ảnh minh họa
Tôi nhớ có một câu nói như thế này: Mỗi người già là một kho truyện cổ tích. Cũng phải thôi, từng ấy năm sống trên đời, ngắm nhìn cuộc sống đổi thay, trải qua bao cuộc biến đổi, những sự thăng trầm, mỗi người ít nhiều cũng giữ lại cho mình những câu chuyện, những dư vị của ngày tháng đã cũ. Chính vì thế, khi tìm kiếm một đề tài nhân dịp 60 năm giải phóng Thủ Đô, chúng tôi đã chẳng thể nghĩ ra một đề tài nào ý nghĩa hơn là câu chuyện của chính những người đã sống qua những ngày tháng đó.
Lần lượt, Hà Nội những ngày sau giải phóng hiện lên chân thực hơn qua lời kể của từng cụ. Có cụ bồi hồi nhớ lại khung cảnh rực rỡ của cái ngày vinh quang ấy, có cụ lại đưa ta về với những ngày hồ Gươm, Hà Nội vẫn còn thanh vắng và đơn sơ. Những mẩu chuyện chắp nối từ dòng ký ức vẽ lên một bức tranh bình yên, hạnh phúc và tràn đầy hy vọng của Hà Nội xưa, và sự lạc quan, trái tim nhiệt huyết của những người thanh niên ngày ấy.
Ông Mai Nam, nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu của làng nhiếp ảnh Việt Nam và là người đã từng chụp rất nhiều bức hình cho Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chia sẻ: “Hà Nội sau ngày giải phóng vui lắm. Bộ đội và thanh niên xung phong tiếp quản thủ đô, đi đến từng khu phố, vận động thanh niên hát, nhảy múa, vui chơi ở các tụ điểm ăn mừng chiến thắng. Đến ngày mùng 1 tháng Giêng năm 55, thành phố tổ chức mít tinh ở quảng trường Ba Đình, đón Bác Hồ và các lãnh đạo về thủ đô. Đường phố hôm đó rợp cờ hoa rất vui. Người ta làm một cái lễ đài theo kiểu cổng đình bằng gỗ, Bác Hồ đứng ở trên, vừa bước lên lễ đài thì hàng mấy vạn người reo lên: Hồ Chủ Tịch muôn năm. Ngày ấy vui lắm, lần đầu tiên Hà Nội có một cuộc mít tinh lớn như vậy.”
Ông hoài niệm: “Cái ông nhớ nhất ở Hà Nội ngày xưa là tàu điện, bây giờ không có nữa. Ngày xưa lên tàu điện chỉ có mấy hào thôi mà đi từ Bờ Hồ xuống chợ Mơ, bờ hồ xuống Hà Đông. Sau này, người ta bỏ tàu điện, cho chạy bằng tàu bánh lốp, rồi về sau nữa người ta thấy bất tiện nên bỏ luôn. Bây giờ thì người ta đi xe bus rồi”.Cụ Vấn, một cụ ông đẹp lão mà chúng tôi bắt gặp ven hồ Gươm, năm nay đã 99 tuổi. Cụ bồi hồi kể lại cái ngày xưa khi mình cùng đoàn quân tiến vào thành phố, chắp nối những kỷ niệm còn sót lại: “Ngày ông cùng đồng đội tiến về Thủ Đô, nhân dân cờ hoa đón tiếp rộn ràng, cảm thấy vui lắm. Lúc ấy, ông đứng trên ô tô, đặt súng phía trước, áo quần không được đẹp. Vào thành phố rồi thấy ai cũng ăn mặc đẹp như tiên, cô nào cũng mặc áo dài.”
Cũng mang những kỷ niệm về ngày giải phóng, một cụ ông 85 tuổi giấu tên vẽ lên một bức tranh nhiều màu hơn về cái ngày vinh quanh ấy: “Hôm đấy vui lắm, cờ rong trống mở, toàn dân phấn khởi, nhà nào cũng may sẵn cờ đỏ sao vàng. Dân chúng ùa ra hết các cửa ô để đón, rồi vừa phất cờ vừa hát, vừa reo: Hoan hô đoàn quân tiến về”.Miên man với dòng hoài niệm, ông kể lại về những ngày xưa khi Hà Nội còn là một thành phố thanh bình, tĩnh lặng: "Hồi nhỏ, hồ Gươm bé lắm, không rộng như bây giờ đâu. Chung quanh hồ không có cây, con đường cũng nhỏ, lát gạch đỏ. Cái tòa nhà to to đằng kia hồi xưa là cái vườn hoa thôi, gọi là Khai trí chiến đức, là nơi tụ hội của những trí tuệ lão thành, những nhà văn, nhà thơ. Ngày ấy, cầu Thê Húc không đẹp như thế này đâu, chỉ là cái cầu gỗ thôi. Tết nhất ông mới ra đó hội hè chứ ngày thường thì không. Bây giờ thành phố phát triển lên nhiều lắm, đèn sáng, nhà cửa khang trang. Tối nào ở bờ Hồ này cũng chăng đèn đấy cháu ạ. Ông thích bây giờ hơn ngày xưa nhiều lắm”.
Chúng tôi còn tình cờ gặp được một nhạc sĩ, cụ tên là Bách Lân, năm nay 71 tuổi nhà ở Hàng Bồ. Cụ hào hứng kể lại: “Ông từng sáng tác một bài hát về hồ Gươm đấy. Ngày xưa ở hồ Gươm này không có nhiều hoa như bây giờ đâu, đường là đường đất thôi. Ở đằng kia, đến giờ này thường có đàn cò bay trên mặt hồ, rồi rùa cũng hay nổi lên nữa. Mà nhé, ngày xưa, ông ở gần nhà cụ Bùi Xuân Phái đấy, cụ Phái hay rủ cụ đi uống cafe cùng”.
Cụ Bách Lân (ngoài cùng bên trái).
Cụ Nguyễn Chí Tảo, năm nay 81 tuổi, đưa chúng tôi quay lại những ngày bình yên với câu chuyện tình “ngày xưa” của mình: “Phố xá ngày xưa rất vắng, nhà ông có 3 anh em, hay đi chơi, đùa nghịch bấm chuông cửa nhà người ta rồi chạy thẳng. Lớn lên, ông tìm hiểu một cô. Ngày ấy ở Hà Nội có tổ chức một hội chợ, hai người đi ra đấy, cứ đi cạnh nhau nhưng không dám nắm tay. Mà ngày xưa Hà Nội vắng, thanh bình lắm cháu ạ. Ra đường không ai dám mặc quần áo ngắn đâu. Ai cũng mặc áo tứ thân, cô bán hàng cơm mang đòn gánh cong.”
Được mệnh danh là Vua hồ Gươm do có nhiều tác phẩm chụp về hồ Gươm, cụ Nguyễn Tấn Vinh, năm nay 82 tuổi, bồi hồi chia sẻ rằng những kỷ niệm đẹp nhất của cụ đều gắn với nơi này: “Kỷ niệm đẹp nhất với ông là ở hồ Gươm. Ở đó, vào ngày rằm tháng 8 đầu tiên khi khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1945, ông vinh dự được chọn tham gia trò chơi đánh trận giả do nhà nước tổ chức. Hồ Gươm cũng là nơi ông được gặp bác gái và ngỏ lời yêu.”