Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  Đấu tranh giữ vững chính quyền Cách mạng non trẻ, kiên quyết bảo vệ độc lập Đấu tranh giữ vững chính quyền Cách mạng non trẻ, kiên quyết bảo vệ độc lập , Người xứ Nghệ Kiev
 

(GDVN) - Chủ tịch HCM tuyên bố: "Độc lập, tự do là quý báu, quý giá vô ngần. Ta đã khổ sở đau đớn trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn bảo vệ".

LTS: Tiếp tục loạt bài kỷ niệm 70 năm “Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh mùng 2/9”, Đại tá Đặng Việt Thủy tiếp tục gửi tới tòa soạn bài viết này.  

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc. 

Nhân dân ta trở thành người chủ đất nước. Trải qua những chặng đường đấu tranh gian khổ, vẻ vang, các tầng lớp nhân dân ta càng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hăng hái góp công, góp của vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững lời thề: "Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Toàn dân già trẻ, gái trai phấn khởi tham gia các hoạt động cách mạng. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động xung phong đi đầu trong mọi công tác khó khăn nguy hiểm. Lớp lớp thanh niên, học sinh, sinh viên nô nức tòng quân cầm súng bảo vệ Tổ quốc. 

Phần lớn công chức cũ tự nguyện phục vụ chính quyền mới không tính đến lương bổng, đãi ngộ. Đông đảo các nhà trí thức sát cánh cùng nhân dân lao động, đem trí tuệ và tài năng đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Nhiều tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước cũng sẵn sàng ủng hộ chính quyền.
 
Không ít người đã hiến cả gia tài, điền sản cho Tổ quốc. Đồng bào các dân tộc anh em trước sau một lòng đoàn kết gắn bó trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài nêu cao lòng yêu nước, tích cực góp phần xây dựng tương lai tươi sáng của nước nhà.

Chỉ một thời gian ngắn sau Cách mạng tháng Tám, Mặt trận Việt Minh phát triển rất nhanh. Các hội cứu quốc của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ được tổ chức thống nhất trong toàn quốc. 

Nhiều hội cứu quốc mới được thành lập, thu hút thêm những tầng lớp còn đứng ngoài mặt trận: Hội công thương, Hội Phật giáo, Đoàn sinh viên cứu quốc, Đoàn hướng đạo cứu quốc...  

Dựa trên nền tảng vững chắc của liên minh công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, mặt trận thực sự là khối đoàn kết toàn dân, là lực lượng chính trị hùng hậu có tổ chức rộng rãi, là nguồn sức mạnh to lớn. Đây là lực lượng chính trị giữ vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ chính quyền nhân dân và độc lập, chủ quyền dân tộc.

Được chính quyền và mặt trận khuyến khích, động viên, nhân dân sôi nổi thực hiện chủ trương vũ trang toàn dân, xây dựng lực lượng. Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang bao gồm các đơn vị Giải phóng quân và tự vệ chiến đấu phát triển nhanh chóng. Tuy trang bị kém, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, nhưng các đơn vị này là công cụ đáng tin cậy bảo vệ chính quyền cách mạng.

Trong lịch sử, mỗi lần vận nước lâm nguy là một lần dân tộc Việt Nam quyết định một cách dũng cảm và đầy sáng tạo con đường tồn tại và phát triển của mình.

Lịch sử một lần nữa thử thách sức sống mãnh liệt của dân tộc ta: nền độc lập gần 100 năm tranh đấu mới giành được quyền tự do đang bị kẻ thù uy hiếp. Con đường nhân dân Việt Nam đã chọn là bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ lấy độc lập, tự do. Độc lập, tự do luôn luôn là khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta. 

Nhân dân ta đã chiến đấu hàng nghìn năm để giành độc lập cho Tổ quốc, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Mục tiêu phấn đấu đó là nhu cầu cao nhất của nhân dân ta. Nó vừa là lý tưởng chính trị nóng bỏng vừa là lý tưởng, đạo đức cao đẹp. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, hàng chục vạn nhân dân long trọng làm lễ tuyên thệ: "Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù phải chết cũng cam lòng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Độc lập, tự do là quý báu, quý giá vô ngần. Ta đã khổ sở đau đớn trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn bảo vệ
".

