ảnh minh họa
4h chiều, nắng vẫn còn gay gắt, mặt trời đang chuyển dần về hướng Tây. Trên đường cái huyện Tú Lệ (tỉnh Yên Bái) nhìn xuống thung lũng là những thửa ruộng bậc thang trải dài từ cao xuống thấp, kẻ thành những ô trông như bàn cờ, xa xa xuất hiện bà con người dân tộc xuống đồng đổ nước, cấy, cày, bừa…
Nhóm săn ảnh chúng tôi bấm máy tác nghiệp đúng vào những khoảnh khắc đẹp nhất trong không khí làm việc, lao động của bà con trên cánh đồng ruộng bậc thang khi nắng vàng ngược sáng, phản chiếu trên mặt nước hình bóng người và trâu di chuyển như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Khát, tôi quay về ô tô để lấy nước uống thì hai người xuất hiện trước mặt - một người nước ngoài to, cao đi cùng một thanh niên người Việt Nam, tôi đoán là phiên dịch. Hai người nhìn tôi và đưa mắt về nhóm người đang say sưa chụp ảnh, nói với nhau bằng tiếng Pháp, rồi anh thanh niên tiến lại gần tôi và hỏi:
- Ông ấy muốn biết các anh là nhà báo hay nhiếp ảnh gia?
- Nhóm chúng tôi có cả nhà báo và nhiếp ảnh gia - tôi trả lời.
Nghe xong, anh ta quay lại nói với người nước ngoài điều gì đó tôi không hiểu. Ông ta tiến lại gần tươi cười bắt tay rồi giới thiệu tên, quốc tịch. Qua phiên dịch, tôi được biết ông là người Pháp, quốc tịch Bờ Biển Ngà, sinh năm 1943. Ông sang Việt Nam lần này là lần thứ 3, trong 4 năm trở lại đây.
- Lí do về Việt Nam lần này là du lịch, thăm bà con, hay tìm đối tác làm ăn? Tôi hỏi (qua phiên dịch).
- Cả 3 lý do ông hỏi đều không đúng mục đích chuyến đi này của tôi. Sang Việt Nam lần này tôi muốn được tận mắt quan sát nơi diễn ra trận đánh ác liệt cách đây hơn 60 năm giữa quân đội Việt Minh và quân Pháp (chiến dịch Đông Khê năm 1950). Trận đánh đã gây tổn thất to lớn cho quân Pháp, đội quân viễn chinh đã từng đô hộ nhiều thuộc địa trên bản đồ thế giới.
- Mục đích chuyến đi này của ông chỉ có thế thôi ư? Tôi hỏi.
- Không phải ngẫu nhiên tôi bỏ nhiều thời gian, công sức để đến với Đông Khê.
Rồi ông kể: “Từ khi tôi được đọc cuốn hồi kí của cha tôi, lúc đó ông tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương, trong đó có Việt Nam và tài liệu viết về trận đánh Đông Khê diễn ra rất ác liệt, tôi đã có ý định sang Việt Nam tìm đến địa danh này để tận mắt quan sát những gì còn lại sau hơn 60 năm”.
Trong hồi kí về trận đánh Đông Khê, bố ông viết: Quân Pháp trong tình thế nguy kịch ở Cốc Sạ, bị cô lập, không được tiếp viện kịp thời. Cảm giác quân Pháp như bị quên lãng giữa vòng vây của quân Việt Minh. Quân Việt Minh dưới sự chỉ huy tài tình của các tướng lĩnh có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh du kích, biết rõ đường đi, nước bước của quân đội Pháp, từ những nguyên nhân đó dẫn đến thảm bại trên mặt trận Đông Khê - Cao Bằng năm 1950 là đương nhiên.
Trong hồi kí có đoạn nhấn mạnh: Thật không thể tưởng tượng được, với bán kính chưa đầy 500m, toàn đá với sỏi có tới hơn 200 xác chết của quân lính và sĩ quan Pháp nằm la liệt trên đường, trên đồi, dưới các khe suối…
Để tận mắt chứng kiến núi rừng toàn đá với sỏi và con đường quốc lộ 4A cũ giữa Đông Khê và Thất Khê, nơi diễn ra trận đánh ác liệt cách đây hơn 60 năm, ông đã trèo hẳn lên đỉnh đồi Cốc Sạ để quan sát toàn cảnh trận địa và quân Pháp tháo chạy theo hướng nào.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông có một câu nói làm tôi phải suy nghĩ: “Người Pháp đã bị thất trận ở Đông Khê, một bài học đáng nhớ, rồi lại tiếp mắc sai lầm Điện Biên Phủ…”.