|
Những cây giò thơm ngon nức tiếng gần xa. Ảnh: Thảo Nguyên. |
Sinh ra và lớn lên từ làng nghề Ước Lễ- với truyền thống làm giò chả- món ăn cổ truyền trong mâm cơm người Việt từ xa xưa mỗi độ Tết đến, xuân về, ông bà chủ xưởng chế biến giò chả Thanh Hải vẫn không quên dạy dỗ con cháu, các thế hệ đi sau gìn giữ nét quê hồn Việt trong thức nhắm này không bao giờ mai một.
Không chỉ gia đình ông, rất nhiều những người con làng Ước Lễ xa quê đã và đang mang sản phẩm danh tiếng này tới mọi nơi trên đất nước và cả những phương trời Tây xa xôi, nhắc người Việt thêm yêu đất nước mình.
Men theo những con đường lát gạch đỏ, qua cổng làng cổ kính, chúng tôi tìm về làng giò chả Ước Lễ. Một trong những đặc trưng của ngôi làng này là hầu như quanh năm đều vắng người, mọi gia đình chỉ trở về xum họp bên nhau vào những ngày Tết.
Theo chỉ dẫn của những người già trong làng, chúng tôi tìm tới nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tích. Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Tích đã không còn trực tiếp làm những sản phẩm giò chả, nhưng bà vẫn ngày ngày hướng dẫn và truyền dạy cho con cháu mình cách làm nghề, để giò chả Ước Lễ theo thời gian sẽ không mai một. Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tích thì những ngày cuối năm là thời điểm mà hầu hết các gia đình theo nghề giò chả đầu đi khắp nơi để làm hàng và giao bán cho kịp với nhu cầu ngày Tết.
Cụ Tích là một trong số không ít những nghệ nhân đã gắn bó với nghề làm giò chả từ khi mái đầu còn xanh cho tới khi tóc dần ngả màu tiêu muối.
Cụ sinh được 7 người con thì tất cả những người con của cụ đều theo nghề giò chả. Từ khi còn rất trẻ, họ đã xa quê để tới những vùng thành thị sầm uất những mong phát triển thương hiệu làng nghề. Và những nỗ lực của họ giờ đây đã thành hiện thực.
Và bàn tay thuần thục của những nghệ nhân làm giò đang chuẩn bị xuất đi khắp nơi.
Thương hiệu giò chả Ước Lễ đã trở thành thương hiệu thu hút những khách “ sành ăn” khắp ba miền. Ước Lễ là làng duy nhất trong số 4 thôn làng ở xã Tân Ước (Tân Ước gồm 4 làng Chi Lễ, Ước Lễ, Phúc Thụy và Quế Sơn) có nghề truyền thống làm bánh chưng, giò, chả nổi tiếng khắp Nam, Bắc và nước ngoài.
Cụ Tích cho biết: Để làm được miếng giò ngon không phải đơn giản, bởi nguyên liệu làm giò được chọn lựa rất cẩn thận. Lợn làm giò phải là lợn khỏe, thịt mổ ra còn tươi sao cho khi cắt, miếng thịt cuốn theo dao của người thái. Thịt thái thành từng miếng mỏng, nhỏ cho vào cối giã. Lá gói giò cũng không phải là loại lá chuối trong vườn. Bởi nếu chọn lá không kỹ lưỡng, cẩn thận, khi gói giò sẽ không ngon và rất nhanh ôi. Lá gói giò phải là lá chuối quê thứ thiệt. Lá gói phải sát vào khoanh giò, và cũng nhờ bàn tay khéo léo, chắc chắn của người nghệ nhân mà những chiếc giò sẽ trở nên đẹp như lụa.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tích kể rằng, ngày xưa khi cuộc sống còn khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo, để làm được những chiếc giò, phải dùng tới hoàn toàn sức người. Người giã giò phải có sức khỏe, chày giã vào lòng cối phải thật đều. Giã cho đến khi thịt dẻo quánh, không còn dính đầu chày mà chảy chầm chậm xuống lòng cối. Vào những ngày Tết bận rộn để gói được một tạ giò thì phải cần tới hai chục người làm quần quật từ sáng đến tối may ra mới xong.
Giờ đây cuộc sống hiện đại hơn, máy móc đã được trang bị, chỉ cần 3 người đã có thể gói xong một tạ giò thậm chí chỉ trong 3 tiếng đồng hồ.
