Kỳ ức thời hoa lửa
Chuyến xe xuất phát ở quảng trường Hồ Chí Minh, đưa gần 500 cựu chiến binh chiến trường Trị - Thiên (B4-B5) ngược về quá khứ. Chuyến xe đầy ắp những kỉ niệm, cảm xúc của những đau thương, gian khổ, hi sinh và cả niềm vui chiến thắng. Dường như trên chặng đường về với chiến trường sinh tử, ai cũng muốn góp một câu chuyện ngược thời gian 40 năm trước.
Ngày đó, chiến trường B4 - B5 không thể nói hết sự ác liệt. Năm 1972, thành cổ Quảng Trị được mệnh danh là "cối xay thịt người". Dòng Thạch Hãn – giới tuyến giữa vùng địch hậu và vùng tạm chiếm trở thành con sông máu. Nước Thạch Hãn cuộn đỏ những uất hận, căm thù.
Quá khứ hào hùng, oanh liệt tái hiện qua những khúc quân hành.
“Ngày đó, ở Thành cổ Quảng Trị, mỗi khe nước là một khe máu. Bao nhiêu người lính đã ngã xuống, máu nhuộm đỏ đất, đỏ nước, đỏ trời. Với khối lượng bom đạn khổng lồ địch trút xuống Thành cổ tưởng chừng như không có gì sống sót được”, cựu chiến binh Phan Bá Ngọc (Tp Vinh, Nghệ An) nhớ lại.
Trong 81 ngày đêm giữ Thành Cổ, nhiều, rất nhiều đồng đội của ông Trợ đã mãi mãi nằm xuống. Một cái chết khốc liệt!
Ngày đó, sự tàn khốc của chiến tranh không chỉ tính bằng số bom đạn của quân thù trút lên thành cổ. Không thể tính bằng số người hi sinh. Không thể tính bằng nước mắt của những người sống sót... Khi đó dường như chỉ có những đôi mắt cạn khô tìm từng mảnh thi thể của đồng đội. Nước mắt đã chảy ngược vào trong.
Những câu chuyện kể mà nếu không trực tiếp ở vào thời khắc lịch sử ấy, chắc hẳn chẳng ai có thể tin nổi. Những cái chết – sự hi sinh mà không sử sách nào có thể ghi lại bởi quá đau đớn, quá tàn khốc. Người lính ngày đó, cả đại đội chia nhau một bát gạo nấu cháo loãng cầm hơi, chia nhau một nắm rau tàu bay, một nắm môn thục hay nắm dương xỉ khi gạo hết. Và họ - những người đồng đội chung chiến hào ngày ấy chia nhau cả cái chết, dữ dội nhưng hiên ngang.
Những cựu chiến binh chiến trường B4 - B5 ngày gặp lại sau 40 năm.
Câu chuyện của cựu chiến binh Thái Thị Thành (quê Hải Lăng, Quảng Trị) khiến những người đã trải qua khốc liệt chiến tranh không khỏi bàng hoàng bởi nó quá đau đớn. Nỗi đau riêng nhưng cũng là nỗi đau chung của những người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Trị - Thiên.
7 người anh em trong gia đình chị Thành đều thoát ly theo cách mạng từ sớm, người 16 tuổi, người mới 14 tuổi. Chỉ trong vòng 4 năm (1969 – 1972), 3 người anh em trai, 1 người em gái và 1 người cháu ruột hi sinh. Nén nỗi đau vào trong, bà Nguyễn Thị Quyên – người mẹ của 7 đứa con ấy - vẫn kiên cường giữa lòng địch khi chúng liên tục gây sức ép và sử dụng mọi chiêu bài dụ dỗ. Không khuất phục được mẹ, chúng đã bắt mẹ và người con dâu – cũng là cơ sở cách mạng giam cầm trong nhà lao.
Những nữ đồng đội của chiến trường Trị - Thiên khói lửa năm xưa.
