Theo Wackyworld, địa đạo Củ Chi được công nhận là một trong 5 đường hầm lạ nhất thế giới cùng với đường hầm xuyên biển Manche, nối Anh với Pháp và đường hầm qua vịnh Tokyo, Nhật...
Là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách TP HCM 70 km về hướng tây bắc, hệ thống địa đạo Củ Chi được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
Công trình bắt đầu được thực hiện từ năm 1940, bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến thời người dân địa phương chống Pháp và Mỹ.
Một đoạn đường hầm của địa đạo Củ Chi. Ảnh: internet
Ấp Phú Hiệp (thuộc xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi) được chọn lập hệ thống địa đạo là bởi vùng đất cao, lòng đất lẫn đá sỏi rắn chắc, có thể chịu sức ép bom 500kg và xe cơ giới của địch. Đây là khu rừng chồi, tre và cao su lẫn lộn rất thích hợp cho địa hình du kích chiến.
Địa đạo được xây dựng theo mô hình: cứ khoảng 16m tạo một giếng, đường kính 0,6m, sâu từ 3 - 8m, khi giáp mí thì lấp miệng. Từ đáy giếng dùng cuốc chim khoét sâu tạo địa đạo có chiều ngang 50cm, cao 80cm. Địa đạo gồm các ngóc ngách theo thế vừa chiến đấu, vừa tiếp nối từ hầm này đến hầm khác thành một thế liên hoàn. Những nơi giao nhau hoặc sắp vào miệng hầm, địa đạo hẹp dần, có khi phải trườn hoặc chui. Miệng hầm chỉ rộng khoảng 30cm x 40cm.
Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường "xương sống" toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8m.
Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu... Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ. Mỗi hầm cách nhau 50 đến 70m, có kích thước như một hình vuông từ 3m đến 3,5m.
Hầm cứu thương ở địa đạo Củ Chi. Ảnh: internet
Trong những năm gần đây, địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch rất được ưa chuộng với những du khách quốc tế đến TP HCM. Chỉ một lần khám phá địa đạo, du khách sẽ thấy rõ chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, ý chí bất khuất của "vùng đất thép" và sẽ hiểu vì sao một nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng một nước lớn và giàu có như Mỹ? Du khách cũng sẽ hiểu vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó, lại đương đầu ròng rã suốt 20 năm với một đội quân thiện chiến, vũ khí tối tân mà vẫn giành thắng lợi. Cũng từ địa đạo này, cuộc hành quân Crimp (cái bẫy) của Mỹ với 3.000 quân bộ, cuộc hành quân Sedarfall gồm 12.000 lính, có xe tăng, máy bay yểm trợ tối đa, nhằm biến Củ Chi thành "khu tự do hủy diệt" đã bị đập tan...
Và điều thú vị là, các hướng dẫn viên của địa đạo đều ăn mặc như hồi chiến tranh: nam mặc đồ giải phóng, mũ tai bèo; nữ mặc bà ba đen, quàng khăn rằn và đi dép lốp. Sự có mặt của họ bên trong những búi cây, ở mỗi khúc quanh khiến du khách có cảm giác đang được sống trong sự thật của Củ Chi thời đánh giặc... "“Chuyến đi tới thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam là một hành trình khó quên, tìm về sự kiện lịch sử làm thay đổi vận mệnh một dân tộc, và cả suy nghĩ trong tôi nữa. Với chi phí chỉ có 20 USD, địa đạo Củ Chi chắc chắn là nơi hào phóng dành tặng du khách nhiều điều thú vị", một phóng viên Brunei đã viết trên tờ The Brunei Times hồi tháng 11/2011.
Cũng theo phóng viên này, anh thực sự bị ấn tượng với địa đạo Củ Chi. Chuyến đi đã giúp anh hiểu biết thêm rất nhiều ngoài những bài học lịch sử thời tiểu học và trung học. Anh đã biết người Việt Nam làm gì để hạ được máy bay chiến đấu Mỹ, rồi lại dùng chính mảnh vụn xác máy bay để chế tạo bom và vũ khí và sử dụng những chiến lược thông minh để giành chiến thắng...
Hoài Nam. (ĐVO).
|