GIA LAI
Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Ở Gia Lai có một quần thể di tích mang dấu ấn của nghĩa quân Tây Sơn. Hãy cho biết đôi nét về quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo?
Trả lời:
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là một trang sử vàng trong lịch sử Việt Nam. Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo hiện nay vẫn nằm rải rác ở một số địa điểm như ở thị xã An Khê. Nơi đây còn đình An Khê, là nơi chiêu mộ nghĩa quân và dấy binh khởi nghĩa của ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Hòn đá ông Huệ (Bình), hòn đá ông Nhạc là hai hòn đá ngồi nghỉ sau mỗi đợt luyện quân của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Gò Chợ là nơi giao lưu buôn bán của Nguyễn Nhạc để lấy tiền nuôi quân và tuyển mộ binh sĩ.
Một số nằm ở các huyện khác như: vườn Mít-cánh đồng Cộ Hầu (huyện Kbang), vùng căn cứ lo việc hậu cần, nơi cung cấp lương thực cho nghĩa quân. Kho Tiền-nền nhà ông Nhạc (huyện Kông Chro), nơi cất giữ lương thực, tiền bạc cho cuộc khởi nghĩa và là nơi ở của Nguyễn Nhạc trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, hiện nay chỉ còn lại nền nhà.
Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo được xếp hạng di tích quốc gia ngày 14 tháng 6 năm 1991.
Câu hỏi: Hãy cho biết về những ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa ở Gia Lai?
Trả lời:
Gia Lai là một vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo đồng bào nhiều dân tộc.
Hiện nay kiến trúc những ngôi chùa vẫn được giữ nguyên.
Chùa Bửu Nghiêm: Chùa được xây dựng năm 1964 tại số 200 đường Duy Tân, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku. Đến năm 1978 chùa được trùng tu. Hoà thượng Thích Từ Hương là trụ trì của chùa đã có công tu sửa, mở mang chùa Bửu Nghiêm cùng với những hoạt động từ thiện được nhân dân trong vùng kính nể.
Chùa Bửu Thắng: Chùa này nằm ở số 1A đường Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, thành phố Pleiku. Chùa được khởi dựng trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo vào những năm 30 thế kỷ XX.
Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng 3.168 mét vuông, đã đực trùng tu một số lần vào những năm 1960, 1964, 1992. Hiện nay đây là nơi đặt văn phòng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai.
Chùa Tịnh Xá Ngọc Phúc: Chùa Tịnh xá Ngọc Phúc nằm ở 342 đường Phan Đình Phùng, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku. Chùa do sư Giác An xây dựng vào năm 1964, thuộc giáo đoàn III của hệ phái Phật giáo Tăng già khất sĩ Việt Nam.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về làng kháng chiến Stơr?
Trả lời:
Làng kháng chiến Stơr nằm cách thành phố Pleiku khoảng 70 ki-lô-mét thuộc huyện Kbang, quê hương của người anh hùng Núp. Nơi đây người anh hùng Núp đã phát động bà con dân tộc trong làng đứng dậy chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước. Làng Stơr đã trở thành một điểm sáng trong chiến tranh nhân dân của Việt Nam.
Ngày nay làng này cũng trở thành một điểm tham quan nổi tiếng của Gia Lai.
Câu hỏi: Hãy cho biết những nét cơ bản về nhà tù Pleiku?
Trả lời:
Nhà tù Pleiku thuộc phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, nằm cách Bưu điện Gia lai khoảng 300 mét về phía Nam, có thể đến di tích này bằng các loại phương tiện xe ô tô, mô tô hoặc đi bộ. Nhà tù Pleiku là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975), nhiều hình thức tra tấn tinh vi và dã man được áp dụng tại nhà lao này.
Ngược dòng lịch sử vào năm 1925, người Pháp cho xây cất nhà lao Pleiku để giam giữ tù thường phạm, chủ yếu là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Đến năm 1940, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc phát triển mạnh mẽ, lúc bấy giờ thực dân Pháp đã dùng nơi này để giam giữ những người yêu nước và những chiến sĩ cộng sản mà chúng bắt giữ. Tháng 9 năm 1948, để đáp ứng phong trào đấu tranh trong nhà tù của những người cộng sản, chi bộ nhà lao Pleiku được thành lập. Chi bộ nhà lao Pleiku đã nhiều phen làm cho chính quyền thực dân khiếp sợ và phải đáp ứng những yêu sách của tù chính trị.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ vẫn sử dụng nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị, nhiều hình thức tra tấn tinh vi và dã man được áp dụng tại đây, nhưng các chiến sĩ cộng sản bị giam giữ tại nhà lao này vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, tiếp tục tham gia các phong trào đấu tranh trong nhà lao...
Ngày 15 tháng 3 năm 1975, trước khí thế chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, vào lúc 17 giờ cùng ngày tù chính trị trong nhà lao Pleiku đã phá lao ra ngoài và tổ chức một bộ phận ra vào vùng ven, đón nhận một cánh quân ta từ ngã ba Trà Bá vào cùng quân dân địa phương giải phóng thị xã Pleiku. Đồng bào Tây Nguyên được giải phóng...
Để gìn giữ làm một cảnh quan sinh động giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ muôn đời sau, đồng thời đáp ứng được yêu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên, ngày 12 tháng 12 năm 1994, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận di tích lịch sử: Nhà lao Pleiku. Nơi đây đã thành một điểm tham quan độc đáo cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
(Xin đón đọc phần tiếp theo - HÀ GIANG)
|