NGHÌN THU ĐỂ TIẾNG([1])
Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hóa bơ vơ
(Bế Kiến Quốc)
I- THÀNH HÀ NỘI VÀ BỐI CẢNH “TIỀN” THẤT THỦ
Vào thời Nguyễn, Thăng Long trở thành tỉnh Hà Nội nhưng vẫn là một trung tâm văn hóa của đất nước, và đặc biệt vẫn giữ vị trí trọng yếu về chiến lược.
Nhưng từ vị trí kinh thành chuyển thành tỉnh thành, thành Hà Nội buộc phải nhỏ hơn thành Huế và nhỏ hơn thành cũ (theo các nhà sử học chỉ bằng khoảng một nửa thành thời Lê). Thành hình vuông, mỗi chiều khoảng 1km. Tường thành ứng với vị trí hiện nay phía bắc là đường Phan Đình Phùng, phía tây là đường Hùng Vương, phía nam là đường Trần Phú, phía đông là đường Phùng Hưng. Tường thành cao khoảng 5m. Xung quanh tường thành có một khoảng đất trống 6 – 7m, rồi đến hào rộng 15 – 16m, sâu 5m, chứa nước. Thành mở ra 5 cửa. Trên mỗi cửa có lầu canh.
Như vây, dù có bị triều đình coi nhẹ thì thành Hà Nội thời Nguyễn vẫn là công trình phòng thủ khá kiên cố. Nhìn vết đạn đại bác do quân Pháp bắn vào Cửa Bắc ngày 25-4-1882 thì nó chỉ khoan sâu được chừng 1 gang tay, không nghĩa lý gì so với bờ thành dày (tại chỗ lầu thành, tường dày khoảng 20m; những chỗ bình thường, theo các tài liệu là dày 4 trượng, tức khoảng 14m?). Muốn vào, chỉ có cách bắc thang trèo vào.
Xin nhắc lại đôi chút về bối cảnh cuộc chiến Pháp – Việt trước đó.
Ta đều biết, từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược đầu tiên tại Đà Nẵng đêm 31-8 rạng ngày 1-9-1858, triều đình Huế tuy cũng kháng chiến nhưng chủ yếu là tìm cách “hòa” – thực chất là đầu hàng từng bước:
- Năm 1862 triều đình ký điều ước mang tên “Hòa bình và hữu nghị”, nhượng ba tỉnh miền đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn; cho phép người Pháp có quyền tự do đi lại trên các nhánh sông Cửu Long. Mất ba tỉnh miền Đông, ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) trở nên chơ vơ. Chưa kể từ năm 1864, triều đình cấm sỹ phu miền Tây chiêu mộ nghĩa binh đánh Pháp. Còn việc “giữ nước” của triều đình lúc này là cử phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Cho nên khi đã củng cố lực lượng, thực dân Pháp đánh chiếm nốt ba tỉnh miền Tây không đến nỗi khó khăn (1867).
Được Nam Kỳ, người Pháp có được một hậu phương tại chỗ khá dồi dào làm bàn đạp cho cuộc chiến tiếp tục, bởi vì “Nam Kỳ là thiên phủ[i][2] của nước ta” (Phan Bội Châu).
- Tháng 4-1873, tên lái buôn Jean Dupuis (Giăng Đuy-puy, âm Hán Việt thời trước đọc là Đồ Phổ Nghĩa) ngang ngược đi tàu dọc sông Hồng sang Vân Nam lấy cớ tìm đường thông thương với Trung Quốc, thực chất là do thám và tìm cớ gây sự. Ví dụ, đến Hà Nội, J. Dupuis xé bố cáo của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, cho quân lên chợ bắt dân ta xuống thuyền, lập đồn hai bờ sông Hồng,...). Các hành động của y được sự hậu thuẫn của thương nhân Hoa Kiều. Còn quan lại địa phương của ta thì hết sức bối rối vì triều đình không cho xử lý kiên quyết (sợ người Pháp giận, ảnh hưởng đến việc nghị hòa). Sau đó Thống đốc Nam Kỳ Dupre giả bộ giúp triều đình “xử” vụ này, đã cử thiếu tá Francis Garnier (Phrăng-xi Gác-nhi-ê, âm Hán Việt thời trước đọc là Gạc Nhe) ra Bắc. Garnier lên đường với 5 chiến thuyền. (Đi “xử” một tên lái buôn của mình thì cần gì lực lượng như thế, thế mà triều đình lại hy vọng Garnier xử J. Dupuis thật chứ không phải đi đánh Hà Nội!).
