GiadinhNet - Câu ca truyền miệng từ bao đời nay chắc hẳn nhiều người biết: "Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ hai đình Báng vẻ vang đình Diềm".
Chỉ còn đình Báng (tức đình Đình Bảng) vẫn tồn tại cùng năm tháng mà vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Nhưng có những bí mật về kiến trúc ngôi đình đã im ỉm hàng trăm năm cho đến khi đại trùng tu người ta mới vỡ lẻ. Và bí mật đó giờ mới được kể...
|
Ngôi đình hội tụ tinh hoa của kiến trúc thế kỷ XVIII.Ảnh: Trà My
|
Đình Đông Khang và đình Diềm hiện nay không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ.
Lời tiên tri
Đình làng Đình Bảng thuộc thôn Đình, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh (xưa là hương Cổ Pháp). Vùng địa linh này là quê hương Lý Công Uẩn, người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010).
Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc, được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới hoàn thành, do công đầu của quan Nguyễn Thạc Lượng, một người làng Đình Bảng.
Nếu như không có đợt đại trùng tu khi phải mổ xẻ gần như toàn bộ kiến trúc của ngôi đình thì những bí mật không bao giờ được khám phá. Và người nắm rõ những điều im ỉm hàng trăm năm nay không ai ngoài ông Đặng Đình Luân- Trưởng ban quản lý đình Đình Bảng. Sau ngày về hưu, năm 1990 ông Luân làm Bí thư chi bộ thôn Đình, năm 1995 vào ban quản lý đình và năm 2007 đến nay, ông giữ cương vị Trưởng ban quản lý. Gần 22 năm gắn bó, đó cũng là quãng thời gian xảy ra nhiều biến cố đối với ngôi đình, đó là lý do tại sao ông nắm nhiều bí mật về ngôi đình đến vậy.
Theo ông Luân, bối cảnh lịch sử sau chiến tranh, cũng như các đình chùa khắp cả nước, đình Đình Bảng bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông Luân kể rằng ở làng Đình Bảng, từ lâu người ta vẫn truyền nhau lời tiên tri của ông Nguyễn Thạc Lượng căn dặn con cháu rằng 300 năm sau ngôi đình sẽ hư hỏng nặng nhưng không thế mà bị phá bỏ. Sẽ có một bè gỗ lim nổi lên lấy đó để sửa lại đình. Ở thời điểm gần 300 năm sau, lời sấm truyền cứ văng vẳng bên tai, nhưng nghĩ đến chuyện có bè gỗ lim tự dưng "nổi lên" hoàn toàn là chuyện hoang đường trong khi ngôi đình ngày càng bị mối mọt làm hư hỏng đi rất nhiều.
Ông Luân kể: "Thế rồi đầu năm 2000, một đoàn khảo sát của Trung ương về nghiên cứu việc trùng tu. Đến khi gỗ lim được đưa về để trùng tu người ta mới giật mình bởi lời tiên tri của cụ Nguyễn Thạc Lượng cách đây 300 năm cực kỳ chính xác. Thêm nữa, trên các xà của đình có khắc những dòng chữ Hán. Ngày trước các cụ biết chữ Hán, nhưng chẳng ai trèo lên để đọc. Thế là những bí mật về những dòng chữ đó cứ theo năm tháng không được hé lộ.Một đoàn khảo sát của Nhật về Đình Bảng làm việc. Tôi mới nhờ họ dịch những dòng chữ này. Nhìn vào bản dịch mới biết những dòng chữ đó khắc tên những người cung tiến của cải để xây đình. Trong đó có người là sinh đồ, có xã trưởng, hương cống... Dòng chữ khắc ghi công đức cụ Nguyễn Thạc Lượng sau ngày trùng tu đã không còn giữ được vì gỗ đã quá mục nát. Âu cũng là lời tiên tri của cụ sau 300 năm sẽ có biến cố. Không ai bác bỏ công lao của cụ, nhưng đó có lẽ là sự chuyển giao thời kỳ". Qua đó cũng sáng tỏ việc xây đình Đình Bảng là do sự góp sức của cả dân chúng, trong đó công đầu thuộc về vợ chồng ông Nguyễn Thạc Lượng.
|
Hàng nghìn chi tiết cột, kèo, họa tiết không hề giống nhau.
|
|
Giờ đây, ông Luân đã có toàn bộ danh sách người công đức xây đình.
