Vua đầm Hai Hùng
Phóng khoáng Thị Tường
Cao cỡ thước tám, vạm vỡ, da ngăm đen, hàm râu mép tôn khuôn mặt thêm góc cạnh; dáng đi nhanh nhẹn mạnh mẽ, dứt khoát… Tướng tinh của “chả” khiến người đối diện liên tưởng ngay đến một mẫu người từng nếm đủ mùi gió sương cuộc đời. “Cha này mà lên cinema là ăn hình, “lẫm liệt” lắm nha”. Cả nhóm nhà văn xoay quanh chớp hình, cố bắt cho được cái phong khí “Miền Tây hoang dã” khi “gã” đội nón phớt tay chống nạnh, tay giơ cao cái dó đựng đầy rạm giữa đầm nước mênh mông này.
Đó là “Vua đầm” Hai Hùng (Nguyễn Văn Hùng), mới ngoài 40 tuổi nhưng đã sống trên đầm hơn 20 năm rồi. Căn nhà của Hai Hùng rộng như nhà rông cao nguyên, có thể đổ bộ cả trung đội mấy chục người. Mái lợp lá dừa nước, vách lửng ngậm gió bốn phương; ti vi, tủ lạnh đủ cả… “Xong rồi. Nhập trận thôi. Long ơi mày chạy ghe ra rước chú Bảy, chú Sáu vô chơi”, Hai Hùng la lớn. “Trận địa” được dọn ngay xuống sàn nhà, sắp dài hơn 2m; đồ mồi “cây nhà lá vườn” nhưng quá “ác liệt”, toàn cua, ghẹ, cá, sò… Cua xứ này chắc nịch, ngọt lịm, gạch vàng sậm; ghẹ rang me thấm đậm cái vị chua chua ngọt ngọt... Hũ rượu thuốc to đùng, cao nghệu của Hai Hùng cứ sụt dần, sụt dần nhưng sự kỳ thú của đầm Thị Tường lại mở ra, đầy háo hức.
Hai Hùng chỉ vào đĩa tôm tích lăn bột vàng rộm nói loại nhỏ này bán cũng không ai mua, loại nhất cũng chỉ 120.000 - 130.000 đồng/kg mà phải có gạch mới ăn. Họ thường nướng muối ớt hoặc luộc, lột vỏ quấn bánh tráng. Có khi “dội hàng” ghẹ giá chỉ 20.000 đồng/kg, cua 60.000 đồng/kg; tôm thẻ, cá ngác chỉ hơn 100.000 đồng/kg. Cá đối, cá chai thả câu là cắn, lịch huyết không đâu bằng đầm… “Chuyển tông nha. Chơi rượu mật ong cho khỏe bụng”, Hai Hùng nghiêng hũ rượu mật ong rót cái thứ nước vàng sánh, thơm lừng ra ca nhựa lớn.
“Ngày trước cá tôm trong đầm vô kể, chèo từ bên này sang bên kia đầm, cá đã ngập xuồng, cỡ 100 - 200kg. “Thời kháng chiến đàng mình sống được cũng nhờ lộc trong đầm”, chú Bảy Thân (Huỳnh Văn Thân), 70 tuổi, hàng xóm của Hai Hùng, góp chuyện. Mỗi ngày gia đình Hai Hùng thu hoạch lai rai “cũng ngoài bốn, năm trăm ngàn”, khỏe re. Mỗi năm riêng cá ngác có hộ cũng thu hoạch khoảng 10 tấn. Chỉ 30 cái lú trong 1 đêm cũng được 60kg cá tôm, có nhà một lần giở dó, lú thu về hàng chục triệu đồng...
Truyền thuyết bà Tường có tật ở chân nhưng rất giỏi võ nghệ, được cha cử đi giữ và khai thác đầm lớn mà sau này trở thành địa danh đầm Thị Tường/Bà Tường. Đầm Thị Tường, “biển hồ Nam bộ” nằm trên phần đất của các huyện Phú Tân (chủ yếu), Cái Nước và Trần Văn Thời có diện tích đến 700ha với chiều dài hơn 10km, bề ngang gần 2km. “Nơi đây chỉ cách cửa biển sông Đốc khoảng 20km, cách cửa Bảy Háp hơn 40km; ăn thông ra vịnh Thái Lan bởi con sông Mỹ Bình dài trên 10km, lại nối thẳng ra vàm Cái Đôi, trung tâm huyện lỵ Phú Tân.
Là vùng nước lợ nên tôm sú, cua, rẹm, cá, tôm sinh sôi, phát triển rất nhiều. Cua tượng trứng lội ra biển đẻ con xong lội về. Lái vào tận đầm mua hàng rồi chở đi tứ xứ, ra cả Hà Nội hay lên TPHCM bằng máy bay…”, Hai Hùng giải thích sự hào hiệp của đầm Thị Tường.