Người phụ nữ ấy đã sống đi chết lại giữa giằng xé tinh thần và nỗi đau thể xác. Nhưng bà đã không giữ đứa con nào ở lại bên mình, dẫu biết, nếu đã đi vào cuộc chiến có thể tất cả đều sẽ không trở về. 4 người con của mẹ nằm lại giữa chiến trường, 3 người còn lại trở về với cơ thể mang những vết thương. Mẹ Phan Thị Quyên và người con dâu đều được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đau đáu nỗi đau
Xe chạy qua Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng (Quảng Trị), những cựu chiến binh Sư 320 vươn qua cửa kính. “Đồng đội ơi…!”. Tiếng gọi như tắc nghẹn. Phần lớn liệt sỹ Sư đoàn 320 hi sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã được quy tập về đây. “Mỗi đứa một quê nhưng sống chết có nhau, giờ không nỡ chia cắt chúng nó”, ông Lê Văn Viện (Quỳnh Lưu, Nghệ An) – người lính Sư đoàn 320 tâm sự.
Trong Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), những nấm mồ san sát nhau. Những người lính ra trận cùng tư thế, chung lý tưởng. Khi ngã xuống, những ngôi mộ chí cũng giống nhau. Những người con từ muôn phương đã chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Những dòng chữ “chưa biết tên” như buốt nhói tâm can người khác. Các chú, các anh nằm lại với mảnh đất này khi còn quá trẻ, mới 18 đôi mươi, nhiều người trong số họ chưa một lần được nắm tay người con gái nào khác ngoài mẹ của mình.
Cựu chiến binh Phan Hồng Sâm bên phần mộ người em ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9.
Bước giữa những hàng mộ chí san sát nhau, cựu chiến binh Phan Hồng Sâm (Đông Hưng, Thái Binh) không ngừng dõi mắt tìm kiếm. Đôi chân người chiến binh khựng lại, ông quỳ thụp xuống trước ngôi mộ số 052 – liệt sỹ Phạm Văn Hạnh. Mân mê từng dòng chữ trên mộ chí, ông đã khóc. Người nằm dưới mộ kia là em ông nhưng bao nhiêu năm rồi ông mới có thể đến thắp cho em nén hương. Một người em khác của ông cũng nằm lại ở nghĩa trang liệt sỹ Bình Dương chưa về.
Không may mắn như cựu chiến binh Phan Hồng Sâm, quãng thời gian đoàn dừng lại ở Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 không đủ để cựu chiến binh Đinh Xuân Tam (Vĩnh Phúc) tìm thấy phần mộ chí của liệt sỹ Lê Văn Thạnh – đồng đội ông ngày trước. Một phần thân thể ông Tam để lại ở chiến trường Trị - Thiên. Với chiếc nạng, ông tấp tểnh đi giữa những đồng đội cũ nhưng vẫn không thể tìm thấy người cần tìm.
Cựu chiến binh Đinh Xuân Tam và nỗi buồn nặng trĩu khi không tìm thấy phần mộ của đồng đội cũ.
“Tháng 6/1969, chỉ trong một đêm, gần 500 đồng đội tôi đã hi sinh. Chiến tranh kết thúc, tôi trở về quê. 40 năm rồi mới trở lại mảnh đất này. Chỉ nghe nói Thạnh được quy tập về đây nhưng rồi lại lỡ hẹn với nó”, người cựu binh đã vào sinh ra tử chực khóc. Tiếng còi xe thúc gọi, ông phải bỏ dở tâm nguyện của mình. Đôi vai người lính trĩu xuống – một nỗi buồn đau đáu suốt 40 năm.
40 năm rồi, Thành cổ đã hồi sinh. Những cỏ non, những hoa mua, hoa sim đã phủ lấp những hố bom, hố đạn. Dưới những cánh hoa ấy là những xương, những thịt người lính đã hòa vào đất, chắt chiu nhựa sống dẫu không còn nguyên vẹn hình hài.
Hoàng Lam
http://dantri.com.vn/chinh-tri/40-nam-va-hanh-trinh-tim-ve-qua-khu-1046632.htm