Chủ tịch Fidel làm việc với cán bộ nhân viên bệnh viện Quảng Bình năm 1973 để nghe tâm tư nguyện vọng về đầu tư xây dựng bệnh viện.
Chiếc giường ngoại cỡ
Chủ tịch Fidel Castro trong trí nhớ của ông Lại Văn Ly (gần 90 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) là một con người khỏe mạnh, hoạt bát, quyết đoán nhưng lại rất gần gũi và giản dị. Ngày ấy, ông Lại Văn Ly được giao nhiệm vụ làm trưởng ban đón tiếp đoàn của Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm tuyến lửa.
Mặc dù chuyến đi của Chủ tịch Fidel nằm trong đợt ngừng bắn nhưng công tác bí mật, cũng như an ninh được chuẩn bị hết sức chu đáo. Đúng 11 giờ, chiếc máy bay mang số hiệu AN-24 chở đoàn của Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ cánh ở sân bay dã chiến Đồng Hới. Không kịp ăn cơm trưa, những chiếc xe U-oát được ngụy trang bịt bùng chở đoàn trực chỉ Vĩnh Linh - Quảng Trị.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Lại Văn Ly đã đón nhiều nguyên thủ của các nước ghé thăm Quảng Bình vào thời chiến, nhưng có lẽ chuyến thăm của Chủ tịch Fidel để lại trong ông nhiều kỷ niệm nhất. Với phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát và quyết đoán của Fidel nhiều khi khiến ông toát mồ hôi hột. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho chuyến đi của đoàn, trước đó ông đã làm việc với Sở Giao thông Quảng Bình về việc chuẩn bị chu đáo cho chuyến phà qua sông Nhật Lệ. Tiễn đoàn đến bến phà Quán Hàu, ông ở lại trên bến để còn quay về lo việc đón đoàn quay trở ra. Khi ra đến giữa sông, bất ngờ phà chuyển hướng chạy lòng vòng không chịu cập bến. Lòng ông như lửa đốt, người toát mồ hôi vì không thể liên lạc để hỏi nguyên do. Sau này ông mới biết, khi ra giữa sông, thấy phong cảnh hữu tình, Fidel đã yêu cầu chỉ huy phà chạy một vòng cho ông ngắm cảnh.
Đó cũng chưa phải là lần duy nhất Fidel làm ông bối rối. Sau hai ngày thăm Quảng Trị, khoảng 17 giờ chiều đoàn của Chủ tịch Fidel quay ra Đồng Hới. Theo kế hoạch, đoàn sẽ được đón về Khu Giao tế nghỉ ngơi, sáng hôm sau mới tổ chức mit tinh chào mừng Chủ tịch. Nhưng, khi xe chưa đến Khu Giao tế, bất ngờ Fidel xuống xe đi bộ, gặp ai ông cũng chào hỏi, ôm hôn thắm thiết. Sự kiện Chủ tịch Fidel có mặt ở Đồng Hới được người dân truyền tai nhau và kéo đến đông nghịt khiến công tác an ninh gặp rất nhiều khó khăn. Thêm một lần nữa ông toát mồ hôi hột.
Chiếc giường quá khổ của Fidel vẫn còn nguyên ở Khu Giao tế Quảng Bình.
Nhưng có lẽ chiếc giường cho Fidel nằm ngủ khiến ông hoảng nhất. Trước đó, Trung ương điện vào dặn dò việc đón tiếp đoàn với ông rất kỹ, trong đó có nhắc đến chuẩn bị chiếc giường Chủ tịch Fidel nằm ngủ phải dài rộng hơn bình thường. Ông đã cho đóng chiếc giường mới rộng 1,6m dài 2m và yên tâm về điều đó. Nhưng khi Chủ tịch Fidel quay trở ra Quảng Bình, có cơ hội gần gũi, ông mới nhận ra Chủ tịch Fidel to cao hơn nhiều, chiếc giường không thể vừa. Hoảng quá, ông bí mật cho người tìm thợ mộc, bằng mọi giá phải hoàn thành chiếc giường mới dài 2,3m sau bữa cơm chiều để Chủ tịch Fidel nghỉ ngơi. Rất may, ông thợ mộc được gọi đến cũng khá thông minh. Nhìn chiếc giường cũ, ông nói, chỉ cần thay hai thanh dọc (mạ giường) để nguyên thanh ngang là có thể khắc phục ngay được.
Ông Trần Sự nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, năm nay cũng gần 90 tuổi vẫn nhớ như in cái ngày Quảng Bình đón Chủ tịch Fidel. Hồi đó ông là Ủy viên Thường vụ, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình. Ông được giao nhiệm vụ phối hợp với Công an đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến đi. Ông nhớ: Sau một vòng sông nước trên chuyến phà qua sông Nhật Lệ, khi đến xã Võ Ninh, thuộc huyện Quảng Ninh, Chủ tịch Fidel lại bất ngờ xuống xe. Ngay bên đường là hai khẩu pháo của Mỹ được mang ra từ chiến trường. Ông ngắm nghía, chụp ảnh, nói chuyện với nhân dân rồi mới tiếp tục lên đường. Trên đường từ Quảng Trị ra, ông ghé thăm Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy. Nhìn các chị thao tác như thật, ông vỗ tay và vừa cười vừa nói: “Nhanh nhẹn, chính xác, quyết liệt thế này thì đánh trúng tàu chiến Mỹ là phải rồi”.