Ra đến Hà Nội, Garnier thể hiện thái độ rất láo xược, vi phạm trắng trợn chủ quyền của ta, nhưng Nguyễn Tri Phương theo lệnh của triều đình vẫn phải án binh bất động. Nhờ đó, Garnier có điều kiện chuẩn bị, và ngày 20-11-1873, y nổ súng đánh thành Hà Nội. Sau một giờ thì hạ được thành.
Sau khi chiếm được Hà Nội, quân Pháp đánh chiếm mở rộng ra các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ. Tuy nhiên, tình hình trở nên rất bất lợi cho chúng: nhân dân ta nổi lên kháng chiến khắp nơi, trong khi đó, quân của Garnier ít ỏi, không đủ sức giữ. Ngày 21-12-1873, trong một cuộc hành quân ra ngoại thành, Garnier bị giết tại Cầu Giấy. Quân Pháp ở Hà Nội rơi vào hoảng loạn. Trong tình thế đó quân ta “chỉ cần một cố gắng nhỏ cũng đủ quét sạch thực dân Pháp khỏi Hà Nội cũng như Bắc Kỳ”[ii][3]. Thế nhưng giữa lúc ấy, triều đình lại ký hòa ước (15-3-1874), cứu một thế thua cho thực dân Pháp.
Theo điều ước này, Pháp trả lại Hà Nội và cả Bắc Kỳ (thực chất không trả thì cũng bị ta giành lại), tuy nhiên phải cho chúng được tự do thông thương trên sông Hồng và được đóng quân hạn chế ở một số nơi dọc bờ sông Hồng.
Trong thời gian từ 1873 đến 1882, ngót 10 năm, người Pháp hoặc gặp khó khăn bên chính quốc hoặc bận xâm lược châu Phi, chưa thể mở rộng xâm lược Việt Nam nhưng vẫn không ngừng tăng cường cho lực lượng quân sự của chúng ở Bắc Kỳ, đặc biệt là Hà Nội, vi phạm hòa ước 1874, thế nhưng triều đình vẫn “làm ngơ”.
Đầu tháng 3-1882, Trung tá Henri Riviere (Hen-ri Ri-vi-e) được lệnh đem 300 quân từ Nam Kỳ ra Bắc. Khác với cuộc đem chiến thuyền ra Bắc của Garnier 10 năm trước, khi đó chúng còn có một lý do “chính đáng” là triều đình Nguyễn nhờ hắn giải quyết vụ J.Dupuis (có quan nhà Nguyễn đi cùng), lần kéo quân này của Riviere là để “bảo vệ Pháp kiều” bị kỳ thị. Theo Vũ Ngọc Phan[iii][4] thì “Pháp kiều” hồi ấy thực ra chỉ là một tên Khách (Tàu) làm bồi cho một người Anh. Hắn nát rượu, có máu điên, một lần vô lễ với tuần phủ Hải Dương, hắn bị ông này chém và bêu đầu ngoài chợ. Như vậy âm mưu gây hấn của thực dân Pháp đã quá lộ liễu. Thế mà triều đình vẫn làm ngơ, để chúng hành trình từ Sài Gòn ra Hà Nội suốt một tháng trời mà không gặp một sự chống đối nào.
II- HÀ THÀNH THẤT THỦ
Sau khi lấy thêm quân và tàu chiến ở Hải Phòng, tổng số lực lượng của Riviere gồm 2 tàu lớn, 5 tàu nhỏ và khoảng 600 quân.
