Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về Văn Miếu Trấn Biên?
Trả lời:
Văn Miếu Trấn Biên là một công trình văn hóa nằm ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Đây là trung tâm đào tạo hiền tài của xứ Đàng Trong. Công trình thể hiện truyền hống hiếu học, khuyến tài, tôn trọng kẻ sĩ của các thế hệ người Việt xưa trên mảnh đất phương Nam. Tháng 12 năm 1861, khi giặc Pháp chiếm được Biên Hoà, Văn Miếu bị tàn phá. Công trình mới được tái dựng để hậu thế hiểu thêm lịch sử nền giáo dục nước nhà. Công trình xây dựng trên thế đất đẹp, kiểu dáng kiến trúc mang phong cách của Văn Miếu Hà Nội.
Văn Miếu Trấn Biên vốn được xây dựng từ năm Ất Mùi (1715). Văn Miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên tại xứ Đàng Trong. Trải qua những biến cố của lịch sử, đến nay không còn dấu vết trên thực địa. Điều may mắn và cũng rất vinh dự là Văn Miếu Trấn Biên lại được ghi chép cẩn trọng trong thư tịch cổ, từ những năm đầu của thế kỷ XIX và sau đó là giữa thế kỷ XX như: “Gia Định Thành thông chí”, “Đại Nam nhất thống chí” và “Biên Hòa sử lược”. Qua thời kỳ chiến tranh, người Pháp đã phá hủy văn miếu này.
Từ năm 1995, Văn Miếu Trấn Biên đã được xây dựng lại trên nền đất cũ tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong văn miếu có một tòa cao tên Khuê Văn Các có hình tròn tượng trưng cho trời, bên cạnh có hồ Thiên Tịnh hình vuông tượng trưng cho đất. Còn có Sơn Đại Bái tổ chức văn nghệ, tuyên dương... dài 3 gian, có nhà Thư phố giữ sách báo ghi về đồng nai, Ngộ Thố giữ tài liệu ghi về văn miếu.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về mộ cổ Hàng Gòn?
Trả lời:
Là một vùng đất cổ, Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử – văn hóa lâu đời. Tiêu biểu hơn cả là mộ cổ Hàng Gòn và đền thờ một số danh nhân nổi tiếng.
Mộ cổ Hàng Gòn: Là một di tích văn hóa được xếp hạng, tiêu biểu cho nền văn hóa cổ đại xuất hiện cách đây hơn 2.500 năm. Mộ cổ Hàng Gòn do ông Boucho J, một kỹ sư cầu đường người Pháp phát hiện vào năm 1927 khi mở đường liên tỉnh số 2 nối Long Khánh và Bà Rịa.
Mộ có kiến trúc gồm hai hàng trụ đá bao quanh một hầm mộ. Có khoảng 10 trụ đá cao từ 2,5 đến 3 mét. Hầm mộ có dạng hình hộp kích thước 4,2x27 mét và cao 1,6 mét. Nét đặc biệt của ngôi mộ cổ là được ghép bởi những tấm đá hoa cương nặng hàng tấn, riêng nắp mộ ước tính khoảng 10 tấn. Có nhiều phiến đá lớn bằng phẳng, xếp cân đối, rất khoa học, biểu trưng cho nền văn minh của người xưa. Ngôi mộ này là một trongnhững di tích tiêu biểu cho loại hình “Dol Men” – “mộ đá” - ở Đông Nam Á.
Từ năm 1992, mộ cổ Hàng Gòn được trùng tu và xây dựng bảo vệ, lát gạch quanh hầm mộ để chống xói mòn và trồng nhiều cây cảnh xung quanh. Đây là ngôi mộ cổ nhất, có quy mô lớn nhất ở Việt Nam còn được bảo tồn đến tận ngày nay. Mộ cổ Hàng Gòn nằm ở xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh, trên độ cao 250 mét về phía tỉnh lộ 2 (Long Khánh đi Bà Rịa), cách thành phố Biên Hoà 80 ki-lô-mét.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về đền thờ Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Hữu Cảnh?
Trả lời:
Đền thờ Nguyễn Tri Phương:
Đền nằm tại phường Bửu Hoà, thành phố Biên Hoà. Đền Nguyễn Tri Phương được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX để thờ Thành hoàng của người dân địa phương. Đến năm 1873, khi Nguyễn Tri Phương mất, ông được nhân dân tạc tượng thờ tại đây. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ “Công”, nằm bên hữu ngạn sông Đồng Nai. Đền thờ Nguyễn Tri Phương được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1992.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh: Ngôi đền này nằm ở xã Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà, đền được xây dựng cách đây khoảng 300 năm, là công trình kiến trúc tưởng niệm ông Nguyễn Hữu Cảnh, người có công đầu khai phá vùng đất Đồng Nai, mặt tiền soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Đền được trùng tu nhiều lần, đến năm 1960 đền được trùng tu lại như ngày nay.
Đền thờ Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Hữu Cảnh là hai ngôi đền cổ nhất ở Đồng nai thường xuyên được nhân dân trong nước đến thắp hương tưởng niệm.
(Xin đón đọc phần tiếp theo - Đồng Tháp)
|