Khi màn đêm buông xuống, Di sản Văn hóa Thế giới phố cổ Hội An trở nên lung linh huyền ảo trong muôn vạn ánh đèn lồng. Thoảng đâu đó trong đêm, điệu hò xứ Quảng của những người con gái phố Hội đằm thắm vang lên như níu giữ đôi chân du khách.
Đêm phố Hội bao giờ cũng sâu lắng, gợi cho du khách cái cảm giác thanh bình, ấm cúng, gần gũi như đang đi giữa chốn quê nhà của một thời xưa cũ.
Đêm phố Hội lung linh muôn ánh đèn màu
|
Một quán ăn nhỏ ấm cúng bên hè phố
|
Dọc theo các tuyến phố nhỏ, những ngôi nhà cổ với dãy đèn lồng treo cao trước cửa ra vào hắt ra mặt đường thứ ánh sáng đỏ hoặc vàng ấm áp. Các cửa hiệu bày bán nhiều món đồ lưu niệm mang đặc trưng của người phố Hội như đèn lồng vải, đồ may mặc bằng lụa, tò he đất nung, đồ thủ công mĩ nghệ bằng mây tre đan, đồng, gỗ…
Trên hè phố, dưới mái hiên nhà phủ bóng những giàn hoa giấy là các quán nhỏ bán cà phê hoặc đồ ăn tối. Trong quán, du khách thảnh thơi, nhàn nhã ngồi thưởng thức một tô mì Quảng nổi tiếng của xứ Quảng Nam hoặc cùng nhau nhâm nhi li cà phê thơm lừng trong tiếng nhạc nhè nhẹ vang lên và ánh nến vàng lung linh luôn nhảy nhót ở trên bàn.
Đường phố về đêm lúc nào cũng đông người qua lại, nhưng tịnh không ồn ào, náo nhiệt như ở những điểm du lịch khác. Mọi người ai cũng chậm rãi, thư thái dạo bước nhìn ngắm phố phường như để được tận hưởng cái không khí thanh bình, êm ả đang chầm chậm trôi đi theo thời gian trong đêm phố cổ.
Một ngôi nhà cổ rực rỡ trong ánh đèn lồng
|
Một gánh bài chòi về đêm ở phố Hội
|
Đêm ở phố Hội đẹp nhất vẫn là các tuyến phố dọc hai bên bờ sông Hoài. Càng về đêm, con sông càng thêm rực rỡ, lung linh, huyền ảo bởi ánh đèn lồng từ những dãy phố nằm hai bên bờ sông hắt bóng xuống dòng sông. Bên bờ sông Hoài, tiếng hát từ gánh bài chòi vang lên càng lúc càng rộn ràng như cuốn hút, thôi thúc du khách phải dừng chân ghé lại xem những trò chơi vui nhộn đậm chất dân gian và tài hát đối đáp của các cặp đôi nam nữ. Xa hơn một chút về phía gần Chùa Cầu, nhiều người đang đi tản bộ bỗng dừng chân đứng lại để lắng nghe những làn điệu dân ca mượt mà do chính các chàng trai, cô gái phố Hội trình diễn phục vụ du khách ngay trên hè phố. Cách đó một quãng không xa là lớp học hát dân ca dành cho các cháu nhỏ. Bên trong ô cửa sổ, dưới ánh đèn vàng, khoảng chục cháu nhỏ đang ngồi ngay ngắn tập hát dân ca, miệng đứa nào đứa nấy xoe tròn như những chú chim non đang líu lo tập hót trông thật đáng yêu.
Đến với phố Hội hôm nay, du khách còn có cơ hội được thưởng thức một chuyến du thuyền nghe hát dân ca vào ban đêm trên sông Hoài. Trên con thuyền gỗ lặng lờ trôi trên dòng sông hiu hiu gió thổi, dưới ánh đèn vàng dìu dịu hắt ra từ ngọn đèn bão treo trên thân cột buồm, du khách ngồi tựa mình vào mạn thuyền, nghe các cô gái ngâm nga những điệu hò xứ Quảng. Tiếng hát mộc mạc không trang âm cứ thế nhè nhẹ ngân nga lan tỏa giữa dòng sông đêm như đưa tâm hồn người nghe trở về với một thời quá vãng.
Du thuyền trên sông Hoài
|
Du khách nước ngoài ngắm đèn lồng Hội An
|
Đặc biệt, cứ thành thông lệ, vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, mọi sinh hoạt của người dân đô thị cổ này lại có dịp được quay trở về với tập quán của hơn 300 năm trước, đó là nhà nào cũng tắt hết đèn điện và trước hiên nhà treo những ngọn đèn lồng lung linh, huyền ảo. Trong không gian yên tĩnh của đêm rằm, phố Hội như đẹp hơn dưới ánh trăng vàng đổ bóng xuống mái ngói rêu phong. Và mùi hương trầm thơm ngát tỏa ra từ những mâm cỗ cúng rằm bày dưới mái hiên nhà càng làm cho không khí đêm rằm phố Hội thêm đượm màu lung linh, huyền diệu.
Đã mấy trăm năm trôi qua nhưng Hội An hôm nay vẫn giữ được cho mình bóng dáng của một cảng thị phồn vinh của thuở nào. Và quan trọng hơn, trong cái không gian kiến trúc đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ấy, con người phố Hội bây giờ vẫn mộc mạc, đằm thắm và nền nếp như xưa, tựa như cuộc sống ồn ào của thời hiện đại vẫn không làm cho nếp sống của họ mảy may thay đổi, dù chỉ là trong suy nghĩ./.
(Theo BAVN)