Những bài báo cũ hay ký ức của những người rất già kể lại rằng thuở ban đầu con đuờng đi bộ hai bên cầu Long Biên một thời đã trở thành một con đường dạo mát đẹp nhất của thành phố Hà Nội...
"Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tầu xe đi lại thong rong..."
Câu thơ viết tựa đồng dao ấy với thế hệ chúng tôi dường như những đứa trẻ Hà Nội nào cũng thuộc. Nó được đọc lên như một niềm tự hào. Khi đó cả Hà Nội chỉ có một chiếc cầu duy nhất vượt qua sông Hồng. Vào thời điểm nó được xây dựng thì quả thực đó là niềm tự hào của cả xứ Đông Dương thuộc địa của nước Pháp. Hồi đầu thế kỷ XX, với chiều dài kết cấu hoàn toàn bằng thép không tính hai đầu cầu dẫn, cầu Long Biên ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer được coi là một trong những chiếc cầu lớn trên thế giới và đương nhiên khi đó nó lớn nhất trong khu vực.
|
Hồi đó người Pháp ca ngợi đó là "chiếc cầu nối liền hai thế kỷ". Bởi lẽ nó được khởi công vào năm 1898 và khánh thành vào năm 1902. Xây cầu Long Biên mục đích chủ yếu của người Pháp là để con đường sắt từ thành phố cảng Hải Phòng vượt sông Hồng để nối với Vân Nam của Trung Quốc. Người viết sử còn chép rằng, xây xong cầu Long Biên thì thành phố Hà Nội phát triển một cách đột biến... Đó là thời nước Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
Cầu lúc đầu chủ yếu dành cho xe lửa và hai bên có đường cho người đi bộ và một vài loại xe thô sơ khi đó còn rất thưa thớt, chủ yếu là xe tay (xe kéo pousse-pousse). Phải đến những năm 20 của thế kỷ trước, khi ôtô đã du nhập và ngày càng phổ biến hơn thì con đường hai bên mới mở rộng như khuôn khổ hiện nay.
Những bài báo cũ hay ký ức của những người rất già kể lại rằng thuở ban đầu con đuờng đi bộ hai bên cầu Long Biên một thời đã trở thành một con đường dạo mát đẹp nhất của thành phố Hà Nội, bắt đầu từ phồ Tràng Tiền khởi hành từ Bờ Hồ ra tới toà nhà bảo tàng của Trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) chạy dọc bờ sông khi đó chưa đê mà chỉ đóng kè (Quai Clemenceau) rẽ lên cầu sang bên Gia Lâm rồi quay về rồi lại dọc sông lên đến đầu dốc Yên Phụ xuôi bờ Hồ Tây đi vào khu Bách Thảo nằm sát khu vực hành chính đầu não ... Đó là buổi ban đầu khi cây cầu mới dựng.
Nhưng chính cầu Long Biên đã trở thành một nhân tố thúc đẩy đô thị Hà Nội phát triển. Dân số trở nên đông đúc. Cơn lũ lịch sử năm 1925, 1926 khiến người ta phải dựng lên một con đê chắn tầm mắt nhìn ra dòng sông khiến thành phố này quay lưng lại với dòng sông của mình...Rồi chiến tranh liên miên, cầu Long Biên trở thành huyết mạch chiến lược giao thông phải oằn mình chịu những tàn phá của chiến tranh.