|
Hàng nghìn chi tiết không giống nhau
Ngôi từ đường dòng họ Nguyễn Thạc được xây dựng trong 14 năm, dưới triều vua Lê Hy Tông, ban đầu là tư gia của cụ Diệu Đình Hầu Nguyễn Thạc Lượng. Ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiến trúc cổ Kinh Bắc với vật liệu chủ yếu là gỗ lim được chạm khắc tỷ mỉ, công phu và có những hoa văn, họa tiết gần giống với đình làng Đình Bảng. Người Đình Bảng cho rằng việc xây dựng ngôi từ đường này để cụ Nguyễn Thạc Lượng tuyển thợ để xây đình Đình Bảng.
|
Theo kết quả khảo sát, phải thay thế 28 cột đình. Nhưng khi hạ giải toàn bộ ngôi đình người ta phát hiện thêm 32 chiếc cột khác cũng bị hư hỏng. "Có một chi tiết chẳng mấy ai để ý, nhưng nó vô cùng trùng khớp lạ lùng là có tất cả 60 chiếc cột phải sửa. 60 là con số của một vòng quay tính theo âm lịch và ứng với 60 vì sao. Mà theo các nhà thiên văn học công bố cũng có 28 vì sao đã biến mất, 32 vì sao còn lại bị thương", ông Luân cho biết.
Ông Luân công nhận rằng đó chỉ là chiêm nghiệm riêng của bản thân. Nhưng đó một điều rất độc đáo mà trước nay không ai ngờ đến, khi tháo gỡ ra mới biết hàng nghìn chi tiết trong ngôi đình không có chi tiết nào giống nhau. "28 bộ long và hàng chục bộ ly, quy, phượng được chạm trổ không một bộ nào giống nhau về ngoại hình, kích cỡ. Đó là những đường chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Kể cả những vẩy phía trong thân rồng cũng được các thợ chạm trổ ngày trước luồn lách đục đẽo để làm nên những kiệt tác có một không hai. Điều đặc biệt, mỗi con long, ly, quy, phượng đều mang hình hài, sắc thái khác nhau", ông Luân cho biết.
Điều đặc biệt đó chưa hết. Trong tổng số 84 cột đình - gian đại bái 60 cột, cung thờ 24 cột - không một chiếc cột nào có chu vi bằng chiếc cột nào. Mỗi cột mang một con số khác nhau. "Điều này nhìn bằng mắt thường chúng ta cũng có thể phân biệt được một số cột lớn. Tôi cứ nghĩ do ngày trước xây dựng cần phải một số lượng gỗ lớn dẫn đến việc khó tìm cho bằng được những khối lim bằng nhau. Nhưng đến khi hạ giải xuống nhận ra chẳng cái nào bằng cái nào, thì giả thiết của tôi có lẽ là không phải", ông Luân cho biết. Bước vào gian giữa đại bái, nhìn những chiếc cột trụ chính, chúng tôi cũng có thể nhận thấy chúng không có kích thước bằng nhau. Nhưng không hề nhận thấy sự khập khiễng trong kiến trúc một chút nào.
Năm 2009, công việc dựng lại đình một lần nữa được tiến hành. "Thay vì đặt bệ đá trên mặt đất mềm như các cụ ngày trước. Đội thi công đã tiến hành đổ bê tông phía dưới làm phần nền. Sau đó kê bệ đá làm chỗ đứng cho 84 chiếc cột. Tất cả đều lấy cốt 0 làm chuẩn. Sau khi dựng cột lên, mọi người mới sửng sốt, chẳng có chiếc cột nào có chiều cao giống nhau cho dù chúng cùng một vị trí. Nhìn cột thấp cột cao mọi người mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Cuối cùng đành phải đổ lại bê tông với cốt phù hợp cho mỗi cột. Từ đó mới luận ra cách làm của các thợ xưa. Chỗ nào đất lún thì đóng sâu, chỗ nào chắc thì để nông, rất linh hoạt", ông Luân kể.
Từ việc trùng tu đình ngày hôm nay mà mọi người vẫn chưa biết bằng cách nào để người thợ xưa dựng được ngôi đình với những cột gỗ nặng hàng chục tấn. "Ngay chiếc trần giữa của gian đại bái đã nặng xấp xỉ 3 tấn, mà phải đưa từ trên xuống, thì không hiểu cách đây 3 thế kỷ các cụ đưa lên bằng cách gì?", ông Luân băn khoăn. Ở làng Đình Bảng, các cụ cao niên 80 - 90 tuổi kể lại rằng, trước đây khi làng mạc còn thưa thớt vẫn còn rất nhiều ao hồ, hố sâu quanh đình. Người nay cho rằng, người xưa đã lấy đất đắp cao để đưa những tấn gỗ nặng đó lên cao.
Trà My
|