Hình ảnh video cho thấy, con tàu ngầm Kilo này đang hợp đồng tác chiến với 3 "ong độc" Molinya đang phóng tên lửa chống hạm Uran-E.
Quả thật là việc một chiếc tàu ngầm phóng tên lửa ở chế độ ngầm với Nga, Trung Quốc và Mỹ thì quá đỗi bình thường. Nhưng khi tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam phóng lên thì lại không khiến cho ai đó thờ ơ…
Ở góc nhìn chiến thuật thì sự kiện này khẳng định một điều, Việt Nam đã chính thức đưa toàn bộ 6 chiếc Kilo vào tư thế sẵn sàng chiến đấu hay trực chiến.
Hình ảnh 3 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya của Hải quân nhân dân Việt Nam phóng loạt 3 tên lửa chống hạm Uran-E. Ảnh: VTV
"Tàu ngầm Kilo Việt Nam " - không chỉ là cái tên!
Khi 6 chiếc tàu ngầm Kilo xuất hiện tại Cam Ranh, những người "ngoại đạo" chắc mẩm cho rằng, thế là từ nay Hải quân Việt Nam đã có 6 Kilo tung hoành trên biển… nhưng thực ra với giới quân sự thì nó đang chỉ là một cái tên mà chưa có sức mạnh răn đe.
Để thực sự Kilo trở thành sức mạnh răn đe tức là tham gia vào trực chiến cùng với các lực lượng khác thì người Việt Nam phải thực hiện 2 giai đoạn cực kỳ phức tạp, khó khăn…
Thứ nhất là huấn luyện kỹ thuật. Đây là khâu quan trọng nhất.
Huấn luyện kỹ thuật, trước hết phải có cơ sở vật chất kỹ thuật để huấn luyện và phục vụ cho con tàu hoạt động. Tất nhiên đã có sự chuẩn bị dài hơi của Việt Nam và sự giúp đỡ của người Nga tại căn cứ hải quân Cam Ranh.
Kíp điều khiển của tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam. Ảnh: VTV.
Để cho tàu ngầm Kilo hoạt động được là rất phức tạp. Chẳng hạn, phải xây dựng hệ thống thông tin chỉ huy, cụ thể như sự liên lạc của Kilo với chỉ huy trên bờ như thế nào...
Vấn đề nữa mà không thể không đề cập đến là trang bị kỹ thuật cho tàu ngầm hành trình ngầm dưới biển bảo đảm an toàn hàng hải.
Đi biển luôn luôn bằng kính tiềm vọng thì chẳng ai gọi là tàu ngầm. Hiện nay hải quân một số nước đã phát triển hệ thống định vị quán tính (SINS) cho phép tàu ngầm có thể định hướng ở dưới nước bằng cách theo dõi chuyển động tương đối của nó so với một vật chuẩn xuất phát.
Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu tham khảo, tàu ngầm vẫn phải nổi sát mặt nước hoặc sử dụng các biện pháp liên lạc hiện đại để cập nhật vị trí tàu khi hành trình… nhưng mà không bị lộ bí mật,...
Như vậy, khi cơ sở vật chất kỹ thuật đã đảm bảo thì con tàu tiến hành huấn luyện kỹ thuật. Huấn luyện kỹ thuật nhằm mục đích là để sử dụng thành thạo nó, làm chủ được nó và chỉ có như vậy mới phát huy được sáng tạo sau này trong chiến đấu.
Sau khi hoàn thành giai đoạn huấn luyện kỹ thuật thì tàu ngầm Kilo bước vào giai đoạn 2 là huấn luyện chiến thuật.
Hình ảnh tàu ngầm Kilo của Việt Nam trước khi phóng tên lửa. Ảnh: VTV.
Có lẽ chúng ta không bàn luận gì nhiều về huấn luyện chiến thuật, chỉ biết, sau khi hoàn thành giai đoạn này thì sẽ kết thúc, nghiệm thu bằng bắn đạn thật. Đây là một cuộc thi sát hạch thực sự, vượt qua được thử thách này thì các kíp chiến đấu mới chính thức được coi là đã làm chủ những chiếc tàu ngầm Kilo hiện đại.
Tàu ngầm Kilo Việt Nam đã phóng tên lửa Club-S, không chỉ trong tình huống độc lập tác chiến mà cao hơn là hợp đồng tác chiến và với quả đạn này, Hải quân Việt Nam chính thức thông báo với Biển Đông rằng, Kilo đã chính thức trực chiến.
Bắt đầu từ đây Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam không chỉ là một cái tên, nó đã có sức răn đe với kẻ thù.
KILO trong tay người Việt Nam sẽ như nào?
Giới bình luận quân sự quốc tế xếp trình độ tàu ngầm Việt Nam nằm giữa Indonesia và Singapore…
Tuy nhiên, thành thạo trong sử dụng tàu ngầm mới chỉ là tiêu chí cao nhất đánh giá việc huấn luyện thời bình. Chỉ cần có thời gian hoặc phương tiện, phương pháp huấn luyện tiên tiến (chẳng hạn như mô phỏng huấn luyện tàu ngầm mà Nga xây dựng cho Việt Nam) là có thể sử dụng thành thạo.
Nhưng sáng tạo trong sử dụng vũ khí trang bị mới quyết định thành bại của cuộc chiến. Sáng tạo là tố chất chỉ có được từ truyền thống dân tộc, từ bản lĩnh và trí tuệ và từ hình thái chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
May thay cho nhân loại, đã 72 năm nay thế giới không có một kinh nghiệm chiến đấu nào của tàu ngầm và rủi thay cho các quốc gia có tàu ngầm, kinh nghiệm chiến đấu là con số 0.
Do đó, chỉ có duy nhất thực tiễn mới là tiêu chí của chân lý, vậy, Việt Nam và Trung Quốc, Indonesia, Singapore có gì khác nhau trong sử dụng tàu ngầm?
Dư luận, giới quân sự nước ngoài có những lời bình, nhận xét 6 tàu ngầm Kilo của Việt Nam khi tác chiến như "sẽ thay đổi cuộc chơi trên Biển Đông", "một sức mạnh mới cho phòng thủ của Việt Nam"… không phải là điều sáo rỗng
theo Thời đại
http://soha.vn/dang-sau-vet-khoi-ten-lua-cua-tau-ngam-kilo-viet-nam-se-thay-doi-cuoc-choi-20171227162743208.htm