Mỗi dòng sông của Quảng Bình quê tôi đều có một lịch sử hào hùng chảy qua năm tháng. Kiến Giang, con sông nhỏ phía nam chảy yên ả qua một vùng lúa Lệ Thủy, đã sinh ra một người con huyền thoại. Kiến Giang xưa có tên là Bình Giang, sách "Ô Châu cận lục" của Dương Văn An thế kỷ XVI viết: “...Nước trong xanh, vị ngọt, khuấy không vẩn đục, uống không biết chán. Đó là con sông đẹp nhất trong xứ...”.
Chùa Hoằng Phúc. Ảnh: Minh Qúy
Ngược ngọn nguồn Kiến Giang ta bắt gặp Rào Nậy, Rào Con len lách giữa dãy núi điệp trùng với Yên Mã “Thế núi cao lớn, dáng hình uốn lượn, chỗ đứt đoạn, chỗ liên tục, chỗ đổ xuống, chỗ ngóc lên trông như hình cái yên ngựa. Hai bên tả hữu có các núi vây quanh, chỗ như ký mã thong dong, chỗ như tuấn mã hăm hở.
Người dân thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà ở làng An Xá. Ảnh: M.Q
Tinh thần phong phú, khí tượng dồi dào” (Ô Châu cận lục). Hợp lưu của hai ngọn nguồn Rào Nậy, Rào Con là Trôốc Vực (tiếng địa phương nghĩa là Đầu vực ) còn gọi là vực Cây Sanh – vực An Sinh “...Trên thì triền núi mở rộng, dưới thì sắc nước trong veo, nhìn suốt tận đáy nhưng sâu vô cùng. Tương truyền dưới nước có thủy phủ. Có khi mây mưa u ám, thuyền chài qua lại thường nghe tiếng trống, tiếng kèn. Tiết Xuân thứ dân thường làm lễ cầu yên, dựng đàn tràng, tổ chức đua thuyền, liền được mưa...” (Ô Châu cận lục).
Có truyền thuyết kể rằng: Cao Biền, một phù thủy cao tay của phương Bắc khi cưỡi diều bay qua Lệ Thuỷ thấy có nhiều nguồn nước cùng đổ vào sông Kiến Giang biết vùng đất này sẽ sinh vượng, y bèn hóa phép quyết lấp bằng được các long mạch. Cuộc chiến giữa Cao Biền và thần thổ địa sơn lâm diễn ra ác liệt suốt mấy tháng, trời long đất lở, sấm sét đùng đùng.
Cao Biền phù phép gọi âm binh lấy đá lấp sông nhưng thổ thần bản địa được sự trợ giúp của thủy thần long cung và dân làng dời đá khơi dòng. Không thể dời núi, lấp sông Cao Biền đành phải bỏ cuộc nhưng cuộc chiến đã làm cho núi đổi sông dời. Long mạch của Lệ Thuỷ vì thế không những không bị lấp mà càng được lan toả khắp vùng.
Bố Chinh, Địa Lỵ, Ma Linh của vương quốc Chiêm Thành nhập vào Đại Việt (1069) được vua Lý Nhân Tông đổi thành Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh và chiêu mộ dân chúng đến ở. Đây là nơi “đất lành chim đậu” cho những cư dân đầu tiên trong công cuộc mở cõi về phương Nam. Năm 1301, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trong cuộc vân du sang đất Chiêm Thành đến vùng đất “phúc địa vô song”, “một miền tịnh giới, y như hoa cỏ hướng mặt trời” để lập am Tri Kiến (chùa Kính Thiên, Hoằng Phúc sau này) Lệ Thủy đã mang cốt cách, đậm hồn dân tộc.
Theo sắp đặt các đơn vị hành chính đời Trần, châu Lâm Bình dưới đời nhà Lý được đổi thành phủ Lâm Bình rồi phủ Tân Bình, lộ Tân Bình, đến cuối đời Trần đổi thành trấn Tân Bình, rồi trấn Tây Bình. Theo sách "Đất nước Việt Nam qua các đời" của Đào Duy Anh, Trấn Tây Bình có huyện Thượng Phúc, huyện Nha Nghi và huyện Tri Kiến(1).
