Sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ tiếp tục cùng Chính phủ lâm thời và nhân dân vượt qua những khó khăn, nguy biến.
Toàn cảnh ngôi nhà.
Vì yêu cầu của cách mạng nên sau ngày Tổng tuyển cử (6/1/1946) Bác phải di chuyển qua nhiều chỗ. Một trong số đó là căn nhà Bác đã sống qua 19 ngày “bão táp” ở xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm, Thạch Thất (Hà Nội) đầu năm 1947.
Chị Nguyễn Thị Tuynh – người trông nom ngôi nhà như giữ gìn một niềm tự hào của dòng tộc. |
Nhà xưa còn “đậm” bóng Người
Theo thói quen, sau một vài lời chào hỏi xã giao, chị Nguyễn Thị Tuynh – người được giao nhiệm vụ trông nom ngôi nhà dẫn khách đi vào gian giữa. Đó là không gian trang trọng nhất của ngôi nhà, nay được chọn làm nơi đặt bàn thờ Bác. Chiếc bàn thờ giản dị đến mức, ngoài bức tượng đồng Bác Hồ ngồi trên ghế đá đọc báo và một bát hương bằng sứ cùng hai cây kệ nến bằng gỗ… thì không có gì khác.
Bên trái của phòng khách là một căn phòng rộng chừng 11m2. Đây chính là căn phòng mà khi xưa Bác Hồ đã từng sống. Trong căn phòng, chiếc giường tre lót rạ khi xưa nay đã được thay bằng một chiếc chõng tre kiên cố với một manh chiếu cói. Bên cạnh chiếc phản gỗ là một chiếc bàn gỗ, chính ở chiếc bàn này, Bác từng đặt chiếc máy đánh chữ để viết thư chúc Tết đồng bào 3 miền Bắc Trung Nam vào năm 1947, thư gửi các chiến sỹ cảm tử quân Thủ đô cùng nhiều tài liệu quan trọng khác. Chiếc đèn bão Bác hay dùng để chiếu sáng trong mỗi đêm làm việc cũng vẫn được giữ nguyên trên mặt bàn.
Những kỷ vật này từng được đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác Hồ) ghi lại trong nhật ký: “Từ chỗ xuống xe, đi bộ vào nhà độ một cây số, cái ngọn đèn bão bịt giấy không đủ chiếu sáng cho người đi sau cùng. Đi đường ruộng, qua bụi rậm, đến một cái nhà đang làm dở nền đất cũng chưa đập kỹ, trống tuênh huênh… chưa có người ở, 2 cái giường tre lót rạ, người mới đến còn bỡ ngỡ, sao mà lạnh lẽo thế…”.
Bên phải phòng khách là gian lưu giữ những kỷ vật mà đáng chú ý hơn cả là chiếc chậu đồng và chiếc vại sành Bác thường dùng chứa nước để tưới cây trong vườn... Bên cạnh gian lưu giữ kỷ vật là chiếc phòng nhỏ mà ngày xưa đồng chí Vũ Kỳ ở.
Đón Tết cùng Bác
Theo lời kể của cụ Quỹ được con cháu ghi lại thì, vào 22h ngày 13/1/1947 (22/12/1946 âm lịch), khoảng 10 người được các đồng chí cán bộ địa phương đưa tới nhà bà giới thiệu là “đồng bào Thủ đô về tản cư”. “Tôi nói là vì dân vì nước mà đồng bào ở Thủ đô mới tản cư về đây nhưng nhà thì chật chội, lại nhà tranh vách đất mong đồng bào bỏ qua cho. Tôi vừa dứt lời thì cụ ông có đôi mắt sáng như gương, vầng trán cao và rộng, nhanh nhẹn trả lời với giọng ôn tồn, ấm áp: “Được, bà cứ yên tâm, chúng tôi về đây được bà con giúp đỡ nhường cho nơi ăn chốn ở là quý hóa rồi. Bà đừng ngại gì nhà chật hẹp. Sau đó, ông cụ đã cùng với đồng bào đi xuống nhà thu xếp và dọn dẹp chỗ ở” – lời cụ Quỹ kể được ghi lại.
