Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông (thường thì vị vua khai mở triều đại hay lấy hiệu là Thái Tổ, nhưng vì Trần Cảnh còn có bố là Trần Thừa đang sống, nên mới lấy hiệu là Thái Tông để tỏ ý hiếu thuận với cha). Lúc này, Hoàng thành Thăng Long qua bao phen binh lửa do nội chiến tranh quyền đoạt vị đã bị tàn phá tới mức có lúc nhà vua phải ở nhà tranh. Bởi vậy, khi quyền bính về tay nhà Trần, việc xây dựng lại Hoàng thành Thăng Long, chỉnh đốn lại Kinh thành được cần kíp tiến hành.
Hoàng Thành Thăng Long
|
Tuy có ý xây dựng lại Hoàng thành Thăng Long, nhưng hai vòng Cấm thành và Hoàng thành đều được nhà Trần tu sửa trên cơ sở thành cũ nhà Lý. Năm 1243, Trần Thái Tông cho đắp lại vòng thành trong cùng và gọi thành này là Phượng thành, hay Long Phượng thành, chính là Long thành thời Lý vậy. Cửa Nam Phượng thành được nhà Trần gọi là cửa Dương Minh. Trên cửa Dương Minh là gác Triều Thiên môn. Cửa nách bên trái gọi là Nhật Tân môn, cửa nách bên phải gọi là Vân Hội môn. Phía trong cổng này là khoảng giếng trời có kích thước khoảng 7m x 7m. Qua khoảng giếng trời này là bậc thềm dẫn đến điện Tập Hiền, trên điện có gác Minh Linh các. Từ chái bên phải đi tới là điện Đức Huy, bên trái là cửa Đồng Lạc, bên phải là cửa Kiều Ứng.
Chính điện có 9 gian, được đặt tên là “Thiên An Ngự điện”. Hai phía Đông, Tây làm hành lang, giải vũ. Nhà vua ở cung bên phải, gọi là cung Quan Triều. Cung Thánh Từ phía trái là nơi ở của Thái Thượng Hoàng. Thời Trần, nhà vua ở ngôi một thời gian, rồi nhường ngôi cho con và lên làm Thái Thượng Hoàng. Đây là một hình thức kèm cặp, rèn rũa kĩ năng làm vua của nhà Trần. Vua lên ngôi, nhưng Thái Thượng Hoàng vẫn tham gia chính sự, giúp nhà vua mới làm quen với chức trách mới.
Ngoài ra, tại khu vực trung tâm Hoàng thành còn có điện Bát Giác, điện Diên Hiền là nơi vua làm việc hay thết yến các quan. Sứ thần nước ngoài được đón tiếp tại điện Tập Hiền và điện Thọ Quang. Điện Diên Hồng là nơi tổ chức các hội nghị bô lão để lấy ý kiền về những việc lớn, đại sự. Chẳng hạn, Hội nghị Diên Hồng lấy ý kiến các bô lão về việc chủ chiến hay chủ hòa trước đe dọa xâm chiếm của giặc Nguyên Mông. Đây được đánh giá là chủ trương hay của nhà Trần trong việc tìm kiếm sự đồng thuận từ lòng dân, bởi các bô lão là người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn nhất tại cộng đồng dân cư và trong mỗi gia đình. Cũng bởi thế mà điện Diên Hồng có vị trí, vai trò quan trọng.
Nhà vua thường xem lính đấu với hổ ở Vọng Lâu – chuồng hổ được đặt ngay dưới lầu – hoặc xem voi diễn trò. Sách An Nam Chí lược ghi, nhằm ngày lễ tiết, viên quản tượng lấy gấm phủ lên lưng voi, khiến voi quỳ xuống lạy vua. Khi có tang lễ thì khoác lên lưng voi yên vàng. Voi vốn thông minh, thấy thế thì nước mắt chảy ròng ròng. Các quan thường chầu lạy vua trước khi dự Hội thề mồng 4 tháng tư ở điện Đại Minh.
Nhà Trần, cung Thái tử được gọi là Sừ cung. Các cung nữ ở trong cung Lệ Thiên hoặc Thưởng Xuân.
Các cung điện dưới thời Trần được xây dựng với quy mô rất hoành tráng, có trình độ kỹ thuật cao. Thậm chí, trên các gác 2 có thể xây dựng hành lang rộng, có thể nối từ công trình kiến trúc này tới công trình kiến trúc khác. Năm 1368, vua Trần Dụ Tông cho xây dựng hành lang dài nối từ gác Nguyên Huyền tới cửa Đại Triều ở phía Tây. Với hành lang này, bá quan văn võ khi tiến triều yết kiến nhà vua đều có thể tránh nắng mưa.
(Theo Hoangthanhthanglong.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/hoang-thanh-thang-long-thoi-tran-20160310102455252.htm