Chiếc cầu này đã từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa thực dân điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm để tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ... Rồi vào những ngày thu năm 1954, cầu Long Biên lại chứng kiến cảnh đoàn quân viễn chinh thực dân rút khỏi Hà Nội ra đường 5 để xuống tàu ở cảng Hải Phòng và ở chiều ngược lại, những đoàn quân chiến thằng từ chiến khu trở về giải phóng Thủ đô...
|
Khi chiếc cầu này sắp bước vào tuổi 70 lại chính là lúc nó phải chịu đựng những thử thách khốc liệt nhất. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đã đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội và cầu Long Biên trở thành một mục tiêu quan trọng hàng đầu. Không biết bao nhiêu bom đạn và các loại tên lửa hiện đại nhất của không quân Mỹ đã nhằm vào khối sắt thép này. Nhiều trận đánh dữ dội đã diễn ra, nhiều nhịp cầu đã bị sập, nhiều máy bay Mỹ đã bị rơi, nhiều chiến sĩ và dân quân đã hy sinh bên mâm pháo hay trận địa tên lửa. Khu dân cư bên bãi Phúc Tân sát chân cầu bị bom Mỹ triệt hạ v.v... Rồi những chuyến xe ca chở tù binh Mỹ từ nhà tù "Hilton Hà Nội" qua cầu này để lên máy bay về nước trong những đợt trao trả tù binh...
Hoà bình đựơc lập lại, nhưng chiếc cầu thì đã già nua lại đầy mình thương tích. Nó tiếp tục oằn mình chịu đựng sức nặng ngày càng tăng cùng với sự phát triển của thủ đô và đất nước cho đến khi hai chiếc cầu lớn là Thăng Long ở thượng lưu và Chương Dương ở hạ lưu hoàn thành. Đứng trên cầu Long Biên nhìn ra phía xa sẽ thấy được những thay đổi to lớn của Thủ đô ngày càng hiện đại với những đường viền của những khối nhà cao tầng hay những cần cẩu vươn lên trời cao. Nhưng nhìn xuống những nơi cận kề và ngay chính thân thể của mình, cầu Long Biên và không gian quanh nó lại chính là hội tụ những bức xúc nhất của một thành phố đang chuyển đổi và phát triển. Nó vận động suốt ngày đêm dường như không nghỉ với sự lam lũ, bươn chải, giành giật, chịu đựng và chờ đợi một lúc nào đó sẽ thay đổi...
|
Quẳng gánh lo đi mà mường tượng ra điều mình mơ ước. Tôi mơ ước có một ngày được hưởng cái sung sướng của người xưa. Đó là được dạo bộ hóng gió mát sông Hồng và cây cầu Long Biên già nua đã được trùng tu trở lại với bóng dáng nguyên lành như thuở ban đầu nhưng lưu lại một đôi chỗ nguyên vẹn những dấu tích của chiến tranh. Ngang sông Hồng lúc này đã có thêm nhiều cầu nữa nên Cầu Long Biên dành riêng để... đi bộ. Trên cầu, có nhiều cửa hàng lưu niệm, các bảo tàng chuyên đề nho nhỏ về một Hà Nội của thế kỷ XX. Người ta có thể leo lên đỉnh cao nhất của một nhịp cầu nơi đã từng lâp một trận địa bắn máy bay của những chiến sĩ quyết tử. Người ta có thể xuống bãi bồi giữa sông nay đã trở thành một công viên và khu giải trí rợp bóng cây xanh và những cầu tầu để khai thác mặt nước và dòng chảy của sông Hồng.
Lại có nhiều quán ăn và nhất là những quán giải khát để được hưởng gió mát và ngắm nhìn toàn cảnh của một thành phố nằm bên hai bờ của sông Hồng và trải tầm nhìn tới tận ngọn núi Tản Viên linh thiêng...Không có được tầm cao như tháp Eiffel ở Paris kinh đô nước Pháp nhưng nếu được ngồi trên lưng cầu hay trên đỉnh một trong những nhịp cầu ta cũng có thể có cảm giác tương tự.
Ở thân cầu nay có một tấm bia đồng đúc tên những đơn vị tham gia xây dựng công trình này và không hề có tên của Eiffel. Nhưng nếu có ví von rằng "Cầu Long Biên giống như ngọn tháp Eiffel ngả mình ngang dòng sông Hồng" thì hẳn cũng không phải là điều không thể chấp nhận được .
Dương Trung Quốc
Theo Quehuongonline