Cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Cách đây đúng 39 năm, vào lúc 15 giờ ngày 29/3/1975, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân và dân ta tung bay trên nóc Tòa Thị chính và trụ sở chỉ huy Quân đoàn I ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại - thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

Từ ngày 1/1/1977, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đây thực sự là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Với cơ hội và vị thế mới, có những thuận lợi mới, sức mạnh mới, thành phố trẻ bên dòng sông Hàn ngày càng phát triển.

Đà Nẵng luôn kiên trì chủ trương đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho phát triển kinh tế với nhiều dự án được triển khai. Khu đô thị Thạc Gián-Vĩnh Trung, khu đô thị mới Bạch Đằng Đông, Quốc lộ 1A, đường Liên Chiểu-Thuận Phước, đường Phạm Văn Đồng nối từ cầu sông Hàn ra biển... là những công trình làm thành phố thay da đổi thịt. Không chỉ những con đường lớn ở nội thành mà những con đường từ thành phố tỏa về các vùng nông thôn, lên miền núi cũng được nâng cấp, mở rộng.

Dấu ấn mà tất cả người dân Đà Nẵng đều tự hào là trên dòng sông Hàn đã có 9 chiếc cầu bắc qua. Với thành phố Đà Nẵng, dường như mỗi cây cầu là một tác phẩm nghệ thuật. Đầu tiên phải nói đến cầu sông Hàn - cây cầu được xây dựng bởi sự đồng thuận của lòng dân, thực hiện với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và đến nay vẫn được xem là chiếc cầu quay duy nhất ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Cầu Thuận Phước hiện đại đứng giữa cửa ngõ biển trời bao la, biểu tượng của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khẳng định sức bật mới của thành phố trẻ. Cây cầu Trần Thị Lý với kiến trúc dây văng một trụ tháp hình chữ I nghiêng là biểu tượng đặc trưng mới cho thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, Cầu Rồng được xem là biểu tượng cho một giai đoạn phát triển mới, tạo động lực cho thành phố. Cầu Rồng là công trình vĩnh cửu, một điểm nhấn cảnh quan độc đáo, biểu tượng kiến trúc mới của thành phố tỏa ánh sáng làm sông Hàn càng thêm lung linh.

Cầu Rồng. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngoài ra, công trình còn có vai trò quan trọng trong chiến lược hoàn thiện hạ tầng đô thị Đà Nẵng, kết nối sân bay quốc tế và đại lộ thương mại sầm uất Nguyễn Văn Linh với vùng du lịch ven biển, mở rộng liên kết với các tuyến trọng điểm du lịch Sơn Trà, Hội An, tạo lợi thế hỗ trợ để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch của thành phố.

Cùng với chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh. Những năm qua, mỗi năm bình quân tốc độ tăng GDP đạt trên 10%. Chỉ tính sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX nhiệm kỳ 2010-2015, Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn 3 năm 2010-2013 tăng 10%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, với tỷ trọng dịch vụ 55,4%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 2,4%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 56,3 triệu đồng, bằng 1,35 lần năm 2011 và cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước năm 2013. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị tiếp tục được đầu tư khá mạnh.

Thành phố đã điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Giai đoạn 2011-2013, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng đạt 8 triệu lượt người, tăng 19,2%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt người, tăng 24%/năm. Riêng năm 2013, lần đầu tiên đạt trên 3,1 triệu lượt khách đến thành phố, bằng 1,3 lần so năm 2011.

Cáp treo tại Bà Nà - địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Thành phố xác định xóa đói giảm nghèo là chương trình hàng đầu với sự huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội. Đặc biệt giai đoạn 2011-2013, thành phố đều lấy chủ đề là "Năm an sinh xã hội," tập trung chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, hộ nghèo và đồng bào dân tộc; 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định, có mức sống bằng hoặc khá hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú.

Thành phố di dời, giải tỏa hơn 100.000 hộ dân để xây dựng hạ tầng đô thị nhưng không để xảy ra điểm nóng. Đặc biệt, chương trình "5 không, 3 có" (Năm không gồm: không có hộ đặc biệt nghèo; không có học sinh bỏ học; không có người lang thang xin ăn; không có giết người để cướp của; không có người nghiện ma túy trong cộng đồng. Ba có là có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn hoá văn minh đô thị) tiếp tục được duy trì, mang đậm tính nhân văn và định hình nét văn hóa của thành phố.

39 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã cố gắng rất lớn để đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố công nghiệp, một trung tâm dịch vụ, một cửa ngõ giao thông quốc tế quan trọng và nay là đô thị loại một cấp quốc gia. Có được những thành tựu đó là nhờ Đà Nẵng đã phát huy cao độ nội lực, dựa vào nhân dân, phát huy nguồn lực vô tận của nhân dân.

Trong chuyến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng ngày 18/3 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Đà Nẵng là địa bàn chiến lược của khu vực và cả nước, có bước phát triển khá toàn diện và rõ nét. Đà Nẵng có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong cách làm và đã mang lại thành công. Điều quan trọng là cần sớm rút ra những bài học kinh nghiệm từ những cách làm đó để tiếp tục phát triển hơn nữa và xác định động lực mới, nguồn lực mới để Đà Nẵng tiếp tục phát triển.

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định những thành tựu nổi bật mà Đà Nẵng đạt được là quy hoạch và quản lý quy hoạch đồng bộ, tạo diện mạo đô thị thành phố khang trang, hiện đại. Hệ thống chính trị được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả. Nội dung và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được đổi mới, hướng về cơ sở, chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố và làm nổi bật mối quan hệ cốt lõi giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị là "Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ."

Thành phố tập trung chăm lo công tác cán bộ, xem đây là khâu đột phá. Đặc biệt công tác thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang lại thành công, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. Thời gian tới, Đà Nẵng xác định chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ưu tiên tập trung phát triển công nghệ cao.

Nắm vững quan điểm con người là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững, tất cả vì con người, vì hạnh phúc của con người, Đà Nẵng đã không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mỗi người và mỗi cộng đồng tại thành phố đã và đang tiếp tục xây dựng cho mình và cho Đà Nẵng một nếp sống, một phong cách văn minh./.