LTS: Với mong muốn cung cấp một số thông tin về âm mưu và quá trình Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay, Đại tá Nguyễn Huy Viện đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Cách đây 30 năm, ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc với vũ khí tấn công hạng nặng ngang nhiên tàn sát dã man 64 chiến sĩ Công binh Việt Nam chỉ với cuốc xẻng và vũ khí bộ binh, không hề khiêu chiến, họ chỉ đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc còn tàn độc hơn khi không cho phép các tàu của lực lượng Chữ Thập Đỏ ra cứu các nạn nhân, cho dù đây luôn là thông lệ quốc tế trong chiến tranh.
Nhân sự kiện này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về âm mưu và quá trình Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay.
Từ lâu, Trung Quốc đã có âm mưu thôn tính các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng ráo riết và quyết liệt nhất là sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc đến nay.
Bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang miêu tả lại sự kiện bi tráng ngày 14/3/1988. |
Âm mưu và hành động của các chính quyền ở Trung Quốc từ 1946 đến 1956
Tháng 10/1946, lợi dụng thời cơ quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, hạm đội đặc biệt của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm, đổ bộ chiếm Hoàng Sa cuối năm 1946 và Trường Sa đầu năm 1947.
Tháng 4/1950, đồn lính Trung Hoa dân quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa buộc phải rút lui, lực lượng quân sự Cộng hòa Pháp - đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, đã thu hồi toàn bộ hai quần đảo này.
Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính quyền cựu hoàng Bảo Đại quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa vẫn do Pháp quản lý.
Ngày 7/9/1951, tại Hội nghị San Francisco (Tây Ban Nha) có 51 quốc gia tham dự, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng chính thể Quốc gia Việt Nam (chính quyền cựu hoàng Bảo Đại) Trần Văn Hữu long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Không một đại biểu nào trong Hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này.
Sau khi có thông báo Hội nghị San Francisco, ngày 15/8/1951, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố khẳng định cái gọi là "tính lâu đời" của các quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam.
Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma
|
Điều 1 của Hiệp định quy định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17).
Điều 4 của Hiệp định quy định:
“Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi”.
Điều 14 của Hiệp định quy định:
“Trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử đưa lại sự thống nhất cho Việt Nam, bên đương sự và quân đội do thoả hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm việc hành chính trong khu tập kết đó”.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 đặt dưới sự quản lý hành chánh của phía chính quyền quản lý miền Nam vĩ tuyến 17.
Như vậy, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chánh của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc đó, cả hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp.
Chính quyền ở Phía Nam vĩ tuyến 17 phải chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo trên ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam dưới vĩ tuyến 17.
Quá trình Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Tháng 4/1956, lợi dụng thời cơ quân viễn chinh Pháp rút khỏi miền Nam, và tình thế vô cùng khó khăn của cả hai miền Bắc, Nam Việt Nam do vừa trải qua cuộc chiến tranh điêu tàn, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đổ bộ bất hợp pháp chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa, Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) đổ bộ trái phép chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa…
Trước những hoạt động xâm lấn của Trung Quốc, ngày 22/8/1956, song song với việc đưa lực lượng hải quân ra bảo vệ quần đảo Trường Sa, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tổ chức một số hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, như: Tổ chức đoàn nghiên cứu thủy văn; khai thác phốt phát ở Hoàng Sa.
Thất thủ Hoàng Sa và bài học đoàn kết Dân tộc, tự lực tự cường, đề cao cảnh giác
|
Ngày 21/2/1959, Trung Quốc cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa nhằm thôn tính nốt nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đập tan âm mưu này, 82 “ngư dân” và 5 thuyền đánh cá vũ trang đã bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng, sau đó được trả cho Trung Quốc.
Ngày 15/1/1974, Trung Quốc đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Từ ngày 17/01 - 20/01/1974, diễn ra trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và hải, lục, không quân Trung Quốc.