Tri Kiến nghĩa là sự dựng lập. Không biết tên sông Bình Giang mà Dương Văn An viết vào thế kỷ XVI đổi từ lúc nào? Phải chăng cha ông muốn trở lại ký ức của một vùng đất Tri Kiến để tiếp tục công cuộc dựng lập muôn đời mà tên Bình Giang được đổi thành Kiến Giang chăng.
Bắt đầu từ đời Lý, công cuộc khai thiết phát triển mạnh mẽ ở đời Trần khi tri huyện Nha Nghi là Hoàng Hối Khanh chiêu mộ 12 dòng họ khai hoang lập điền trang dọc hai bờ sông Kiến. Những Kẻ Tiểu (Thượng Phong), Kẻ Tuy (Lộc Thuỷ), Kẻ Soi (Liên Thuỷ), Kẻ Tréo (Liên Thuỷ)...; những Nhà Phan (Phan Xá), Nhà Vàng (Hoằng Giang), Nhà Ngo (Uẩn Áo), Nhà Nòi (Xuân Lai)... là những làng xã trù phú mọc lên.
Cùng với cây lúa, cây dâu, cây cói là nghề dệt vải, dệt chiếu nghề rèn, nghề gốm, nghề mộc... phát triển làm cho “xóm làng đông đúc chung nghe tiếng gà... sông hồ đầy nước... đất đai màu mỡ... Ngày xuân mở hội bơi trải, phất phới lụa là...” (Ô Châu cận lục)
Từ thượng nguồn, sông chảy về xuôi nuôi dưỡng phù sa cho cây lúa, củ khoai rồi dưỡng dục, hun đúc biết bao thế hệ con cháu lưu danh sử sách. Phạm thượng tướng (không rõ tên) người xã Đại Phúc Lộc khi nghe tin Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa tìm theo có công dẹp giặc Minh được phong Thượng tướng. Nguyễn Danh Cả (có sách gọi là Danh Khả) người xã Lộc Thuỷ, cuối đời nhà Hồ dự Hội thề Lũng Nhai theo Lê Lợi đánh giặc lập công được phong tước Trung Lượng đại phu.
Con là Danh Trí được phong Vũ Tiết đại phu, cháu là Nguyễn Đình Tuấn được phong là Quả Cảm tướng quân. Đời nhà Mạc, Dương Văn An tự Tĩnh Phủ khoa thi Đinh Mùi (1547) đỗ Tiến sĩ ra làm quan viết Ô Châu cận lục những mong cho quê hương mình “thịnh vượng vẻ vang, phát tiết, sinh sôi nảy nở”.
Đời nhà Nguyễn có Võ Trọng Bình người làng Mỹ Lộc làm quan thanh liêm chính trực được vua Tự Đức ban tặng bức Đại hạng tự kim đề 4 chữ: Liêm - Bình - Cần - Cán (thanh liêm, công bằng, cần cù, mẫn cán). Như dòng Kiến Giang chảy mãi, nối tiếp các bậc tiền nhân còn biết bao nhiêu người con quê hương Lệ Thuỷ rạng ngời sử sách.
Cho đến một ngày, cũng bên dòng sông ấy, mùa lụt cách đây hơn một trăm năm, tại làng An Xá đã sinh ra một con người huyền thoại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuổi thơ của chàng trai Võ Giáp gắn với bến nước con đò, củ khoai hạt lúa. Ngày giáp Tết, cậu được đi đò dọc theo cha lên An Mã tảo mộ tìm về nguồn cội. Nhiều đêm, cậu nằm nghe mẹ kể chuyện ông ngoại đánh giặc thời Văn Thân. Tuổi đến trường, con đò đưa cậu lên phố huyện trọ học.
Nơi ấy, ở ngã ba sông có doi đất như hình cây bút, dân làng gọi là Mũi Viết khơi nguồn cho vùng đất học. Biết bao vị khoa bảng trong đó có những Đại khoa được sinh ra từ mảnh đất này. Học xong lớp ba trường huyện, con đò đưa cậu qua Hạc Hải xuôi sông Nhật Lệ về học trường tỉnh ở Đồng Hới. Như mọi dòng sông đều đổ ra biển lớn, cuộc đời của cậu học trò An Xá đang đứng trước biển cả bao la. Khi vào Quốc học Huế, anh gặp những người chí lớn.