Độc lập và tự do gắn bó chặt chẽ với nhau. Nền độc lập của Tổ quốc không thể tách rời chế độ dân chủ cộng hòa, có bảo vệ được đất nước mới giữ được chế độ mới và tự do thực sự. Không giữ được chính quyền nhân dân thì không thể giữ được độc lập, tự do.

 
Đấu tranh giữ vững chính quyền Cách mạng non trẻ, kiên quyết bảo vệ độc lập (ảnh: baothaibinh.com.vn)
 

Quyết tâm sắt đá đó của nhân dân Việt Nam, đã được Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 – 15/8/1945 chỉ rõ: "Khẩu hiệu tranh đấu lớn lúc này là: Phản đối xâm lược! Hoàn toàn độc lập! Chính quyền nhân dân!".

Quyết giữ vững độc lập, tự do không chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan, mà còn là một quyết tâm khoa học, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại. 

Ngay từ Hội nghị Tân Trào, Đảng ta đã phân tích tình hình quốc tế, chỉ rõ những thuận lợi cơ bản của cách mạng thế giới và cách mạng nước ta: phát xít Đức, Ý, Nhật bị tiêu diệt, hệ thống tư bản bị yếu đi, ảnh hưởng của Liên Xô sau chiến tranh được mở rộng, phong trào độc lập dân tộc và đấu tranh đòi tự do, dân chủ phát triển mạnh mẽ.

Đảng nhận thấy những thuận lợi trên đây có tác động tới cuộc đấu tranh của nhân dân ta đến mức nào chủ yếu còn phụ thuộc vào thực lực của cách mạng Việt Nam. Trong hoàn cảnh bị bao vây bốn phía, Đảng dự đoán những tình huống khó khăn, phức tạp mà nhân dân ta phải đương đầu:

"Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương", "bọn Tưởng sắp tiếp quản miền Bắc, bọn Anh sắp tiếp quản miền Nam", "mâu thuẫn giữa Anh - Mỹ - Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh - Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương".

Đảng đề ra những chủ trương và phương châm cơ bản:

"Chính sách chúng ta là phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta"2. Vì vậy, "sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh - Pháp và Mỹ - Tàu về vấn đề Đông Dương là một điều ta cần lợi dụng".

Đối với quân Mỹ, Anh, Tàu vào nước ta thì:

"Tránh xung đột. Giao thiệp thân thiện

Tiêu cực đề kháng bằng cách vườn không nhà trống nếu họ xâm phạm đến quyền lợi của ta
".

Đảng quyết định chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chủ yếu của dân tộc là bọn thực dân phản động Pháp xâm lược.

Tháng 9 năm 1945 – Những sự kiện tiêu biểu

(GDVN) - Ngày 2/9/1945 lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. 70 năm qua, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình.

Trước việc quân Pháp theo gót quân Đồng minh vào nước ta, ngày 8/ 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi:

"Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa.

Hỡi đồng bào!

Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu
".

Nhờ có sự phân tích khoa học và dự đoán chính xác tình hình, nhân dân ta không bị bất ngờ trước âm mưu và hành động chống phá điên cuồng của đủ loại kẻ thù.

Trong khí thế sục sôi căm giận, nhân dân ta theo chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn bình tĩnh, tự tin, không để bị khiêu khích.

Hiểu rõ kẻ thù và có sách lược đối với từng tên là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản quyết định để đạp bằng trở ngại, khó khăn, giành thắng lợi là phải có sức mạnh, phải có thực lực. Sức mạnh đó bắt nguồn từ ý chí tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính. 

Sức mạnh đó được tạo ra và nhân lên từ chế độ mới, chế độ nhân dân lao động đứng lên làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong. Những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta đã giành được từ trước tới nay đều là kết quả của sự nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, ra sức xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch ngày càng có lợi cho ta.

Nhận định về khả năng quân Đồng minh kéo vào nước ta giải giáp quân Nhật, Đảng nhấn mạnh: "Ta có mạnh thì họ mới chịu "đếm xỉa đến". Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn Đồng minh của ta vậy".