Tổng đốc Hà Nội lúc này là Hoàng Diệu. Hoàng Diệu người Quảng Nam, được điều ra Bắc làm tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình) năm 1880. Nhận rõ vị trí chiến lược của Hà Nội, Hoàng Diệu đã tâu ngay về triều đình: “Hà thành là đất cuống họng của Bắc Kỳ”, “nếu một ngày tan tành như đất lở, thì các tỉnh lần lượt mất như ngói bong”. Ông liên tục xin thêm quân và lo bố phòng cho Hà Nội. Nhưng hầu hết không được triều đình đáp ứng lại còn bị quở trách. Ông kể trong Di biểu: “Thế mà chiếu thư mấy lần ban xuống quở tôi việc đem quân dọa dẫm, bắt tôi tội chế ngự thất thời. Kính đọc lời dạy, thấy rất nghiêm khắc. Quan dân thất vọng, tiến thoái lưỡng nan”. Tuy vậy, Hoàng Diệu vẫn tích cực lo chống giặc. Ông lo tuyển thêm quân, cho làm lại cửa bằng gỗ lim dày, trong lại chất các bao cát, hào thì được đổ thêm nước. Lúc quân Pháp tấn công, quân trong thành có khoảng vài ngàn, đông hơn quân Pháp khoảng 10 lần.
Tổng đốc Hoàng Diệu tại điện Kính Thiên (1880).
Ngày 3-4-1882, Riviere đến Hà Nội. Chúng đóng quân ở Đồn Thủy, bên bờ sông Hồng (khu vực từ Nhà Hát Lớn đến bệnh viện Hữu Nghị ngày nay, rộng 18,5ha), là đất nhượng địa theo hiệp ước 1874. Riviere bắt liên lạc với các cố đạo Pháp và gấp rút chuẩn bị tấn công.
Trước đó triều đình Huế đã phái một viên quan vào Sài Gòn đề nghị lệnh cho Riviere giữ nguyên trạng thành Hà Nội. Còn Hoàng Diệu thì được lệnh của triều đình không được “khiêu khích”. Do đó dù biết trước sau Riviere cũng tấn công mà Hoàng Diệu không được phép đánh trước! (Khi có biến, Hà Nội cũng đơn độc chống cự mà không có sự chi viện của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc từ Sơn Tây, của Trương Quang Đản từ Bắc Ninh, nhất là quân của Hoàng và Lưu đóng ở phủ Hoài (Dịch Vọng, Từ Liêm), sát nách thành Hà Nội).
Tuy nhiên Hoàng Diệu cũng không chịu xuống tàu Pháp “đáp lễ” mà gấp rút tuyển thêm quân, sau đó cùng các tướng giữ thành uống máu ăn thề, sẵn sàng hy sinh.
5 giờ sáng ngày 25-4-1882, Riviere gửi tối hậu thư bắt Hoàng Diệu nộp thành. Hoàng Diệu cử án sát Tôn Thất Bá đi gặp Riviere xin khất 24 giờ sau sẽ trả lời, nhưng chỉ đến 8g15, Riviere đã nổ súng tấn công.
Mở đầu đại bác của Pháp từ dưới tàu bắn vào. Tôn Thất Bá quay trở về sắp đến thành, nghe tiếng súng nổ sợ quá, liền bỏ trốn. Cùng lúc đó quân Pháp kéo một số khẩu đại bác khác lên bờ, di chuyển sát thành để bắn. Sau đó bộ binh Pháp men theo các dãy nhà, bụi cây to tiến lên. Hoàng Diệu đang ốm nhưng đích thân lên lầu Cửa Bắc để chỉ huy. Quân ta bắn ra rất mạnh. Trống mõ nổi lên ầm ầm để động viên quân sỹ và hư trương thanh thế. Hiệp quản Thiện bắn chết một sỹ quan Pháp, được Hoàng Diệu thưởng tại trận 30 lạng bạc. Nhiều dãy nhà lá trúng đạn bốc cháy cũng cản đường tiến quân của giặc:
Lửa phun súng phát bốn bề
Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu
(Hà thành chính khí ca)
Nhưng rồi một điều không may đã xảy ra: kho thuốc súng trong thành bốc cháy (đến nay người thì cho rằng kho thuốc trúng đạn pháo của địch, người lại cho rằng do có kẻ làm gián điệp cho Pháp đốt). Quân tướng từ đó hoang mang, nhiều kẻ bỏ trốn. 10giờ 45, một cánh quân Pháp tiến sát tận chân thành phía tây bắc rồi cả Cửa Bắc. Chúng bắc thang trèo vào thành. Hầu hết các tướng của Hoàng Diệu (Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chính Phan Văn Tuyển, Lãnh binh Lê Trực, Phó lãnh binh Hồ Văn Phong, Nguyễn Đình Đường,...) đều lần lượt bỏ chạy, trận địa quân ta tan vỡ. Hoàng Diệu thế cô phải chạy lẫn trong đám loạn quân, vào Hành cung, thảo Di biểu và truyền lệnh cho quân sỹ tùy ý hoặc giải binh, hoặc lên Sơn Tây nhập với quân của Hoàng Kế Viêm, rồi ông đến một cây to trước Võ Miếu (một số người cho rằng nay là đầu phố Chu Văn An, trước mặt trụ sở Bộ Ngoại giao), dùng khăn nhiễu treo mình tự vẫn. Di biểu có đoạn: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ đất Bắc lúc sinh thời. Thân chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương dưới đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng”. (Từ nhỏ cho đến bây giờ, người viết bài này hễ đọc đến đoạn trên là lại ứa nước mắt).