Một thời liệt oanh
“Đến lượt ông nè”, chú Bảy Thân, nguyên cán bộ bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy Cà Mau, chuyền ly rượu cho anh Út Thâm (Huỳnh Chí Thâm), Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Phú Tân, rồi giới thiệu: “Ông này lỳ lắm, mới 19 tuổi đã là xã đội trưởng đó.
Vùng này hồi trước hoang vu cỏ dại, đi lại rất hiểm trở, đầm lớn nhưng cạn (trên dưới 1m) tàu chiến không thể vô được và có đường thoát ra biển hoặc các địa bàn kế bên. Vì vậy ta chọn làm khu căn cứ Tỉnh ủy”, chú Bảy Thân nói vậy. Căn cứ Xẻo Đước (ấp Xẻo Đước - xã Phú Mỹ - Phú Tân) còn là nơi đứng chân của Khu ủy và Trung ương Cục miền Nam thời “chín năm” và cả những năm chống Mỹ. Trong khu căn cứ có hội trường, nhà làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy, bộ phận cơ yếu, đội bảo vệ Tỉnh ủy, hầm bí mật, nhà bếp, giếng nước…
“Giữa năm 1970, Quân khu 9 bế giảng khóa huấn luyện “Đặc công nước” tại căn cứ Xẻo Đước (quận Cái Nước), rồi tung 50 người nhái vừa đào tạo vào chiến trường B2; đặc biệt căn cứ nổi Năm Căn (Sea Float Trần Hưng Đạo 4) là mục tiêu đánh phá đầu tiên của đặc công thủy trong Nam…”, một tài liệu của Hải quân đối phương ghi lại.
Những chiến sĩ đặc công thủy mình trần thoa mỡ bò, thở bằng ống sậy hay ống cao su, không chân vịt, không kính lặn và bình hơi nhưng mang theo mìn con sò Limpet tối tân do Liên Xô chế tạo, khiến mỗi mét nước trong sông, rạch, xẻo Cà Mau và đồng bằng là “thủy lộ sống chết”, phá nát chiến thuật sông - ngòi của kẻ địch. Chúng săm soi, đánh dữ lắm, bom pháo dập dồn, đổ quân chà xát liên tục; đồn bót bao quanh có cái chỉ cách 4 - 5km... Nước đầm luôn “sôi sục”, cây cối xác xơ hết cả. Địch vô ta đánh, có trận trực thăng rớt ngay trong đầm.
Đổi thay Thị Tường
Đầm Thị Tường đẹp nhất khi ngắm mặt trời lúc chiều xuống hay “ngoi” lên từ buổi bình minh. Cả mặt đầm như tấm thảm mênh mang, lúc tim tím hoàng hôn khi lấp lánh ánh bạc giữa màu xanh ngời ngợi của rừng dừa nước bao quanh. Trăng ngày rằm sao lên muộn, tiếng cá quẫy đuôi dưới sàn, tiếng quốc kêu xa tít trong bờ dồn ký ức về một vùng quê thanh bình đã sống lại sau gần 40 năm im bặt tiếng súng…
“Dân bây giờ từ ổn định đến khá, giàu không hà”, chú Bảy Thân hồ hởi. Một con đường nhựa mới thoáng đãng dài hơn 10km nối quốc lộ 1 vào thẳng khu căn cứ Xẻo Đước. Điện đường thắp sáng suốt đêm. Con cá, mớ rau, trái bí của bà con “bơi” nhanh hơn ra thị trường; nhà ngói cao tầng chen nhau in bóng xuống đầm. Sắp nhỏ ríu rít nơi cổng Trường THCS Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Trường Tiểu học Phú Mỹ 5...
“Khu vực đóng cọc, dặm lưới này của dân bên Kiên Giang sang nuôi sò. Có đêm mặt đầm sáng rực bởi đèn ghe đi chài, câu hay đặt lú, dó. Gần đây nhà nước quy hoạch, cấm xuyệt điện, phân chia mặt nước cho các hộ khai thác…”, cậu lái ghe tên Nhu chở đi tham quan đầm kể vậy. Nhu còn nói bên trong ven đê ngăn mặn, dân làm ruộng và nuôi tôm, cá quảng canh dữ lắm. “Cá nược, cá chẽm 50 - 60kg/con hay chèo xuồng khua nước để tôm, cá nhảy vào đã dần thành cổ tích. Đầm là trái tim phân phát nguồn sống cho nhiều dòng sông quanh đây, phải giữ cho được”, Hai Hùng ý thức rất rõ về việc gìn giữ tài nguyên.
Phú Tân sẽ đổi thay hơn nữa bởi cửa biển Cái Đôi Vàm, cửa biển Mỹ Bình đã được quy hoạch là vùng chiến lược phát triển kinh tế biển của Cà Mau. Theo tuyến hành lang này, sẽ hình thành nên các cụm tuyến dân cư, liên kết với các đô thị quan trọng khác dọc theo tuyến đường đê biển Tây như thị trấn Sông Đốc, khu dân cư cửa Đá Bạc, cửa Ba Tĩnh, cửa Khánh Hội…