Tại Hội nghị Tân Trào, Đảng lại khẳng định: "Chỉ có thực lực của ta mới quyết định sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh", đồng thời đề ra 10 nhiệm vụ cấp bách sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi: xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; vũ trang toàn dân, phát triển Giải phóng quân Việt Nam tịch thu tài sản của địch và Việt gian đem sung công hoặc chia cho dân nghèo; đặt lại các thứ thuế cho công bằng; ban bố các quyền tự do dân chủ; chia lại ruộng đất, giảm tô, ban bố Luật lao động; xây dựng nền kinh tế quốc dân; lập ngân hàng; xây dựng nền giáo dục và văn hóa mới; thân thiện, giao hảo với Đồng minh và các nước nhược điểm.

Tuy nhiên, chỉ ba tuần lễ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp - kẻ đầu hàng nhục nhã phát xít Nhật ở Đông Dương trước đây nay núp bóng quân Anh, trở lại xâm lược nước ta. Nhân dân ta một lần nữa phải đứng dậy vừa bảo vệ nền độc lập vừa kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, vừa đấu tranh chống thế lực phản động Trung Hoa dân quốc ở miền Bắc.

Tại Nam Bộ, quân Đồng minh đã có những hành động rất ngang ngược. Thể hiện:

Ngày 4/9/1945, Grê-xi, Tư lệnh sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh, trưởng phái bộ Đồng minh. Lúc này còn ở Căng-đi, vu cáo ta không giữ được trật tự và ra lệnh cho tư lệnh quân đội Nhật Bản ở Đông Nam Á đưa bảy tiểu đoàn từ các tỉnh Nam Bộ về Sài Gòn.Hành động láo xược trên của chúng đã gây công phẫn trong các tầng lớp nhân dân. 

22 giờ ngày 4/9, công nhân Sài Gòn kéo đến trụ sở Tổng Công đoàn Nam Bộ tổ chức mít tinh, biểu dương lực lượng và tuyên thệ: "Là chiến sĩ xung phong công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc: quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông".

Từ sau ngày 2/9, máy bay Đồng minh lượn trên thành phố Sài Gòn, rải truyền đơn nhằm gây hoang mang trong nhân dân.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời

(GDVN) - Cách mạng tháng 8 là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.

Ngày 6/9, phái bộ Anh gồm 30 sĩ quan, do một đại tá cầm đầu đến Sài Gòn. Tới nơi, phái bộ Anh ra lệnh cho quân Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố, đòi các lực lượng vũ trang cách mạng nộp vũ khí.

Dựa vào thế lực Anh và Pháp, bọn tờ-rốt-kít và tay sai Pháp cũng hoạt động gây rối chuẩn bị đón chủ cũ trở lại.

Ngày 10/9, viên trung tá Rô-i trong phái bộ Anh, đòi chiếm Nam Bộ phủ (tức trụ sở Ủy ban hành chính Nam Bộ - Từ ngày 10-9-1945, Ủy ban hành chính Nam Bộ đổi là Ủy ban nhân dân Nam Bộ do ông Phạm Văn Bạch giữ chức Chủ tịch, ông Trần Văn Giàu giữ chức Ủy trưởng quân sự). 

Ngày 11/9, Grê-xi đến Sài Gòn. 

Ngày 12, một lữ đoàn thuộc sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh đến nước ta. Đi theo quân Anh có một đại đội thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5eRIC), tiền trạm của đạo quân viễn chinh Pháp.

Tại Sài Gòn, bất chấp chủ quyền của ta, quân Anh hành động rất ngang ngược. Chúng lấy vũ khí của quân Nhật trang bị cho tù binh Pháp, dùng bọn này thay Nhật canh gác thêm một số nơi, đồng thời dung túng Pháp kiều khiêu khích ta, kéo cờ "tam tài" lên dinh toàn quyền cũ, làm lễ chào cờ... 

Ngày 13, quân Anh chiếm Nam Bộ phủ, cho xe chở quân Pháp chạy khắp các đường phố phô trương lực lượng.

Cùng lúc, bọn phản động tung ra những khẩu hiệu đả kích Ủy ban nhân dân Nam Bộ và Kỳ bộ Việt Minh. Dương Văn Giáo, Vũ Tam Anh, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chanh, Huỳnh Phú Sổ, Nguyễn Thị Sương, Hồ Vĩnh Ký... là những tên đầu sỏ đã bí mật họp ở Tân Bình bàn kế hoạch gây bạo loạn, đảo chính, âm mưu dựng lên một "chính phủ quốc gia liên hiệp" làm tay sai cho Pháp.

