một đội quân thiện chiến có vũ khí xếp vào loại tối tân thời bấy giờ. Trong số các loại vũ khí đó, hỏa hổ và hỏa cầu là hai loại vũ khí gây cho giặc Thanh nhiều nỗi khiếp sợ.
Hỏa hổ và hỏa cầu - Rồng lửa của nước Việt
Theo nhiều thư tịch cổ để lại về hỏa lực trong quân đội thời Tây Sơn, vũ khí lợi hại nhất của họ là ống phun lửa tục gọi là hổ lửa (hỏa hổ) và lực lượng xung kích lợi hại nhất là voi trận. Trong khi hai bên giáp nhau, trước hết họ dùng vật ấy đốt cháy quần áo người ta để cho người ta phải lui.
Theo nhiều sách cổ chép lại, hỏa hổ của quân Tây Sơn là một loại vũ khí hình ống. Sách Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ mô tả: “Hỏa đồng còn có tên là hỏa hổ, có bầu lớn dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy...”. “vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ”. Sử sách thời Nguyễn thường gọi hỏa hổ là hỏa phún đồng.
Tờ biểu của Nguyễn Huy Túc ghi lại hình ảnh về hỏa hổ như sau: Tháng 6 năm thứ 51 (tức năm Bính Ngọ 1786) Nguyễn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng, còn có tên là hoả hổ, có bầu lớn, dài chừng một thước (khoảng 30 cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy, có cả hoả pháo nhưng không nhiều
Sách Binh thư yếu lược hướng dẫn cách chế tạo súng và liều thuốc như sau: Súng được chế tạo bằng một ống (bằng sắt hoặc bằng tre, gỗ) dài khoảng 25cm, nạp thuốc thành nhiều nấc. Nấc đầu tiên là liều thuốc bắn, giã nén chặt dày khoảng 4cm, sau đó tiếp nấc thứ hai là liều thuốc phun, giã nén chặt, dày khoảng 12cm. Sau đó, nạp đạn ghém gồm các vật liệu sát thương, dày khoảng 4cm. Phần ống còn lại nạp dầy thuốc phun.
Gặp địch, người dùng hỏa hổ châm ngòi, cầm cán tre chĩa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác.
Theo các nhà nghiên cứu, hỏa hổ thời Tây Sơn được cải tiến từ các hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, tạo thành hỏa lực giáp chiến hết sức lợi hại.
Hỏa cầu là loại vũ khí xuất hiện từ thế kỉ 17, được nhà quân sự Đào Duy Từ sáng chế dựa trên kĩ thuật hỏa khí phương Tây, hỏa cầu còn có tên gọi khác là hỏa cầu lưu hoàng. Đây là một quả cầu kim loại rỗng ruột hoặc bằng giấy quết nhựa bên ngoài, có tay cầm, to cỡ quả bưởi, bên trong nhồi thuốc nổ, chất cháy, mảnh gang, sắt vụn và các quả cầu con, để gây cháy, nổ dây chuyền. Khi sử dụng thì châm ngòi nổ và ném vào đối phương. Có thể coi đây là một loại lựu đạn sơ khai có tác dụng gây cháy.
Quân Tây Sơn đã sử dụng hỏa cầu lưu hoàng trong trận đốt cháy tàu Manuel năm 1782 và trong trận tấn công đồn Ngọc Hồi năm 1789 đã làm quân Thanh khiếp vía.
Mưu trí con người làm nên sức mạnh của vũ khí
Hỏa hổ và hỏa cầu không phải là loại vũ khí hoàn toàn mới đối với quân Thanh nhưng chính cách sử dụng sáng tạo của vua Quang Trung mới là điều cốt yếu tạo nên sức hủy diệt của loại vũ khí này.
Với sự sáng tạo tuyệt vời, quân Tây Sơn đã chế tạo ra hỏa hổ bằng những ống tre, trở thành một khí cá nhân có tính sát thương lớn. Nếu đem so với những khẩu súng hỏa đồng của quân nhà Trịnh hay súng pháo lớn cần hàng chục người vận chuyển của nhà Minh, nhà Thanh thì sự sáng tạo này của Quang Trung đã có sự phát triển vượt trội. Tư tưởng này cũng nằm trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam: lấy nhỏ thắng lớn.
Theo sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung, vào năm 1786, khi quân Tây Sơn ra Thăng Long chặn đuổi bọn quan lại nhà Lê, lính Bắc Hà đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của Hỏa hổ Tây Sơn: “Các đội quân Trịnh thấy mũi giáo Tây Sơn quá sắc liệu không chống nổi, cố sức lấy súng lớn bắn ra, quân Tây Sơn đều cúi đầu tránh đạn mà nhảy vào. Chúa Trịnh mặc nhung phục, đứng trên voi phất cờ hồng thúc các quân. Quân Tây Sơn lấy ông Hỏa hổ tung ra, quân Trịnh đều tan vỡ, vứt gươm, bỏ giáo, xô nhau chạy trốn thể như núi đổ…”
Đặc biệt quân Thanh khi đối mặt với quân Tây Sơn đều phải kinh sợ bởi hỏa hổ vì vậy để ngăn ngừa sự rối loạn về đội hình, cách đối phó với hỏa hổ được ghi hẳn vào quân luật. Điều thứ 5 trong 8 điều quân luật ghi như sau: “Quân Nam không có sở trường gì khác, toàn dùng ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hoả hổ.
Khi hai quân giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó để đốt cháy quần áo người ta, buộc người ta phải rút lui. Nhưng tài nghệ của họ cũng chỉ có thế thôi, so với súng ống của ta thì họ kém rất ra… Hiện nay, ta chế sẵn vài trăm lá chắn da trâu sống. Nếu gặp hoả hổ của người Nam phun lửa, thì quân tay cầm lá chắn ấy đỡ lửa một tay cầm dao chém bừa chắc rằng chúng bỏ chạy tan tác”.
Về hỏa cầu lưu hoàng, vua Quang Trung đã kết hợp với voi chiến tạo thành một lực lượng đột kích mạnh, nhanh chóng phá vỡ đội hình của đối phương. Sử nhà Thanh viết như sau: “Trên lưng mỗi con voi có ba, bốn người lính chít khăn đỏ, ngồi ném tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp nơi, đốt cháy cả người nữa”.
Đúc kết về chiến thuật mà vua Quang Trung sử dụng, các nhà nghiên cứu đánh kết luận: Quân Tây Sơn thường dùng tượng binh phá kỵ binh, dùng hỏa hổ, hỏa cầu gây rối loạn bộ binh quân Thanh, rồi xông cho quân xông lên giáp lá cà bằng các vũ khí thông thường.
Tuy đã chuẩn bị tinh thần và cách đối phó từ trước nhưng đối diện với khí thế thần tốc và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân Tây Sơn trong cuộc tiến công chiến lược mùa xuân Kỷ Dậu 1789, 29 vạn quân Thanh đã nhanh chóng hoảng loạn, tan vỡ đội hình trước sức mạnh của hỏa hổ và hỏa cầu do đó nhanh chóng thất bại hoàn toàn.
Hỏa hổ và hỏa cầu chính là một trong những vũ khí thể hiện truyền thống mưu trí, sáng tạo của nhân dân nước Việt trong công cuộc chống âm mưu xâm lược của phong kiến phương Bắc.
Theo Soha và Dân Việt