- Đại tá Nguyễn Sỹ Động, nguyên trưởng Tiểu ban tác chiến Trung đoàn 141 trong trận Him Lam - trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ - nhớ lại những hồi ức hào hùng về một thời khói lửa. Tại sao chọn Him Lam để đánh trận mở màn?
Đại tá Nguyễn Sỹ Động đã mô tả về vị trí và vai trò chiến lược của cụm cứ điểm Him Lam trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà đến giờ ông vẫn thuộc như lòng bàn tay.
Đại tá Nguyễn Sỹ Động, nguyên trưởng Tiểu ban tác chiến Trung đoàn 141 trong trận Him Lam vẽ lại sơ đồ trận đánh. Ảnh: Cẩm Quyên |
Cụm cứ điểm Him Lam - mà địch gọi là “Trung tâm đề kháng Béatrice” - nằm ở phía Đông Bắc đường 41 (cách trung tâm Mường Thanh 2,5km), gồm 5 điểm cao ở bình độ 500m, có độ dốc từ 30-60 độ, địa hình trống trải, khống chế quan sát từ xa. Phía Bắc của Him Lam có sông Nậm Rốm ngăn cách rất thuận lợi cho việc tổ chức phòng ngự.
Tại Him Lam, địch bố trí hệ thống công sự, vật cản rất hoàn chỉnh, mỗi cứ điểm đều có 2-3 chiến hào khép kín, liên thông cơ động dễ dàng, phía ngoài có đường giao thông hào vươn ra để tháo chạy, hệ thống vật cản có 6-7 hàng rào kẽm gai các loại dày 60-70mm bao quanh.
Him Lam được tổ chức thành 3 cứ điểm (1,2,3), cách nhau 250-300m và có thể chi viện cho nhau bằng binh, hỏa lực. 3 cứ điểm này nằm ở 3 vị trí then chốt có thể che chở cho sân bay và khu Mường Thanh.
Với sự đầu tư xây dựng và được bảo vệ chặt chẽ, tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Bộ - tướng Cogny - đã rất hài lòng về trung tâm đề kháng này. Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ của quân Pháp là tướng De Castries cũng coi Him Lam là vị trí “bất khả xâm phạm”.
Sự kiên cố của Him Lam còn khiến thiếu úy Jacques (sau khi bị bắt làm tù binh, được quân ta tận tình cứu chữa, đã cho biết về hệ thống hỏa lực ở Him Lam) khuyên ta “không nên đánh vào Him Lam vì đây là trung tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.
Đại tá Nguyễn Sỹ Động cho biết Him Lam nằm ngay cửa ngõ dẫn vào khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - đầu não chỉ huy của quân Pháp, vì vậy, khi chuyển sang phướng án “đánh chắc, thắng chắc”, quân đội ta phải đánh từ hướng Đông Bắc để mở cửa trận địa, nếu không đánh Him Lam thì không thể khai thông lối vào khu trung tâm của cứ điểm quân Pháp.
“Trong nghệ thuật chiến dịch, thông thường phải đánh vào những điểm yếu của địch trước rồi mới tiến dần đến những điểm mạnh, nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì buộc phải đánh vào điểm mạnh trước vì đó là điểm mở tung cửa vào trận địa chính của địch”, Đại tá Động nói.
Sự tham chiến của tiểu đoàn “bất khả chiến bại”
Trận Him Lam, do là trận đánh mở màn, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như gây tâm lý bất an cho địch, nên được xác định là trận “phải thắng, phải kết thúc nhanh (trước 24 giờ) để loại trừ đòn phản kích lớn của địch”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra hầm pháo chuẩn bị tấn công cụm cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu |
Sau khi xác định và chọn Him Lam là cụm cứ điểm đầu tiên để mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tá Sỹ Động cho biết quân đội ta đã có sự chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo, thậm chí trội hơn quân địch vì ta tập trung vào đây rất nhiều binh, hỏa lực vào đây để diệt nhanh, gọn.
Song cái khó khác là cụm cứ điểm Him Lam được tiểu đoàn Lê dương số 3 (thuộc Bán lữ đoàn Lê dương 13) chiếm giữ. Đây là tiểu đoàn “con cưng” của quân đội Pháp, đã chinh chiến trong Thế chiến 2 và là tiểu đoàn “bất khả chiến bại”, từng giải cứu cả đội quân của Anh quốc, từng bị bao vây nhưng vẫn thoát được.
“Tiểu đoàn Lê dương số 3 là niềm tự hào, kiêu hãnh của quân đội Pháp, chỉ nơi nào quan trọng Pháp mới đưa Tiểu đoàn này sang tham chiến. Cùng với việc được bố trí chặt chẽ, lại được chiếm giữ bởi tiểu đoàn này nên có thể nói chưa có trận đánh nào mà khâu đột phá tiền duyên (mở cửa tiến vào trận địa) lại kéo dài tới tận hơn 5 giờ đồng hồ như trận Him Lam. Quân đội ta đã liên tiếp hứng chịu cả ngàn quả pháo”, Đại tá Sỹ Động nhớ lại.
Tuy là trung tâm đề kháng mạnh nhất nhưng Him Lam cũng có một nhược điểm lớn: Đó là một vị trí nằm cách phân khu trung tâm 2,5km. Khoảng cách này cho phép ta tập trung sức mạnh cần thiết, cô lập cứ điểm trong một thời gian nhất định để tiêu diệt. Nếu trận đánh kết thúc trong đêm, khả năng chi viện của quân Pháp có thể được loại trừ.
Cẩm Quyên
Kỳ tới: Chiến thắng rồi không ăn nổi cơm
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/171238/ky-uc-him-lam---tran-mo-man-dien-bien-phu.html