Ngày 14, Grê-xi thông cáo cấm nhân dân ta mang vũ khí và biểu tình.

Ngày 15, y ra lệnh tước vũ khí lực lượng vũ trang ta.

Ngày 17, y ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm, đình bản tất cả báo chí ở Nam Bộ.

Ngày 19, Xê-đin họp báo, tuyên bố: "Việt Minh không đại diện cho nhân dân Việt Nam và bất lực trong việc giữ gìn trật tự. Pháp có nhiệm vụ lập lại trật tự, sau đó sẽ thành lập chính phủ phù hợp với tuyên bố 24 tháng 3".

Ngày 20, phái bộ Anh tuyên bố giữ quyền kiểm soát Sài Gòn; đòi thả những người Pháp đang bị giam giữ; buộc quân ta rút khỏi thành phố, đòi đặt công an ta dưới quyền chỉ huy của chúng.

Ngày 21, Grê-xi ra lệnh thiết quân luật.

Ngày 22, sau khi quân Anh thả và trang bị vũ khí cho tù binh Pháp thuộc trung đoàn bộ binh thuộc số 11 (11eRIC) đang bị quân Nhật giam giữ. Xê-đin quyết định nhanh chóng đánh chiếm Sài Gòn. Lực lượng Pháp ở Sài Gòn lúc này có một đại đội thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5eRIC). 1.400 tù binh mới được thả ra và khoảng 500 Pháp kiều có vũ trang.

Dựa vào thế lực Anh và trên 5.000 lính Nhật, đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa.

Từ khi quân Anh kéo vào, quân dân Nam Bộ nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, tránh xung đột vũ trang với quân Anh vì họ là Đồng minh có nhiệm vụ giải giáp quân Nhật bại trận. 

Các đơn vị bộ đội tập trung được lệnh rút ra ngoại ô. Trong thành phố chỉ còn lực lượng tự vệ của công đoàn. Ủy ban nhân dân Nam Bộ gấp rút chuẩn bị chiến đấu, tổ chức lực lượng sơ tán nhân dân nội thành, di chuyển máy móc và những phương tiện cần thiết, lập đài vô tuyến điện dự bị. Các cơ quan dời đến địa điểm bí mật.

Sáng ngày 23/9, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ họp hội nghị tại đường Cây Mai (Chợ Lớn). Đồng chí Hoàng Quốc Việt (đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu phái đoàn của Tổng bộ Việt Minh vào Sài Gòn ngày 27/8/1945) thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Lúc này, không khí Sài Gòn căng hẳng đến cực độ. Công nhân, học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang kiên quyết đòi đánh. Nhân dân toàn thành chờ đợi mệnh lệnh chiến đấu.

Trong hội nghị, có hai ý kiến: một là chưa đánh ngay mà nên "tiêu cực đề kháng đối với Đồng minh", hai là kiên quyết đánh, dù cho Pháp được che chở. Cuối cùng, hội nghị đi đến nhất trí huy động toàn dân kháng chiến cứu nước.

Xứ ủy điện báo cáo quyết tâm lên Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời:

"Chúng tôi đã:

1. Lập Ủy ban kháng chiến để lo việc quân sự.

2. Hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với người Pháp.

3. Truyền đi lục tỉnh thi hành kế hoạch phá hoại đường giao thông tiếp quản để bao vây quân địch
". (Trích Tuyên cáo quốc dân của Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Báo Cứu quốc, ngày 29/9/1945)

Đồng thời lệnh cho các lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu. 

Nhận được điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Bắc Bộ phủ, nhất trí với quyết tâm của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Hội nghị hạ quyết tâm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập, tự do và kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ, Thường vụ Trung ương Đảng còn quyết định thành lập những đơn vị Nam tiến.

Đây là một quyết định chiến lược kịp thời và đúng đắn của Đảng, biểu thị ý chí kiên quyết chống xâm lược, bảo vệ độc lập của Tổ quốc, thể hiện quyết tâm giữ vững chính quyền cách mạng. Quyết định này đáp ứng kịp thời nguyện vọng nóng bỏng của quân dân cả nước, sẵn sàng đánh trả quân thù, thà chết không chịu trở lại đời nô lệ.