Trong tình thế quá chênh lệch lực lượng, toàn bộ các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và biến thành những căn cứ quân sự hiện đại
Tháng 01/1988, lợi dụng tình thế Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn, Trung quốc huy động một lực lượng hải quân hùng hậu, gồm nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa và pháo 100 mm, đến vùng biển quần đảo Trường Sa khiêu khích, cản trở hoạt động của các tàu vận tải Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên.
Ngày 14/3/1988, các tàu Hải quân Trung Quốc trắng trợn nổ súng tấn công các tàu vận tải của Hải quân và bộ đội Công binh của Việt Nam trấn giữ trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây ra cuộc thảm sát đẫm máu 64 chiến sĩ Công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Quyền phòng thủ chính đáng của Việt Nam ở Trường Sa
|
Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam dù bị động trước lực lượng áp đảo của Hải quân Trung Quốc vẫn chiến đấu anh dũng, ngoan cường bảo vệ được chủ quyền tại đảo đá Cô Lin và Len Đao.
Sau hành động tấn công quân sự bất hợp pháp tháng 3 năm 1988 vào bãi Gạc Ma, Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp các bãi đá: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Su Bi từ đó đến nay.
(Riêng đá Vành Khăn, Trung Quốc bắt đầu chiếm quyền kiểm soát bất hợp pháp từ năm 1995 khi Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ hải quân Subic, Philippines.)
Để thực hiện mục đích chiếm đóng lâu dài, sau khi chiếm đóng các bãi đá ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhanh chóng biến nơi đây thành những căn cứ quân sự.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp các bãi đá đó thành các đảo nhân tạo với diện tích khoảng trên 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa).
Không những vậy, theo các tài liệu quốc tế, Trung Quốc đang khẩn trương biến các đảo nhân tạo này thành các “chiến hạm” phục vụ cho tham vọng và âm mưu lâu dài.
Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình chính là người ra lệnh đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp các cấu trúc địa lý họ hiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
Tháng 11/2015 ông ta tiếp tục tuyên bố sai sự thật tại Singapore rằng: “các đảo trên biển Đông là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”. Những điều này đã bộc lộ đầy đủ dã tâm và tham vọng của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông.
Để đối phó với âm mưu và tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc, chúng tôi cho rằng cần có các đối sách dưới đây:
1. Đặt lợi ích, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu nhằm tập hợp sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh của toàn thể người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài để có tình cảm, ý chí, quyết tâm và tiếng nói chung trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
2. Sách lược sáng suốt là chúng ta cần đấu tranh với Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình, đối thoại; hết sức tỉnh táo không mắc mưu trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc, nhằm không để xảy ra xung đột vũ trang.
3. Không ngừng củng cố khả năng phòng thủ trên Biển Đông cũng như trên đất liền, xử lý hài hòa các mối quan hệ quốc tế và khu vực để tránh rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch, một khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng.
Những băn khoăn, thắc mắc về vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa
|
Nếu Trung Quốc có hành vi tiếp tục lấn tới, xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia cần phải có tiếng nói và phản ứng mạnh mẽ. Vì thực tiễn cho thấy Trung Quốc thường "mềm nắn, rắn buông".
Không những vậy, các quốc gia khác chỉ ủng hộ Việt Nam khi chúng ta có tiếng nói đanh thép, thái độ rõ ràng trước những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Quốc gia.
4. Cần phải xây dựng mối quan hệ chiến lược với các quốc gia, nhất là với các cường quốc và các quốc gia cùng có lợi ích trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông để cùng đồng lòng, tạo nên sự thống nhất và sức mạnh chống lại mọi hành động vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
5. Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp tuyên truyền sâu rộng cả trong nước và trên phạm vi toàn thế giới, nhất là tại các diễn đàn quốc tế về những chứng cứ, tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bạn bè quốc tế chỉ ủng hộ chúng ta khi bằng tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý quốc tế chúng ta chứng minh được điều đó.