Quân Pháp vào thành, tịch thu tiền bạc, phá hủy hết súng đạn. Sau đó chúng cho gọi Tôn Thất Bá về, “giao lại” thành, nhưng Riviere lại đóng quân ngay trong Hành cung, cờ ba sắc thay cho cờ vàng ngay từ 27-4.
III- “HẬU” HÀ THÀNH THẤT THỦ: TRẬN CẦU GIẤY “HẬU” CẦU GIẤY
Sau khi mất Hà Nội, triều đình Tự Đức suy sụp tinh thần. Một mặt lo không giữ được những vùng còn lại của Bắc Kỳ, mặt khác sợ phong trào kháng chiến của nhân dân bùng lên mạnh sẽ làm người Pháp giận. Và cuối cùng thì sự lựa chọn vẫn là làm sao để làm đẹp lòng người Pháp, hy vọng chút gì đó trên bàn thương lượng. Thấy chúng “trao trả” thành Hà Nội, Tự Đức lấy làm mừng, bắt Hoàng Kế Viêm phải giải binh, bắt Lưu Vĩnh Phúc phải rút lên mạn ngược. Nhưng Hoàng và Lưu vẫn ráo riết chuẩn bị đánh giặc.
Tác giả Đào Tiến Thi trước thành Cửa Bắc
Từ tháng 3-1883, quân Pháp có thêm viện binh, bắt đầu đánh chiếm các tỉnh lân cận. Nhưng từ đây chúng cũng gặp khó khăn, vì nhân dân các vùng chúng chiếm được nổi lên kháng chiến ngày càng mạnh. Đồng thời từ đầu tháng 5-1883, hai cánh quân ta từ Sơn Tây (của Hoàng, Lưu) và Bắc Ninh (của Trương Quang Đản) dần dần xiết chặt Hà Nội. Đêm 8-5, đại bác ta từ Gia Lâm, bên kia sông Hồng, bắt đầu nhả đạn vào thành phố. Và từ đó cứ đêm đêm ta lại bắn đại bác để khủng bố tinh thần quân Pháp. Có đêm bắn tới 80 quả. Nhiều đêm quân ta còn đột nhập phá hủy các cơ sở của giặc. Đêm 15-5 quân ta đột kích nhà thờ Hàm Long, địch phải hết sức cố thủ mới giữ nổi. Lưu Vĩnh Phúc còn dán yết thị giữa thành phố Hà Nội thách Riviere ra đánh nhau!
Riviere sau khi được viện binh từ Hải Phòng lên liền tổ chức một cuộc hành binh lớn vào sáng ngày 19-5. Lúc này địch có cả thảy khoảng 750 tên, chúng để 200 tên giữ thành còn đem 550 tên vào chiến dịch. Chúng bí mật xuất quân từ 4 giờ sáng, tiến về phía phủ Hoài Đức định tiêu diệt lực lượng của Hoàng Kế Viêm ở đây. Quân ta nắm được kế hoạch của địch, giả bộ rút lui, đợi đến khi chúng vừa qua khỏi cầu Giấy thì quân mai phục bất ngờ đổ ra đánh. Hai bên kịch chiến, đều thiệt hại nặng. Tiến thoái lưỡng nan nên quân Pháp liều chết xông vào làng Dịch Vọng, nhưng quân ta lợi dụng lũy tre làng chống trả quyết liệt. Về sau quân ta có thêm viện binh của Lưu Vĩnh Phúc và Hoàng Trung Thư nên càng hăng hái. Cuối cùng, sau 2 giờ giao tranh, quân Pháp phải bỏ chạy dưới làn mưa đạn của quân ta. Không rõ quân địch chết bao nhiêu nhưng trong số thương vong tại trận có Đại tá Riviere, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ, kẻ vừa năm trước ngạo mạn chiếm thành Hà Nội. Còn Đại tá Berthe de Villers (B. đơ Vi-le) bị thương nặng, quân sỹ khiêng về Hà Nội, đến chiều cũng chết.