Thời cơ đã đến, những quyết định lịch sử trọng đại trong CMT8/1945

(GDVN) - Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chúng ta cùng nhớ lại một số sự kiện lịch sử trọng đại tháng 8/1945.

Cùng ngày, chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng đã chuyển đến Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. 

Ngày 24/9, Chính phủ lâm thời gửi Huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ.

Ngày 26/ 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi:

"Hỡi đồng bào Nam Bộ!

Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại.

Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa.

Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: "Thà chết tự do hơn sống nô lệ".

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. 

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng.

Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam Bộ một lời: "Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng.

Phải làm cho thế giới, trước hết là cho dân Pháp biết rằng chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu của nhân dân ta là độc lập, tự do. Người nêu cao tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến và khẳng định dựa vào sức mạnh toàn dân, dựa vào sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, thắng lợi cuối cùng nhất định thuộc về nhân dân ta.

Chấp hành Huấn luyện của Chính phủ, đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân dân Sài Gòn nhất tề đứng lên đánh giặc, mở ra trang sử mới vô cùng oanh liệt của dân tộc ta.

Máu chảy ruột mềm, cả nước hướng về tiền tuyến, sẵn sàng làm hết sức mình vì miền Nam thân yêu.

Ngày 23/9/1945: Đồng bào Nam Bộ bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 26/9/1945: Qua đài phát thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ít lâu sau xuất hiện khẩu hiệu "Chiến đấu để bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh" và từ đó thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn được mang tên mới quang vinh: Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân được đặc biệt coi trọng. Đảng bố trí cán bộ, đảng viên phụ trách những cơ quan chủ yếu của Ủy ban nhân dân các cấp.

Từ tháng 11/1945, Trung ương Đảng quyết định tổ chức chi bộ trong các cơ quan hành chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm giáo dục đạo đức và tác phong cho cán bộ, nhân viên làm công tác chính quyền. 

Tháng 10 năm 1945, Người viết thư gửi cán bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện và xã, nghiêm khắc phê phán thái độ "làm quan cách mạng" của một số cán bộ, nhắc nhở cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân"; "việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho nhân dân ta phải hết sức tránh. 

Đây là một bài học sâu sắc, giáo dục quan điểm phục vụ nhân dân và đạo đức cách mạng cho cán bộ các cấp. Tháng 11 năm 1945, Đảng chủ trương cải tổ bộ máy chính quyền, thanh trừng những phần tử xấu trong các Ủy ban nhân dân.

Ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời công bố sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước và ngày 20/9, ra sắc lệnh thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm bảy người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. 

Sắc lệnh Tổng tuyển cử ban hành sớm để động viên mạnh mẽ toàn dân hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện quyền làm chủ. Mặc dầu các thế lực phản động ra sức phá hoại, toàn dân vẫn sôi nổi chuẩn bị Tổng tuyển cử.

Ngày 6/1/1946 là ngày hội lớn của toàn dân. Những công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi nô nức đi bỏ phiếu. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta được sử dụng quyền bầu cử là quyền dân chủ thiêng liêng nhất. Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, trung bình là 89%, nhiều nơi đạt 100%. 

Trong những khu vực có chiến tranh, vùng địch tạm chiếm, cuộc bỏ phiếu vẫn được tiến hành. Tại Sài Gòn, 42 cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận động bầu cử.

Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc dân Đại hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng chiếm 87%, có 10 đại biểu là phụ nữ, 34 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số.

Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta thực sự là một cuộc vận động viên chính trị rộng lớn và sâu sắc, biểu thị sức mạnh đoàn kết và quyết tâm làm chủ đất nước của nhân dân ta. Nó tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ ta, đồng thời góp phần làm tăng thêm uy tín quốc tế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tổng tuyển cử thắng lợi, Chính phủ ta gửi ngay điện văn đến các vị đứng đầu Nhà nước Liên Xô, Mỹ, Trung Hoa và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp quốc, các đại diện Liên Xô, Mỹ, Trung Hoa tại Hội đồng Liên Hiệp quốc để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam.

Đại tá Đặng Việt Thủy
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dau-tranh-giu-vung-chinh-quyen-Cach-mang-non-tre-kien-quyet-bao-ve-doc-lap-post161242.gd

  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65101277

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July