Thời Hùng Vương dựng nước (khoảng thế kỷ 6 – 7 trước Công nguyên), Hà Nội khi ấy nằm trong bộ Giao Chỉ, một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Bộ Giao Chỉ chính là vị trí của Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình bây giờ. Thuở ấy, người Hà Nội tập trung sinh sống ven sông Tô Lịch. Người ta gọi nơi ấy là hương Bôn Độ, hương Long Đỗ, hay làng Tô Lịch. Đây chính là nơi “được thế rồng cuộn, hổ ngồi”, sau này được vua Lý Công Uẩn chọn làm nơi định đô.
Theo sách cũ, sông Tô Lịch cổ chảy qua giữa làng, đổ ra sông Cái (sông Hồng). Người ta nối hai bờ Tô Lịch bằng một chiếc cầu tre, đặt tên là cầu Giát (khoảng phố Cửa Bắc bây giờ). Hương Long Đỗ bấy giờ gồm một số xóm cổ, như xóm Rừng (động Lâm Ấp), xóm Già La, xóm Rừng Ngà (động Nha Lâm), xóm Bãi (động Bình Sa), xóm Trại Cá Tươi (trại Tiên Ngư).
Đứng đầu hương này khi ấy là vị huyện lệnh tên gọi Tô Lịch. Nhà Tô Lịch vốn không giàu có, nhưng rất trọng đạo hiếu, lại hào hiệp, hay giúp đỡ người khác. Sau này, khi Tô Lịch mất, người Long Đỗ phong ông làm thành hoàng làng, đổi tên làng Long Đỗ thành ra làng Tô Lịch. Thành hoàng Tô Lịch, hay Long Đỗ, được lập đền thờ trên đỉnh núi Nùng, ngọn núi nằm chếch bên cầu Giát, được coi là núi thiêng của vùng đất này. Bởi vậy, người đời sau vẫn coi Tô Lịch vừa là thần núi, vừa là thần sông, lại vừa là Thành hoàng Thăng Long – Hà Nội.
Đến thời Thục Phán An Dương Vương, kinh đô nước ta bấy giờ được chuyển từ vùng Bạch Hạc (mạn Phú Thọ ngày nay) xuống Cổ Loa (thuộc Sóc Sơn, Hà Nội bây giờ), làng Tô Lịch vẫn yên bình nằm vắt ngang qua con sông cùng tên.
Năm 207, Triệu Đà xâm lược nước ta. Do chủ quan, khinh địch, An Dương Vương thất bại, mở đầu chương lịch sử đen tối nhất của dân tộc – nghìn năm Bắc thuộc. Làng Tô Lịch không là ngoại lệ, cũng nằm dưới sự thống trị của đế chế phương Bắc suốt hàng nghìn năm.
Thời Hán thuộc, Hà Nội thuộc huyện Tây Vu và Phong Khê. Sang thời Ngô thuộc và Tấn thuộc, Hà Nội thuộc huyện Vũ An và Nam Định. Tới thời Hiếu Vũ đế nhà Lưu Tống, Hà Nội được nâng lên thành huyện, rồi thành quận Tống Bình. Quận Tống Bình được chia làm ba huyện: Nghĩa Hoài, Tuy Linh và Xương Quốc. Vùng đất sau này được chọn làm Hoàng thành Thăng Long cùng với các huyện Từ Liêm, Hoài Đức ngày nay thuộc huyện Nghĩa Hoài và Tuy Linh.
Năm 544, sau khi Lý Bí cầm quân khởi nghĩa chống lại ách đô hộ phương Bắc, lúc bấy giờ là nhà Lương, thành công, ngài lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Nam Việt Đế (còn gọi là Lý Nam Đế) và cho dựng thành lũy bằng tre, gỗ ở cửa sông Tô Lịch. Đây là lần đầu tiên, Hà Nội được dựng thành, quách và trở thành trung tâm chính trị của nhà nước độc lập. Tuy thời gian tồn tại không lâu, nhưng đây thực sự là giai đoạn hào hùng của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Năm 602, Lý Phật Tử, hậu duệ của Lý Nam Đế, quỳ gối dâng nước cho nhà Tùy. Nhà Tùy chia nước ta thành ba quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Thanh Hóa) và Nhật Nam (Nghệ Tĩnh), lấy Tống Bình làm phủ trị An Nam đô hộ phủ. Đất Hoàng thành khi ấy thành đại bản doanh của giặc phương Bắc đô hộ suốt thời Tùy, Đường.
