- Những đánh giá của các nhà sử học các thời Trần, Lê cho phép đoán định địa bàn của cuộc kháng chiến, cũng là lãnh thổ của triều đại họ Trưng, rất rộng lớn, đến tận phía ngoài Ngũ Lĩnh.
Về việc kết thúc cuộc chiến giữa Hai Bà với Mã Viện, cách ghi của các tài liệu cũng không nhất trí. An Nam chí lược ghi Hai Bà bị Mã Viện chém, còn Đại Nam quốc sử diễn ca thì viết: Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo/Chị em thất thế phải liều với sông. Dù sao thì cái chết của Hai Bà là sự hy sinh tràn đầy khí phách anh hùng. Hai Bà là người mở đầu công cuộc chống ngoại xâm cứu nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc khiến cho con cháu muôn đời khâm phục và biết ơn.
Chính Lê Tắc (gia thần của Trần Ích Tắc đầu hàng và lưu vong ở đất Nguyên) dù phải viết theo quan điểm của "thiên triều" cũng không thể không bộc lộ thái độ thán phục Hai Bà, trong bài Đồ chí ca, Lê Tắc viết: "Mê linh hai gái sánh anh hùng/Chị là Trưng Trắc, em Trưng Nhị/Phất cờ độc lập xứ Giao Châu/Oai phục trăm Man, ai dám ví/Lĩnh Nam sáu mươi lẻ năm thành/Bà chị làm vương, em làm súy/Đường đường tướng Hán Mã Phục Ba/Cắn răng khổ chiến ba năm lẻ".
Vấn đề thứ hai còn chưa được tìm hiểu kỹ là quy mô về thời gian và không gian triều đại họ Trưng. Có phải lãnh thổ của vua Trưng chỉ là quận Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân và sự nghiệp của triều đại Hai Bà chỉ vẻn vẹn có 3 năm?
Có người đặt vấn đề là, nếu chỉ đến khi chồng bị Tô Định thảm sát, bà Trưng Trắc mới nổi dậy thì khó có thể tập hợp ngay được một lực lượng hùng hậu để nhanh chóng giành lại cả phần lãnh thổ ngoài Ngũ Lĩnh và lập nên một triều đại bề thế mà nhà Hán phải vất vả huy động binh hùng tướng mạnh hao người tốn của mới tiêu diệt được. Phải chăng dân chúng của vua Hùng với lãnh thổ rộng lớn "Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn... chia làm 15 bộ" (Đại Việt sử ký toàn thư) dù bị nhà Hán chiếm cứ vẫn không chịu bị chế ngự.
Thế lực của các Lạc tướng vẫn tồn tại, cho nên khi Hai Bà vừa phất cờ nổi dậy thì "chỉ hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành đã hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay". Đó chính là cái ý mà các nhà sử học Lê Văn Hưu, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ đều cho là "hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương". Và đó cũng là cái lý để các ông trách cứ "bọn đàn ông" "tự vứt bỏ mình", trong khoảng hơn nghìn năm "chỉ bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc", không biết xấu hổ với hai người con gái họ Trưng!
Những ý kiến rất cô đúc đó của các nhà sử học các thời Trần, Lê cũng cho phép chúng ta đoán định địa bàn của cuộc kháng chiến, cũng là lãnh thổ của triều đại họ Trưng, rất rộng lớn, đến tận phía ngoài Ngũ Lĩnh.
(còn nữa)
Băng Thanh, nguồn Bee.net
|