Trong căn nhà nhỏ bên Bến Ngự gặp cụ Phan Bội Châu từng bôn ba chân trời góc biển, lao tâm khổ tứ vì độc lập, tự do cho dân tộc. Những lời tâm huyết của cụ Phan trong Hải ngoại huyết thư, Lưu cầu huyết lệ tâm thư đã làm rung động trái tim nhiệt huyết của chàng trai họ Võ.
Tích cực tham gia phong trào yêu nước của học sinh trường Quốc học bị chính quyền thực dân đuổi học, bất đắc dĩ anh phải trở lại quê nhà. Cánh chim bằng phải trở về tổ cũ nhưng bầu trời khát vọng vẫn cao xanh vẫy gọi. Không tự giam mình trong cuộc sống tầm thường, anh quyết chí tự học để mở mang tầm nhìn, nâng cao kiến thức mong mai này có ích cho đời. Dòng sông Kiến Giang lại chứng kiến những tháng ngày của chàng trai chí lớn. Anh Giáp rủ bạn bè tiến bộ cùng trang lứa đưa nhau lên thượng nguồn An Mã tuyên thệ lập hội kín đánh Tây.
Rồi mùa lụt năm 1928 có chiếc đò ai đó chèo vào tận cổng, anh nhận ra đó là Nguyễn Chí Diểu, người bạn cùng chí hướng hồi Quốc học từ Huế ra ga Mỹ Trạch xuôi về An Xá. Anh Diểu trao cho anh những tài liệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nói tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức tại Bruxen (Bỉ) và tại cuộc họp khác tại Quảng Châu (Trung Quốc). Anh nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại nhiều và như tìm được mặt trời chân lý anh quyết định tạm biệt gia đình, quê hương xứ sở ra đi làm cách mạng. Con đò dọc theo dòng sông Kiến đưa anh lên ga Mỹ Trạch đáp xe lửa vào Huế để từ đó bước vào cuộc trường chinh.
Trong Bài tựa mở đầu sách Ô Châu cận lục Dương Văn An viết: “Có trời đất này thì mới có núi sông và nhân vật này. Bởi từ khi trời đất mở mang thì núi sông hiện ra. Núi mọc sông chảy thì muôn vật sinh ra. Không có núi sông thì lấy gì để thấy rõ công tạo lập của trời đất. Nếu không có nhân vật thì lấy gì để thấy được khí hun đúc của sông núi”. Sông núi quê hương tạo nên bản sắc văn hoá của một vùng quê.
Suốt cả cuộc đời đi làm cách mạng, lập nên những chiến công huyền thoại, đến với mọi miền trong và ngoài nước, nhưng vị Đại tướng Tổng tư lệnh vẫn giữ được giọng nói ấm áp của vùng sông nước Kiến Giang. Phải có tình yêu sâu nặng lắm mới giữ được ngữ điệu của quê hương trong từng câu nói.
Mỗi lần về thăm quê ông lại muốn được nghe giọng hò sâu lắng ngọt ngào của vùng đất Lệ Thuỷ, muốn được được dự hội bơi trải của trai làng trên dòng sông quê. Ông cũng không quên đến dâng hương cho các vị tiền nhân ở nhà thờ họ Võ, chùa An Xá; thắp hương kính viếng các anh hùng liệt sĩ, thân phụ và thân mẫu tại nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy và đi thăm bà con chòm xóm. Dòng Kiến Giang vẫn trong xanh mọi thuở, vẫn ngọt ngào sâu lắng nghĩa tình.
Suốt cuộc trường chinh giải phóng gần trọn thế kỷ đã đến lúc về với cõi vĩnh hằng. Được tin ông mất, chiều tối ngày 5 tháng 10 năm 2013, dòng Kiến Giang như ngừng trôi, nức nở đến quặn lòng khóc thương tiễn biệt. Người dân Lệ Thuỷ ai cũng muốn ông về nơi chôn nhau cắt rốn, về với Kiến Giang nhưng cũng là người con của quê hương Quảng Bình ông chọn Vũng Chùa – Đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Sáng ngày 13 tháng 10 năm 2013, hàng vạn đồng bào như những lớp sóng dạt dào đưa tiễn Người đến vùng đất thiêng thiên cổ. Dòng Kiến Giang lại hoà vào biển cả, đến với nơi ngàn năm sóng vỗ, ngàn năm gió hát để được ru giấc ngủ của người con huyền thoại - Vị tướng của Nhân Dân - Vị tướng của Hoà Bình.