Tuy vậy, trong suốt thời gian này, quân lính nhà Tùy, Đường đóng tại Tống Bình không được yên thân. Chúng liên tục bị nhân dân ta nổi dậy chống phá, từ các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên, Định Kiến cho đến Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) đều khiến đội quân đô hộ thiệt hại nặng nề.
Năm 791, Phùng Hưng dẹp tan quân đô hộ, giải phóng Tống Bình và đóng đô ngay tại đây, duy trì hòa bình được 7 năm thì ốm mất. Nhân dân suy tôn ngài làm Bố Cái Đại Vương. Sau khi Bố Cái Đại Vương băng hà, Tống Bình một lần nữa rơi vào vòng kiềm tỏa của phong kiến phương Bắc.
Năm 801, đô hộ Bùi Thải cho quân sĩ sửa sang An Nam La Thành, đào hào đắp thành, dồn Tử Thành và La Thành làm một tòa thành để tăng sức mạnh chống lại sự nổi dậy của nhân dân ta. La Thành thời kỳ này được đắp cao 22 thước (khoảng 6,82m). Thành có ba cổng, trên mỗi cổng đều có lầu. Cổng Đông và cổng Tây có lầu ba gian là cổng tam quan. Cổng Nam là cổng chính, có năm cửa, trên có lầu năm gian. Trong thành có 10 tòa nhà, hai bên tả hữu đại sảnh dựng lầu giáp trượng 40 gian để chứa vũ khí. Bấy giờ, đó là một tòa thành tương đối hoành tráng.
Tuy nhiên, Bùi Thải cũng không cầm cự được lâu, năm 803, Bùi Thải bị dân ta dưới sự chỉ đạo của viên tướng Việt Vương Quý Nguyên nổi dậy đuổi chạy te tua về nước. Sau đó, Lý Tượng Cổ được cử sang làm đô hộ nước ta. Lý Tượng Cổ và tất cả các tên quan đô hộ sau này đều chọn Tống Bình với La Thành làm thủ phủ. Năm 819, Lý Tượng Cổ bị tướng quân Dương Thanh cùng con trai là Dương Chí Liệt và bạn thân là Đỗ Sĩ Giao nổi dậy giết chết. Hàn Ước là tên quan đô hộ phủ tiếp theo bị dân ta đánh đuổi ra khỏi bờ cõi vào năm 828. Năm 843, quân sĩ nước ta bị giặc bắt làm lao dịch sửa thành, dựng quách tại Tống Bình đã làm cuộc binh biến khiến Kinh lược sứ Vũ Hồn phải chạy dạt về Quảng Châu. Năm 860, đô hộ Lý Hộ cũng phải bỏ thành Tống Bình chạy thoát thân về nước do đánh không lại của quân khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Đỗ Thủ Trừng.
Từ năm 863, khu vực Hà Nội có hai tòa thành. Tòa thành thứ nhất là thành Giao Châu (còn gọi là thành Giao Chỉ), là phủ thành đô hộ, được đắp từ năm 757 dưới thời Trương Bá Nghi. Tòa thành này có chu vi hơn 6km, phía Bắc có sông Tô Lịch, phía Đông có sông Cái (sông Hồng ngày nay) làm hào thiên nhiên, gọi là La Thành hay Cựu Thành. Bên trong có Tử thành, chu vi 1,6km. Tòa thành thứ hai là Kim Thành, được đắp từ năm 825 dưới thời Lý Nguyên Hỷ. Hằng năm, quân đô hộ đều bắt dân ta đóng thuế để mua tre, gỗ trồng quanh 12 dặm thành, bên ngoài trồng tre gai. Đây là nguyên do vì sao thành này còn có tên là Lặc Trúc.