“Ngôi nhà vốn được cụ nội tôi Nguyễn Đình Khuê dựng lên để cho hai ông em ông nội tôi ở riêng. Ngôi nhà làm chưa xong thì Bác đến ở để hoạt động cách mạng. Ngày xưa nền đất nhưng giờ Nhà nước cho lát gạch nên sạch hơn, tường vẫn tường đất... Tôi được nghe ông nội tôi kể rằng, việc Bác Hồ về đây hoạt động là thông tin tuyệt mật nên trong gia đình không ai dám kể cho ai, thậm chí nhiều người trong gia đình cũng không biết. Chỉ đến khi cụ bà nhà tôi là cụ Nguyễn Thị Quỹ (vợ cụ Khuê) sắp mất mới kể lại cho ông nội tôi nghe…”.
(Chị Nguyễn Thị Tuynh, người trông coi ngôi nhà Bác đã ở)
|
Cũng vì không biết trong số những người về nhà mình “tản cư” có Bác Hồ nên cụ Quỹ cũng không để ý nhiều đến các hoạt động của Người. Cụ chỉ biết rằng, cụ ông có đôi mắt sáng đại diện cho nhóm người trò chuyện với cụ lúc mới đến chọn gian buồng bên phía trái của phòng khách để ở. Kể từ khi dọn đến, lúc nào cụ Quỹ cùng thấy ông cụ cặm cụi làm việc trong phòng, rất ít khi ra ngoài, cụ có ra thì chỉ ra vào giữa buổi, bắt sâu và xới rau một lúc rồi lại vào tiếp tục làm việc. Đêm nhiều khi gà đã gáy sang canh 3 những đèn trong phòng ông cụ vẫn sáng và tiếng máy chữ vẫn lạch cạch đều đặn. Ấy thế nhưng sáng sớm tinh mơ, cụ Quỹ đã thấy ông cụ dậy tập thể dục rồi.
“Nghĩ lại tôi thấy thương ông cụ quá! Mùa đông tháng giá, trời rét như cắt ruột, ông cụ vẫn thức làm việc đến khuya mới ngủ. Nhiều đêm ông cụ còn đi họp xa đến khuya mới về… Ông cụ làm việc và họp hành suốt như vậy nhưng bữa ăn hàng ngày rất đạm bạc, chỉ có rau dưa với muối vừng, họa hoằn mới có bữa cá kho với tương gừng mà thôi”.
Cụ Quỹ kể lại, chỉ 2 ngày trước khi ông cụ rời nhà cụ lên chiến khu Việt Bắc, cụ mới biết đó là Bác Hồ.
Trong 19 ngày Bác Hồ ở lại ngôi nhà này, gia đình bà cụ Quỹ cũng may mắn được đón Tết cùng Bác. Cụ Quỹ nhớ: “Trong những ngày Tết ông cụ vẫn làm việc như thường lệ. Ngày mồng 2 tết, anh Kỳ đi bắt được một con cá chép, biết ông cụ thích ăn cá kho tương nên tôi đã đem cá tẩm nước tương gừng nóng lên biếu. Cụ bảo: “Ngày Tết đã có thịt rồi còn mua cá làm gì cho tốn tiền?”. Tôi thưa với ông cụ: “Cá này chú Kỳ đi làm đồng và bắt được chứ không phải mua đâu ạ!”. Nói thế ông cụ mới nhận.
Ông cụ đem con cá đó cùng với các đồng chí trong cơ quan ăn khúc đuôi và khúc đầu còn lại ông cụ gói để giành”.
Những ký ức của cụ bà Nguyễn Thị Quỹ và ngôi nhà giờ được con cháu cùng chính quyền bảo tồn như một di tích lịch sử cho thấy cuộc đời cách mạng vĩ đại nhưng giản dị vô cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.