Những người con làng Ước Lễ mang thương hiệu giò chả của quê mình đi khắp mọi nơi và luôn biết ơn về nghề tổ đã đem lại sự no ấm đối với dân làng.Thành đạt và không quên tiên tổ, những người con xa quê làng Ước Lễ sau những tháng ngày đi xa lại trở về mang tấm lòng thơm thảo về tạ lễ với tổ tiên. Vì thơm ngon nức tiếng nên giò chả Ước Lễ không bao giờ vắng khách.
Trò chuyện với bà chủ xưởng giò chả Thanh Hải- một xưởng giò chả Ước Lễ có uy tín lâu năm tại Hà Nội, chúng tôi được biết, chỉ tính riêng những ngày Tết, mỗi ngày, xưởng gia đình bà cũng gói được tới hơn hai tạ giò, chưa kể chả và nem chua. Đem lại thu nhập cho mấy chục người làm. Đắt khách và có tiếng, nhưng sản phẩm giò chả gia đình ông bà làm ra luôn đặt chữ tín và chất lượng lên hàng đầu. Một miếng giò ngon là miếng giò khiến cho người thưởng thức có cảm giác hấp dẫn ngay cả khi mới chỉ từ nguyên liệu giò sống. Bà Hải cho biết: “Khi luộc, tùy theo cỡ giò, người Ước Lễ để ý thời gian vớt thích hợp. Thông thường với khoanh giò 1kg, thời gian luộc khoảng 1 giờ là chín. Giò đã chín mịn nhẵn có màu hồng nhạt, ăn phải giòn, còn thơm mùi thịt, miếng giò cắt ra phải có những lỗ nhỏ...
Khách hàng đang mua giò Ước Lễ. Ảnh: Thảo Nguyên.
Cách làm chả quế còn cầu kỳ hơn giò lụa. Khoảng 3kg thịt nạc được giã nhuyễn, cho 5 lạng mỡ thái hạt lựu, trộn cùng hương liệu quế, đường, gia vị. Người chế biến dùng thịt nạc giã nhuyễn phết lên ống nướng đã thoa mỡ, đợi se qua rồi phết thịt cùng với gia vị đã trộn sẵn, sau đó tiếp tục phết 1 lớp thịt nạc giã nhuyễn lên trên cùng.
Khi phết, người chế biến phải đều tay để cho thịt dính đều trên ống mà không được chảy. Sau đó, ống chả được cho vào nướng, vừa nướng vừa xoa đều liên tục để chả không bị cháy.
Chả ngon phải là chả nướng bằng than hoa. Khi chín, chả quế có màu vàng ươm hương thơm đặc biệt, cay cay, ăn phải có vị ngọt, thơm và ngậy. Và rất nhiều những “ bí quyết” gia truyền khác được các thế hệ đi trước truyền lại cho các thế hệ sau của mình với hy vọng sẽ gìn giữ và phát huy nghề tổ tiên.
Trước đây, giò, chả được coi là món ăn cao sang, đắt tiền và khoái khẩu. Cỗ bàn, đặc biệt là cỗ cưới hay dịp Tết không có đĩa giò, đĩa chả là không sang. Ăn với cơm tám, giò chả thành món ăn đặt sản đặc sản. Giữ gìn truyền thống của cha ông, những người con làng Ước Lễ mở những hiệu cơm tám giò chả rất đông khách ở Hà Nội từ đầu thế kỷ trước, và không chỉ tới tận TP HCM, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh... mà ở Mỹ, Pháp, Canada, Đức cũng rất nhiều hàng giò chả của người Ước Lễ, khách Việt, khách Tây đều rất ưa chuộng món ăn dân giã thuần Việt này.
Cứ vào ngày rằm tháng riêng hàng năm, con cháu dân làng Ước Lễ dù gần hay xa lại nô nức trở về dự lễ hội làng để tưởng nhớ về tổ tiên đã khai sáng ra làng nghề giò chả của mình.
Và cũng không biết từ bao giờ, giò chả Ước Lễ lại trở nên quen thuộc với những con người yêu thích món ăn này trên khắp đất nước Việt Nam đến vậy. Bởi dù đi đâu, mỗi khi nhìn trong bữa ăn một món ăn “thuần Việt” như vậy, bất cứ người xa xứ nào cũng thấy ấm lên trong lòng một khát vọng trở về.
Nguồn: Tamnhin