Sau bữa cơm chiêu đãi tại Khu Giao tế, những người phục vụ mang kẹo sữa loại bọc giấy ra để đoàn tráng miệng. Ông Trần Sự để ý, thấy Chủ tịch Fidel cứ loay hoay mãi vẫn không bóc được chiếc kẹo vì giấy bám chặt vào kẹo. Khi bóc xong chiếc kẹo ông đưa lên nói: “Công người làm ra kẹo không bằng công người bóc kẹo”. Cả hội trường cười vang vì câu nói pha trò của ông.
Tại buổi mit tinh vào sáng hôm sau 17/9 ở hội trường Cộn, Chủ tịch Fidel diễn thuyết hơn hai giờ đồng hồ. Tiếng vỗ tay như từng đợt sóng cứ trào lên sau mỗi câu nói của Chủ tịch Fidel. Tại đây, ông cũng đề nghị được giúp Quảng Bình quy hoạch lại thị xã Đồng Hới và xây dựng một bệnh viện hiện đại để phục vụ nhân dân địa phương và quân nhân từ chiến trường miền Nam ra.
Món quà ý nghĩa
Sau khi về nước, Chủ tịch Fidel cử ngay một đoàn cán bộ gồm 7 kỹ sư, do Viện phó Viện Quy hoạch ông Hector Cuervo sang nghiên cứu thực địa và chuẩn bị cho xây dựng bệnh viện. Đoàn làm việc trong một tháng, mang toàn bộ tài liệu về báo cáo với Chủ tịch Fidel và mời đoàn Quảng Bình sang làm việc.
Ông Lại Văn Ly được tỉnh Quảng Bình cử sang Cu Ba tiếp nhận món quà của Chủ tịch Fidel. Tại đây, đoàn đi thăm 5 bệnh viện của Cu Ba hiện đại nhất thời đó để tham khảo. Và cuối cùng đoàn Quảng Bình quyết định chọn mô hình bệnh viện 450 giường.
Một góc bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới được khởi công vào ngày 19/5/1974, chào mừng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ lại những ngày ấy, ông Lại Văn Ly xúc động kể: Không thể nói hết sự chí tình của Chủ tịch Fidel đối với Quảng Bình. Ông cử 100 chuyên gia, kỹ sư, công nhân sang Đồng Hới cùng với công nhân Việt Nam xây dựng bệnh viện, gọi là Đội xây dựng Nguyễn Viết Xuân. Hầu như toàn bộ vật tư, vật liệu, trang thiết bị của bệnh viện đều được chuyển từ Cu Ba sang, thậm chí đến viên gạch lát nền.
Sau 6 năm xây dựng, một bệnh viện quy mô 450 giường hoàn thành vào 9/9/1981, và được đánh giá là hiện đại và đồng bộ bậc nhất Việt Nam thời đó. Ngoài vị trí tọa lạc trên một khu đất cao, mặt hướng ra biển, kiến trúc của bệnh viện theo hướng mở, tất cả các phòng bệnh đều đón được ánh nắng mặt trời và gió từ các hướng; không gian thông thoáng, cây xanh bao trùm giúp người bệnh đến đây có cảm giác thanh bình.
Không chỉ dừng lại ở đó, 10 năm sau khi khánh thành (1981-1991) Cu Ba đã cử 146 chuyên gia sang giúp Quảng Bình điều hành, quản lý bệnh viện, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân. Thời gian này bệnh viện là điển hình của mô hình quản lý mới được Bộ Y tế đánh giá cao và nhiều đơn vị đến học tập kinh nghiệm. Bệnh viện là nơi đầu tiên của Việt Nam có máy nội soi dạ dày, và cũng là nơi đầu tiên thành lập phòng điều dưỡng.
Bác sỹ, thạc sỹ chuyên khoa giải phẫu bệnh viện Nguyễn Văn Liễu, trong lớp người đầu tiên của bệnh viện nhớ lại: “Những đồng nghiệp Cu Ba làm việc tác phong rất chuyên nghiệp, nhiệt tình trong chuyển giao kỹ thuật, tâm đắc trong công tác đào tạo, đặc biệt là trong chăm sóc bệnh nhân. Dù đêm khuya rét mướt, không phải lịch trực, nhưng có ca bệnh nặng, chỉ cần gọi là họ đến ngay”.
Ông Nguyễn Xuân Đoàn, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: Trong mười năm sau khi khánh thành bệnh viện, Cu Ba giúp tất tần tật mọi thứ, từ lương bổng, ăn ở đi lại của chuyên gia, rồi thuốc men chữa bệnh. Ngày đó, bệnh nhân rất ít khi phải chuyển viện tuyến trên, chỉ trừ những trường hợp bệnh viện không có chuyên môn sâu.
Kế thừa và phát huy truyền thống của mình, từ chỗ chỉ có 26 khoa, phòng ngày thành lập, nay bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới có 34 khoa phòng, quy mô 600 giường bệnh, tiêu chuẩn cấp 1 do Bộ Y tế quản lý. Là địa chỉ tin cậy không chỉ nhân dân trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận như Quảng Trị và Hà Tĩnh. Bệnh viện cũng thường xuyên gửi cán bộ sang đào tạo tại Cu Ba và được bạn hết sức quan tâm giúp đỡ.
Theo Hoàng Nam
Tiền phong