NGỌT NGÀO MĂNG...ĐẮNG TÂY BẮC NGỌT NGÀO MĂNG...ĐẮNG TÂY BẮC , Người xứ Nghệ Kiev
Ai đã một lần qua Tây Bắc mà chưa từng được ngắm hoa ban và thưởng thức qua mónmăngđắng luộcchấmchẳm chéo thì xem như đã vuột tay mất phần "nuột nà" nhất của núi rừng nơi đây.
Chuyện xưa người Thái kể rằng, có chàng trai nghèo tên Khôm(nghĩa là đắng) yêu say đắm nàng Bioók (bông hoa) xinh đẹp, là con của một thống lý giàu sang. Chàng Khôm nghèo khó nên bị cha nàng Bioók mắng chửi thậm tệ và xua đuổi, không cho chàng đến bên nàng Bióok. Hai người bị ngăn cấm nhưng yêu nhau say đắm nên một ngày kia đã rủ nhau chạy trốn vào rừng sâu. Thống lý sai người đuổi theo đến tận đỉnh núi cao. Khi biết không thể chạy trốn được nữa, đôi trai gái nắm tay nhau cùng nhảy xuống vực sâu quyên sinh để được đời đời bên nhau.
Nơi hai người mất đi, ít lâu sau, mọc lên một thân cây giống như cây tre nhưng nhỏ nhắn, măng của cây này khi ăn vào vừa có vị rất đắng mà lại vừa rất dễ làm say lòng những ai đã quen dần với vị đắng của nó. Hương vị măng luôn làm người ăn liên tưởng đến những đắng cay của một tình yêu ngang trái, dù rất đắng mà không dễ chối bỏ, lìa xa. Người Thái vùng Tây Bắc lấy tên chàng trai đặt luôn cho loại cây này nên từ đó cây mang tên mậy khôm.
Kề chỗ hai người mất đi, cạnh cây mậy khôm cũng mọc lên một cây thân gỗ sum suê cành lá, mỗi khi lá cây rụng sạch, toàn cây chỉ có hoa nở rộ, nhuộm trắng khắp các cánh rừng. Người Thái gọi hoa đó là bioóck ban hay hoa ban. Dân bản nơi đây thường lấy măng đắng ngâm với hoa ban làm làm thành món măng chua có vị ngon đặc sắc, cuốn hút lạ kỳ.
Măngđắng có thể được hái quanh năm nhưng măng mọc nhiều sau khi núi rừng bừng đón những hạt mưa xuân. Sự hoài niệm của những người con núi rừng Tây Bắc khi đi xa luôn chứa đầy sự khắc khoải với vẻ đẹp của hoa Ban rừng và vị đắng của măng đắng chấm chẳm chéo. Khi những giọt mưa xuân xua tan mùa đông giá lạnh của vùng cao cũng là lúc núi rừng bắt đầu được phủ trắng bởi những nụ ban chúm chím xinh xắn và khi đó, những búp măng bé xíu cũng đội đất rừng xòe bàn tay bé xíu chào nắng lên. Khi măng vừa nhú khỏi mặt đất cũng là lúc măng ngon nhất. Để có được những búp măng ngon, người ta phải dùng cuốc, thuổng và dao để đào sâu xuống, bứng măng lên.
Tuy vậy, cách thưởng thức măng đắng thật giản đơn, giản đơn như tình người nguyên sơ của các dân tộc vùng cao nơi đây. Măng mang về từ rừng chỉ cần rửa sơ rồi cho vào nồi luộc, người luộc quen chỉ cần ngửi mùi hương hơi hăng hăng bay ra từ nồi măng đang sôi là có thể biết được măng đã chín hay chưa. Một cách làm khác để giữ nguyên hương vị của măng là nướng măng trên than hồng. Măng nướng giữ được nguyên vị đắng đậm đà, đắng đến rùng mình đối với người mới ăn lần đầu nhưng lại là vị…ngọt ngào đến lạ với những người đã ăn quen, tựa như vị ngọt ngào của những thành tựu mà ai đó đã đạt được sau khi đã trải qua tận cùng đắng cay, khổ ải. Với họ, nếu ăn miếng măng không đắng thì không còn chút gì hấp dẫn mà chỉ như miếng măng tre bình thường.
Gia vị để chấm măng đắng có tên chẳm chéo cũng được xem là một món đặc sản rất riêng của đồng bào dân tộc nơi đây. Để nói hết chẳm chéo có lẽ cũng phải là một câu chuyện dông dài và thi vị không kém món nước mắm của người kinh miền xuôi. Chẳm chéo là đồ chấm có nhiều cách chế biến đa dạng như chéo pịa (chéo làm từ lòng non của con trâu), chéo mắc có (chế biến với loại quả mắc có khá chua), chéo khá (chéo củ riềng), chéo non đíp (chéo với ớt chỉ thiên tươi)...Chéo có chung vị mặn nhưng mỗi loại lại mang một hương vị khác nhau, dùng để chấm một món ăn khác nhau.
Chéo chấm măng đắng phải là đồ chấm có năm vị cơ bản là cay (ớt), hăng (tỏi), the nồng (mắc khén), mặn (muối), và vị ngọt thịt (mì chính). Các thành phần của chẳm chéo được giã nhuyễn rồi bọc vào lá chuối, cột lại vùi vào tro nóng. Bóc miếng măng đắng nướng hoặc luộc chấm vào chẳm chéo vừa cời từ tro ra, vị đắng quyện vị cay của ớt, mặn của muối, ngọt của mì chính, nồng the trong hương chẳm chéo cho ta cảm giác đượm lòng hơn cả nụ hôn đầu đời của trai gái vừa yêu. Với cánh đàn ông, một hớp rượu ngô sau khi ăn miếng măng đắng chấm chẳm chéo thì có lẽ không men...ái tình nào sánh bằng được nữa.
Trong cuộc sống, mấy ai không ưa ngọt ngào, mấy ai dễ dàng nuốt trôi những đắng cay khổ ải. Ấy thế mà ăn măng đắng, từ miếng măng đắng ngắt đầu tiên, mỗi miếng tiếp cho cảm giác vị đắng ở đầu lưỡi cứ giảm dần, giảm dần rồi thay vào đó là vị đắng đến...ngọt ngào quyện vị mặn the của đồ chấm. Ta bất chợt nhận ra rằng, hóa ra đắng cay the nồng lại là dư vị...ngọt ngào nhất trong cuộc đời. Phải chăng, món măng đắng dân dã ẩn mình nơi núi rừng Tây Bắc lại bao hàm những triết lý thâm sâu nhất làm hành trang trưởng thành cho mỗi con người trong cuộc sống này