Tên địa danh “Thanh Hoá” được các nhà khoa học xác định có từ năm 1029. Vậy trước và sau đó, danh xưng vùng đất Thanh Hoá ngày nay được đổi tên bao nhiêu lần?
Cầu Hàm Rồng thời mới xây dựng. Ảnh của nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn.
Theo PGS.TS Hà Mạnh Khoa – Viện Sử học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, “Quận Cửu Chân từ thời Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng đến tỉnh Thanh Hoá ngày nay luôn là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, nhưng danh xưng cũng có sự đổi thay”.
Nhiều nhà khoa học lịch sử cũng có chung quan điểm trên.
Bài tổng thuật trong cuốn “Danh xưng Thanh Hoá” (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá, NXB Thanh Hoá, 2019) đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học uy tín, xác định tên gọi miền đất xứ Thanh qua các thời kỳ.
Theo đó, ngay khi chiếm được Âu Lạc (năm 179. Tr.CN), Triệu Đà đã sáp nhập toàn bộ đất đai Âu Lạc vào nước Nam Việt. Hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đặt dưới sự thống trị của chính quyền Nam Việt ở Phiên Ngung (Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc).
Quận Giao Chỉ tương đương với khu vực Bắc Bộ ngày nay. Quận Cửu Chân nằm ở phía nam quận Giao Chỉ, chạy dài vào đến Hoành Sơn (phía nam Hà Tĩnh, phía bắc Quảng Bình), tương đương các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Ranh giới giữa Giao Chỉ và Cửu Chân là đèo Tam Điệp.
PGS,TS Hà Mạnh Khoa nhấn mạnh: Như vậy, ngay từ thời Văn Lang – Âu Lạc, quận Cửu Chân (trong đó có vùng đất Thanh Hoá ngày nay – PV), đã là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương.
Chợ Vườn Hoa thời bao cấp. Ảnh của nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn.
Năm 271, nhà Ngô chia quận Cửu Chân thành hai quận là Cửu Chân và Cửu Đức. Quận Cửu Đức bao gồm chủ yếu Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Quận Cửu Chân chủ yếu là vùng đất Thanh Hoá.
Năm 523, nhà Lương đổi Cửu Chân thành Ái Châu. Đây là lần đầu tiên vùng đất xứ Thanh được đổi tên gọi.
Năm 607, dưới đời Tuỳ Dưỡng Đế, bỏ cấp châu, trở lại cấp quận. Ái Châu trở lại là quận Cửu Chân, bao gồm 7 huyện, trong đó có huyện Cửu Chân. Như vậy, thời điểm này, Cửu Chân vừa là tên quận, vừa là tên huyện. Đây là lần thứ hai vùng đất Thanh Hoá được đổi tên gọi, trở về tên cũ là Cửu Chân.
Thời thuộc Đường, lại đổi cấp quận thành châu. Nước ta thời kỳ này được chia làm 12 châu, Thanh Hoá ngày nay thuộc đất của Ái Châu. Đây là lần thứ ba, vùng đất Thanh Hoá được đổi tên gọi.
Đến đời Lý Thái Tông niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 (1029), Kỷ Tỵ, đổi châu Ái thành phủ Thanh Hoá.
Từ đây, danh xưng "Thanh Hoá" chính thức xuất hiện với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương.
Chợ Thanh Hoá xưa. Ảnh của nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn.
Danh xưng “Thanh Hoá” được xác định từ ghi chép trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn: “Nhà Đinh và Nhà Lê gọi Thanh Hoá là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ 2 đổi làm Thanh Hoá phủ”. Nhiều nhà khoa học khác cũng dẫn nhiều nguồn cứ liệu lịch sử nói rõ năm Thiên Thành thứ 2 (1029) đổi Ái Châu thành phủ Thanh Hoá.
Thời Hậu Lê, năm Quang Thuận thứ 10, Vua Lê Thánh Tông cho đổi Thanh Hoá thừa tuyên thành Thanh Hoa thừa tuyên. Việc vì sao đổi từ “Thanh Hoá” sang “Thanh Hoá” ở thời điểm này không thấy các nghiên cứu lý giải.
Triều Nguyễn, niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), chia cả nước thành 30 tỉnh. Thanh Hoa trấn được đổi, gọi là tỉnh Thanh Hoa.
Tuy nhiên, khi Vua Thiệu Trị lên ngôi, có mẹ tên là Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa, nên dưới thời này có quy định về cách viết văn sách, chữ Hoa phải bớt nét hoặc ghi ký hiệu lên đầu chữ để biết là kỵ huý. Nhiều cứ liệu lịch sử cho thấy, thời này, chỉ gọi chung là “tỉnh Thanh”.
Năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), mùa thu tháng 7 cho đổi Thanh Hoa tỉnh thành Thanh Hoá tỉnh.
Theo sách “Đại Nam thực lục”, việc đổi tên trở lại là Thanh Hoá vì nhà vua xét đất Thanh Hoá là đất thang mộc, nơi phát tích nghìn muôn đời nên cũng phải xem xét lại, hơn nữa, “xét các sử sách của nước Nam, tỉnh Thanh đời cổ là Thanh Hoá. Vậy chuẩn cho lấy lại tên cổ, phàm các dấu quan phòng và ấn triện cũng đều đổi lại mà ban cấp”.
Tên gọi tỉnh Thanh Hoá ổn định từ thời điểm đó đến nay.