Năm 866, Cao Biền, tên quan đô hộ tiếp theo được cử sang thống soái Tống Bình, cho đắp thành Đại La. Để cắt long mạch, triệt tiêu vượng khí nước ta, Cao Biền chôn hàng ngàn cân đồng và sắt để yểm bùa khắp nơi. Nhưng trò ma thuật ấy cũng không giúp gì được hắn, đến mức hắn phải kêu trời: “Ôi! Vượng khí nước Nam có đời nào mà hết được! Ở lâu nơi đây, ắt sẽ chuốc lấy tai họa!”. Và để tránh họa, hắn tìm cách quay về phương Bắc. Sau Cao Biền, Tăng Cổn, Chu Toàn Dục, Độc Cô Tổn lần lượt thay nhau sang giữ thành Đại La. Tuy nhiên, tất cả bọn chúng đều không thể yên thân ngồi lâu giữa đất Tống Bình.
Dưới thời Cao Biền, hắn cho đắp lại thành lũy tại Tống Bình và gọi là thành Đại La. Thành Đại La có hai lớp tường thành. Tường thành ngoài cùng cũng chính là một con đê, dài 6.337m, cao 4,65m, chân rộng 5,3m. Tường thành trong dài 5.947m, cao 8,06m, chân rộng 7,75m, bốn mặt có tường nhỏ xây trên thành lớn, cao 1,5m. Trên thành có 55 lầu vọng địch, còn gọi là tháp canh, có 5 lầu dựng trên cổng thành, 6 cửa nách có tường chắn, 34 đường đi và 3 hào nước bao quanh. Tường thành trong cách tường thành ngoài 50m. Trong thành có 5.000 gian nhà là nơi quan quân nhà Đường tá túc.
Năm 905, Khúc Thừa Dụ dấy binh tiến vào thành Đại La, đánh đuổi quan quân nhà Đường về nước, tự xưng là Tiết độ sứ. Ông nổi tiếng với câu nói: “Từ nay nước Nam là của người Nam”. Đời Khúc Thừa Dụ và đời con là Khúc Hạo, đời cháu là Khúc Thừa Mỹ đều đặt Đại La làm đại bản doanh.
Năm 930, Khúc Thừa Mỹ bị nhà Nam Hán đánh bại. Thành Đại La lại rơi vào tay giặc.
Năm 931, Dương Đình Nghệ khởi binh lấy lại được thành Đại La. Sau 6 năm cầm quyền, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn ám sát để tiếm chức Tiết độ sứ khiến lòng dân căm phẫn. Bị nhân dân nổi dậy chống đối, Kiều Công Tiễn cầu cứu quân Nam Hán. Chỉ chờ có thế, nhà Nam Hán xua quân sang đánh nước ta. Con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền bèn tập hợp binh sĩ giết Kiều Công Tiễn báo thù cho cha, đồng thời dàn trận địa cọc sắt đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Sau chiến thắng vang dội Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi vua, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài cho nước ta.
Nhà Ngô ở ngôi báu được 26 năm, đóng đô tại Cổ Loa. Sau đó, trải qua các triều đại Đinh, tiền Lê, kinh đô nước ta được đặt tại Hoa Lư (Ninh Bình), chính là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, cũng là nơi có địa thế hiểm trở, tiện cho việc phòng bị giặc giã. Thành Đại La khi ấy trở thành thành trì của Tống Bình, không còn là trung tâm của cả nước nữa.
Như vậy, ngoại trừ thời Lý Nam Đế xưng ngôi đế ngang hàng với các hoàng đế Trung Hoa. Từ bấy giờ đến trước thời nhà Ngô, dù nước Việt ta đã có nhiều thời kì giành được độc lập, nhưng các vị thủ lĩnh vẫn chỉ xưng làm Tiết độ sứ hay Đô tổng (Phùng Hưng). Do vậy, dù được chọn làm nơi đặt đại bản doanh của các vị thủ lĩnh này nhiều lần, nhưng Đại La chưa được coi là kinh đô theo đúng nghĩa.
(Theo Hoangthanhthanglong.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/tong-binh-thang-tram-truoc-thoi-thang-long-20160120094459132.htm