Phong cảnh bản làng, đồng ruộng nhìn từ núi Phượng Hoàng - Ảnh: H.Dương
|
Nơi đây vẫn còn khá xa lạ với nhiều người nhưng không thể bỏ qua nếu muốn du ngoạn khám phá cuối tuần
Từ Hà Nội, muốn đến Võ Nhai có hai lựa chọn. Thứ nhất, xuôi theo quốc lộ 3 hoặc cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khoảng 80km rồi rẽ vào quốc lộ 1B đi tiếp 40km.
Thứ hai, chạy theo quốc lộ 1 Hà Nội - Lạng Sơn, tới Hữu Lũng rẽ vào tỉnh lộ 242 đi thẳng sang Võ Nhai. Chúng tôi đã chọn hành trình thứ hai, xa xôi hơn, đường đi khó khăn hơn nhưng là một hành trình đầy thích thú.
Xuôi sông Rong,
ngắm thác Mưa Rơi
Từng nghe danh những cảnh sắc hồ Núi Cốc, di tích ATK hay đền Đuổm... ở Thái Nguyên, nhưng chạy xe trên tỉnh lộ 242 hoang vắng, giữa những quả đồi với dòng sông nhỏ kề bên, với những nương chè xanh ngát, cảm giác vẫn khá đặc biệt, đầy cuốn hút.
Dừng lại nghỉ chân bên đường thuộc địa bàn xã Dân Tiến, chúng tôi được anh Long - một cư dân địa phương - cho biết: “Con sông mà các cậu bắt gặp tên là sông Rong, nước trong xanh bốn mùa. Dưới đáy sông có rất nhiều rong rêu nên người xưa đặt tên như vậy”.
Dọc sông Rong thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một vài chiếc thuyền tre nhỏ đi thả lưới đánh cá. Những nương chè in hình xuống nước phẳng lặng, xanh trong trở thành một bức tranh tuyệt đẹp của mùa thu.
Điểm vào đó là những bóng cây cổ thụ cổ kính mọc sát bờ sông mà cũng chẳng ai biết tuổi đời của chúng nhiều đến cỡ nào.
Trên những nương chè, bà con đồng bào Tày, Nùng và cả người Kinh đi làm từ rất sớm. Họ hái chè, làm cỏ, khai hoang với những tiếng cười nói tíu tít như tô điểm cho bức tranh phong cảnh đỡ hoang vắng.
Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được Đình Cả - thị trấn của Võ Nhai, trước khi bắt đầu hành trình khám phá những thắng cảnh của vùng đất này. Chỉ chạy hơn 30km về hướng tây bắc, chúng tôi đến xã Thần Sa, Võ Nhai. Từ xa, văng vẳng trong tiếng gió và tiếng xe máy là tiếng nước chảy ào ào.
Tiến lại gần hơn, trước mắt chúng tôi là dòng thác mang tên Mưa Rơi với những dải nước trắng xóa đổ ra từ lòng núi. Từ độ cao hơn 30m, với vách núi dựng đứng, rêu phong, cỏ cây bao phủ, những tia nước nhỏ thi nhau
chảy rơi.
Mùa này thác Mưa Rơi khá cạn, nên nhìn từ xa chỉ thấy một dải nước lớn như chiếc yếm trắng giữa núi rừng xanh thẳm. Tiếng nước rơi, tiếng chim hót bên những bụi cây, kèm theo những cơn gió mát rượi khiến chúng tôi vô cùng thích thú nên dừng chân khám phá.
Sau vài giờ ở bên ngọn thác tuyệt đẹp, chúng tôi tiếp tục đi theo con suối Thần Sa nước trong vắt để tìm đến di chỉ khảo cổ nổi tiếng ở nơi này.
Ở núi Ngườm, thôn Trung Sơn, Thần Sa hiện còn sót lại rất nhiều vỏ ốc, vỏ sò, xương thú cổ... dưới những lớp đất đá. Người ta đã chứng minh được rằng đây chính là một nơi trú ngụ của người Việt cổ thời tiền sử.
Kỳ vĩ hang Mỏ Gà,
núi Phượng Hoàng
Tạm biệt vùng đất Thần Sa, chúng tôi quay xe lại Đình Cả để ngủ một đêm lấy sức trước khi xuôi theo đường 1B tìm đến núi Mỏ Gà, ngọn núi với đỉnh nhọn hoắt như mỏ con gà.
Từ điểm gửi xe bên quốc lộ 1B, mọi người phải đi bộ khoảng 300m, sau đó leo qua những bậc đá, bờ đất rêu xanh để lên cửa hang Mỏ Gà. Hang Mỏ Gà rộng khoảng
10 - 15m, cao 2 - 10m, lòng hang rất tối nên muốn vào đây phải chuẩn bị đèn pin.
Con suối trong hang có nước mát lạnh và cực trong, nhiều đoạn chúng tôi lội xuống chỉ đến bắp chân. Nhưng cũng có nhiều vũng nước khá sâu, rộng, du khách có thể bơi, tắm.
Chính quyền địa phương chưa có số liệu cụ thể về chiều dài của hang. Du khách thường chỉ dám đi 300 - 400m rồi phải quay ra vì địa hình rất phức tạp, nguy hiểm.
Những cảnh sắc từ cửa hang cho đến bên trong qua ánh đèn pin mà chúng tôi đã chiêm ngưỡng rất kỳ diệu.
Thành hang là những khối nhũ đá muôn hình kỳ thú, qua ánh đèn flash máy ảnh và đèn pin nó càng trở nên huyền ảo. Nước suối và nhũ đá kết hợp hoàn hảo với nhau tạo ra những cảnh đầy sắc màu, lung linh.
Theo tìm hiểu, dù mang tên Mỏ Gà nhưng khu vực này thuộc dãy núi Phượng Hoàng nổi tiếng. Trên gần đỉnh núi Phượng Hoàng còn có hang Phượng Hoàng. Để leo lên hang Phượng Hoàng mọi người phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước chuyến đi.
Nhóm chúng tôi đã leo bộ qua hơn 2.000 bậc đá trong khoảng thời gian 1 giờ 30 phút mới tới cửa hang. Đường lên hang dài và nhiều đoạn bậc đá rất dốc đòi hỏi thể lực, vì vậy một vài người sau khi khám phá hang, suối Mỏ Gà đã phải bỏ cuộc giữa chừng khi leo hang Phượng Hoàng.
Hang có hai cửa rộng đón ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào. Vòm hang rất lớn, đứng ở cửa có thể nhìn thấy đáy sâu cách đó khoảng 50m.
Từ đỉnh hang, những giọt nước trôi theo nhũ đá đọng thành vũng nhỏ phía đáy. Men theo những bậc đá đã được làm tay vịn, lan can, chúng tôi bắt đầu mò dần xuống bên dưới.
Dọc hành trình là những nhũ đá huyền ảo với các hình voi chầu, hổ phục, kỳ lân múa, mẹ bồng con, vũ nữ Champa, có cả hình linga đá cao chừng 10m, to cỡ hai người ôm... rất độc đáo, lạ mắt.
(Theo Tuổi Trẻ)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/dam-say-vo-nhai-20151109101613734.htm