Dưới đây là những "thiên đường" dưới lòng đất ở Việt Nam nổi tiếng Thế giới:
1. Hang Sơn Đoòng
Sơn Đoòng được xem là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, thuộc nquần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng ở miền Trung Việt Nam, có tổng diện tích 85.754 ha, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới.
Ảnh N.G.
Hang động do Hồ Khanh, người dân địa phương tìm ra và hướng dẫn đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tìm tới vào năm 2009 và chính ông cũng đã đặt tên cho hang động này.
Ảnh N.G.
Trong lần khám phá lại gần đây nhất, các nhà khoa học xác nhận rằng, Sơn Đoòng dài ít nhất 8,5 km, cao 200m, có nơi có thể lên đến 250 m. Trong vòm hang cao 200m, quang cảnh cực kỳ tráng lệ. Với những hình ảnh về vườn địa đàng trong lòng hang, bức tường thạch nhũ khổng lồ hay bộ sưu tập “ngọc trai” hàng vạn năm tuổi, người xem đã phải sửng sốt với sự kì vĩ đến khó tin của hang Sơn Đoòng.
Ảnh N.G.
Với kích thước này, hang Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia, với chiều cao 100m, rộng 90m, dài 2 km... để chiếm vị trí hang động tự nhiên lớn nhất Thế giới .
2. Vịnh Hạ Long
Là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long (vịnh nơi rồng đáp xuống) bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn.
Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên Thế giới. Lần một vào ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được công nhận về giá trị thẩm mỹ. Ngày 2/12/2000, vịnh được công nhận về giá trị địa chất, địa mạo. Vịnh có bờ biển dài 120 km, rộng 1.553 km2 với 1.969 hòn đảo nhỏ. Một số đảo rỗng với các hang động lớn, các đảo khác là nơi sinh sống của ngư dân. Nơi đây có đến 200 loài cá và 450 loại động vật thân mềm.
Điểm đặc trưng nữa của vịnh Hạ Long là sự phong phú của các hồ bên trong hòn đảo đá vôi, ví dụ đảo Đầu Bê có đến 6 hồ nước.
Vào tháng 11/2011, vịnh Hạ Long cùng với rừng Amazon ở Nam Mỹ, thác nước Iguazu ở Argentina và Brazin, đảo Jeju của Hàn Quốc, sông ngầm vườn quốc gia Puerto Princesa của Philippines, đảo Komodo thuộc Indonesia và núi Table của Nam Phi, đã lọt vào top 7 kỳ quan thiên nhiên Thế giới mới, theo bình chọn của Tổ chức New7Wonders.
3. Địa đạo Củ Chi
Là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách TP HCM 70 km về hướng tây bắc, hệ thống địa đạo Củ Chi được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
Công trình bắt đầu được thực hiện từ năm 1940, bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến thời người dân địa phương chống Pháp và Mỹ.
Theo Wackyworld, địa đạo Củ Chi được công nhận là một trong 5 đường hầm lạ nhất thế giới cùng với đường hầm xuyên biển Manche, nối Anh với Pháp và đường hầm qua vịnh Tokyo, Nhật.
Trong những năm gần đây, mê cung khổng lồ dưới đất tại Việt Nam này trở thành một điểm du lịch rất được ưa chuộng với những du khách quốc tế đến TP HCM. "“Chuyến đi tới thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam là một hành trình khó quên, tìm về sự kiện lịch sử làm thay đổi vận mệnh một dân tộc, và cả suy nghĩ trong tôi nữa.
Với chi phí chỉ khoảng 400.000VND đồng, địa đạo Củ Chi chắc chắn là nơi hào phóng dành tặng du khách nhiều điều thú vị", một phóng viên Brunei đã viết trên tờ The Brunei Times hồi tháng 11/2011.
Cũng theo phóng viên này, anh thực sự bị ấn tượng với địa đạo Củ Chi. Chuyến đi đã giúp anh hiểu biết thêm rất nhiều ngoài những bài học lịch sử thời tiểu học và trung học. Anh đã biết người Việt Nam làm gì để hạ được máy bay chiến đấu Mỹ, rồi lại dùng chính mảnh vụn xác máy bay để chế tạo bom và vũ khí và sử dụng những chiến lược thông minh để giành chiến thắng...