Những địa danh dân dã có đặc điểm là những từ rất gợi tả, dễ nhớ, bởi nó bắt nguồn tự thực tế tồn tại của vùng đất ấy.
Sông Lấp ở Hải Phòng, vốn là một nhánh nhỏ của sông Cấm nối với sông Tam Bạc, sau bị lấp đi một phần để xây thành phố, phần còn lại gọi là sông Lấp - Ảnh: Internet
Ở nước ta, tên nôm của làng xã, bến đò, gò đống, núi non... là những tên gọi xa xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay. Thường là tên một âm tiết. Khi bị Hán hóa, địa danh cấp làng xã trở lên bị đặt theo âm Hán Việt, thường có 2 âm. Quanh Hà Nội từng có rất nhiều “kẻ” nôm, giờ là địa danh âm Hán Việt. Đó là loại tên nôm từ rất xa xưa.
Có một loại địa danh, không xa lắm, tạm gọi là “tên dân dã”, hình thành khoảng vài trăm năm ở những miền đất mới. Vùng Hải Phòng, Hải Dương và miền duyên hải có nhiều địa danh như thế. Hải Phòng tận đến thế kỷ 15 vẫn còn là vùng đất dân cư thưa thớt, là một phần của phủ Kinh Môn thuộc lộ Hải Đông, quản 7 huyện: Đông Triều, An Dương, Kim Thành, An Lão, Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên ngày nay), Nghi Dương (huyện Kiến Thụy nay), Giáp Sơn (huyện Kinh Môn nay). Năm 1887, tỉnh Hải Phòng được thành lập gồm Thủy Nguyên, An Dương và An Lão của phủ Kinh Môn cũ.
Địa danh theo cách của người xưa là thường có sao gọi vậy. Cầu Đất, cầu Rào, sông Lấp, chợ Hàng, chợ Sắt, hàng Kênh, phố Ga, Cát Cụt, Cát Dài, ngõ Cấm, khu Quán Bà Mau, phố Khách (Trung Quốc)… Thực ra, những địa danh ấy không thuần nôm như các “kẻ” của Hà Nội, vì thời mà các “kẻ” tồn tại, thì làng xóm ở vùng Hải Phòng chưa có. Các địa danh vùng đất mới phần nhiều không mầu mè, được gọi thẳng vào đặc điểm nổi bật của nơi đất ấy. Những Máy Chai (nhà máy thủy tinh), Máy Điện (nhà máy điện), Máy Tơ (nhà máy dệt sợi)… có nhà máy ở vùng hoang vu, là thành địa danh của cả vùng. Hoặc Sở Dầu (công ty xăng dầu), Lán Bè (cảng sông bè tre gỗ), Hồ Sen (hồ nước có sen), Lạch Tray (sông tên là Tray), Miếu Hai Xã (miếu ở địa phận 2 xã), phố Nhà Thương (có bệnh viện)…
Có một số địa danh ở Hải Phòng bây giờ hình như không dùng nữa. Như Đồng Bớp (cánh đồng nhiều cá bớp, nay là khu Đổng Quốc Bình), Vườn hoa Đưa Người (vườn hoa có các cô gái bán dâm đứng, nay là vườn hoa Nguyễn Du), ngõ Đồng Lùn (ngõ có ông đồng lùn), Ngõ Thối (ngõ có cây thối), bến Sáu Kho (có sáu nhà kho chứa hàng ở cảng), ngõ Cô Ba Chìa (ngõ có ông Pháp tên là Kopachier)… Và nhiều địa danh đến giờ tôi không biết vì sao đặt tên như vậy: Ngõ Tê A (T.A?), Chợ Con (chợ nhỏ hay chợ bán các con vật?), Chợ Cố Đạo (có phải nơi đây có cái nhà thờ?), Trại Lẻ (một cái trại?)…
Những địa danh dân dã có đặc điểm là những từ rất gợi tả, dễ nhớ, bởi vì nó bắt nguồn tự thực tế tồn tại của vùng đất ấy. Sau này, một số phố và vùng thay tên mới, khó nhớ, khó hình dung. Ví dụ gọi phố Ga thì rõ ràng nghe gần gũi, thích hơn là phố Lương Khánh Thiện, hay như Đồng Bớp thành Đổng Quốc Bình, Cát Dài thành Hai Bà Trưng… Ngày nay còn một số tên cũ không biết có đổi không, những Hạ Lý, Xi Măng, Hạ Lũng, Thượng Lũng, Tràng Cát… vân vân. Những địa danh đó đã dùng từ Hán Việt rồi, nhưng nó vẫn là thuộc về thời kỳ xưa cũ. Giữ thì còn cảm giác về lịch sử, thay thì mất, mà thay để làm gì? Đặt tên mấy ông danh nhân thì tìm chỗ chưa có tên để đặt có được không?
Địa danh là một kho tàng giá trị phi vật thể. Nó chuyên chở mã thông tin về tiếng nói của người xưa, thời đại đã qua rồi. Người thì lớp lớp kế thừa, đất chỉ có một. Trong sử Trung Quốc, những cái tên Xích Bích thì cứ Xích Bích, Giang Nam thì vẫn Giang Nam từ thời họ viết sử. Còn ở nước mình, tên đất cứ thay xoành xoạch. Trung Quốc có một tập quán hay, là (nói chung) không đặt tên người làm tên đất (trừ ông Tôn Trung Sơn), nhưng xứ ta không học, mà học họ nhiều cái dở.
Nói một nơi như Hải Phòng, thì đại thể như vậy, nhiều nơi khác, cũng rưa rứa. Tiếc thật đấy.