Hà Nội lại giống như hồi sau khi Garnie chiếm được năm 1873: quân Pháp như cá nằm chốc thớt, vô cùng hoang mang. Chúng co cụm lại với nhau chờ chết. Có tên ghi lại nhật ký: “Thật là một cuộc sống kinh khủng đối với một dúm người từng đêm chờ đợi kết liễu cuộc đời”[iv][5]. Nhưng triều đình không biết chớp thời cơ, vẫn chỉ lo “thương thảo” và tìm mọi cách ngăn cản các lực lượng kháng chiến.
Ba tháng sau, ngày 15-8-1883, sau khi quân Pháp được thêm quân tiếp viện, tướng Bouet (Bu-ê), Tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ tung 2000 quân vào đánh Sơn Tây nhưng đã thất bại thảm hại, phải quay về Hà Nội. Đồng thời lúc này, hạm đội của Courbet (Cuốc-bê) từ Sài Gòn ra miền Trung cũng tấn công Thuận An (18-8), cổ họng của kinh thành Huế. Hai ngày sau, Thuận An mất vào tay giặc. Ngày 25-8-1883, triều đình ký điều ước Harmand (Ác-măng), đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp.
Với các sự kiện trên, có lẽ không cần lời phân tích nào thêm nữa chúng ta cũng hiểu vì sao mà Hà Thành thất thủ đến hai lần và cuối cùng thì mất hẳn vào tay người Pháp. Cũng như sau 25 năm kháng chiến với bao nhiêu hy sinh của nhân dân và sỹ phu yêu nước mà cuối cùng nước vẫn mất vào tay ngoại bang.
Đào Tiến Thi, nguồn NXD
[v][1] Lấy mấy chữ của câu Nên thua theo vận truân phong/ Nghìn thu để tiếng anh hùng sử xanh trong Hà thành chính khí ca. (Để tiếng anh hùng cho Hoàng Diệu mà cũng “để tiếng” ngược lại cho bọn vua quan bán nước).
[i][2] Thiên phủ: kho trời (ý nói sự giàu có).
[ii][3] Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2000.
[iii][4] Những trận đánh Pháp (1936), in lại trong Vũ Ngọc Phan tuyển tập, Nxb Hội Nhà văn, 2000.
[iv][5] Dẫn lại Trần Huy Liệu – Lịch sử Hà Nội, Sđd.
Tài liệu tham khảo chính
1. Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1918), Nxb Giáo dục (tái bản lần thứ ba), 2003.
2. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên): Đại Cương lịch sử Việt Nam, tập 2. Nxb Giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ 12), 2010.
3. Đinh Xuân Vịnh: Sổ tay địa danh Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
4. Phan Bội Châu: Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sử khảo, in lại trong Phan Bội Châu toàn tập. Nxb Đà Nẵng, 2000.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (tập 8). Nxb Giáo dục, 2007.
6. Trần Huy Liệu (Chủ biên): Lịch sử thành phố Hà Nội. Nxb Hà Nội (tái bản lần thứ hai), 2000.
7. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng (tái bản), 2003.
Vũ Ngọc Phan: Những trận đánh Pháp (1858 – 1884), in lại trong Vũ Ngọc Phan tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, 2000.
8. Vương Chính Bình, Lầu Quân Tín, Tôn Nhân Tông (chủ biên): Bộ thông sử thế giới vạn năm, tập 2. Trần Đăng Thao, Nguyễn Văn Ánh dịch. Nxb Văn hóa - thông tin, 2000.
9. Yosiharu Tsuboi: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 – 1885). Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Tri thức, 2011.
10. Từ điển mở Wikipedia: các mục Hà thành thất thủ, Hà Thành chính khí ca, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương.
Theo Nguyenduyxuan
|