Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  Tên phố, tên đường Tên phố, tên đường , Người xứ Nghệ Kiev
 

(HNHN) Tên phố là hình ảnh lịch sử, truyền thống và văn hóa, là mỹ quan bộ mặt của thành phố - góp phần giáo dục sâu rộng nếp sống và tinh thần của con người ở Hà Nội.
Tô Hoài -

Ở các thành phố trên thế giới, thông thường có hai cách đặt tên cho phố. Đánh số: đại lộ 3, đại lộ 15, đường 14, phố 18... Hoặc đặt tên bằng tên danh nhân, thắng cảnh, di tích kỷ niệm, nghề nghiệp. Với cách đặt tên thứ hai, tên phố phường không chỉ là hàng chữ trên mảnh gỗ, mảnh sắt đơn thuần chỉ dẫn nơi ở, mà tên phố còn có ý nghĩa nhắc nhở giáo dục văn hóa, lịch sử truyền thống, biểu hiện văn hóa văn minh. Phố Hà Nội mới được đặt tên từ thời Pháp và thuộc loại phố mang tên hình ảnh đất nước và con người với bước đi mỗi giai đoạn lịch sử.



Phong cảnh Hà Nội xưa.

Trước kia, Hà Nội chỉ thường có tên bao trùm các nghề, các đền chùa, miếu mạo. Hà Nội 36 phố phường, Hàng Mật, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh... Tên phố như ta trông thấy bây giờ ra đời từ khi thực dân chiếm nước ta. Hà Nội thành đất thuộc Pháp. Tất nhiên tên phố do Pháp đặt. Ý nghĩa giáo dục của tên phố theo ý đồ của kẻ thống trị. Ba đường lớn ngang thành phố (Các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo) ngày trước gắn biển những tên tướng tá và trùm thực dân. Phố Đinh Tiên Hoàng bên Hồ Gươm là phố F.Gácniê (Viên quan ba chết trận ở Cầu Giấy). Phố Hàng Chiếu sầm uất ở quận Hoàn Kiếm là phố J. Duypuy (Người lái buôn khiêu khích cho Pháp lấy cớ đánh chiếm Hà Nội).

Cũng có tên một vài danh nhân ta được đặt tên phố. Nhưng mỉa mai thay, chỉ càng lộ cái coi khinh cố tình của họ. Phố bảng nhãn Lê Quý Đôn ở một ngõ ngách, nay lấy lại tên xưa là phố Hàng Cháo, Nguyễn Bỉnh Khiêm bị đưa vào ngõ cụt (ngõ Trạng Trình), và phố Nguyễn Trãi dài... 180 mét, cái phố nhỏ cạnh nhà thờ Tin Lành.

Tên phố Hà Nội có những thay đổi lớn từ 1945. Đảo chính 9/3/1945, Nhật đánh đổ Pháp, trên toàn cõi Đông Dương lập chính quyền thân Nhật. Trong khi đất nước trải qua nửa năm tình thế đặc biệt và khẩn trương, toàn dân bước vào thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, trước kia đánh Pháp bây giờ đuổi Nhật. Ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai, thị trưởng thành phố của chính quyền Nhật dựng đã làm được hai việc đáng kể, là huy động người phá bỏ các tượng đài “kể công” của thực dân Pháp - riêng tượng nhà bác học Pátxtơ (Pasteur) và tên phố bác sĩ Yêcxanh (Yersin) vẫn được giữ nguyên.

Các tên phố và tên vườn hoa khác đều được đặt lại. (Bác sĩ Trần Văn Lai một trí thức yêu nước, sau 1954, Hà Nội được giải phóng, bác sĩ là thành viên UBND và Ủy ban MTTQ thành phố). Sau đó, hơn một năm đầu Hà Nội Tổng khởi nghĩa (19/8/1954 - 19/12/1946), chính quyền cách mạng cũng đặt lại tên phố, chủ yếu là xóa các tên vua quan và các tay sai thời nhà Nguyễn.

Rồi Hà Nội bước vào thời kỳ kháng chiến toàn quốc. Tám năm Pháp chiếm lại Hà Nội (1947-1954), cũng chỉ đổi một số tên phố. Lập lại phố có tên vua nhà Nguyễn, như phố Gia Long và thêm mấy tên phố mới, như phố Mỹ quốc (phố Tràng Thi), phố Anh quốc (phố Tràng Tiền bây giờ), phố Pháp quốc...

Từ 1954, khoảng 10 năm đầu (1954-1964) Sở văn hóa đã thành lập “Ban tên phố” giúp Sở đặt lại một số tên phố. Bỏ tên phố mang tên vua quan thời Nguyễn, đặt mới một số tên tượng trưng truyền thống, sự kiện lịch sử và cách mạng (các phố và đường Hùng Vương, Trần Phú, Hoàng Hoa Thám, Bắc Sơn, Điện Biên Phủ...). Ngoài ra, hầu hết những phố khác vẫn do tên phố từ tháng ba 1945 của bác sĩ Trần Văn Lai.

Lấy tên quảng trường Ba Đình làm ví dụ. Thời Pháp đường Điện Biên Phủ ngày nay mang tên linh mục Puyginiê. Cuối đường có một bãi trống là poăng (point: điểm bắt đầu phố) Puyginiê. Sau đảo chính 9-3-1945 chỗ ấy được bác sĩ Trần Văn Lai đặt tên là quảng trường Ba Đình.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, báo chí và đài phát thanh loan tin đi các nước và thế giới sự kiện vĩ đại: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt quốc dân giữa cuộc mít tinh toàn thành ở quảng trường Ba Đình. Tháng 12/1945, quảng trường Ba Đình được tên mới là quảng trường Độc Lập. Pháp chiếm lại Hà Nội đổi tên là quảng trường Hồng Bàng.

Năm 1954 Hà Nội được giải phóng, lấy lại tên là quảng trường Ba Đình - dựa trên thực tế là tên quảng trường Ba Đình với ngày Quốc khánh 2/9 đầu tiên đã thành sự kiện lịch sử được phổ biến trong nước, ngoài nước từ những ngày đầu cách mạng và kháng chiến.

Hai chữ Ba Đình - tên một chiến khu ở Nga Sơn (Thanh Hóa) của Đinh Công Tráng và các chiến hữu của ông chống Pháp năm 1886 - trở thành tên một quảng trường trung tâm Hà Nội đã biểu hiện một phần quá trình và đặc điểm của vấn đề đặt tên phố thủ đô. Có người không hiểu “sự tích” đoán chỗ ấy ngày trước có ba ngôi đình, nên được đặt tên là Ba Đình!

Trên 40 năm đã qua, các tên phố Hà Nội đã có một số thay đổi, vẽ nên bước hình thành của lịch sử và sự phát triển ở Hà Nội và cả nước. Nhưng thật ra từ sau lần thay đổi đầu tiên 1945, về sau và cho tới bây giờ, lần nào cũng chỉ là đôi chỗ sửa chữa - chứ thực sự chưa khi nào được xem xét tường tận mọi mặt để làm cho tên các đường phố Hà Nội thực sự chính xác, hoàn chỉnh đủ giá trị sánh kịp với đổi
thay lịch sử.

Tên phố Hà Nội hiện nay đương như thế nào? Có thể nói ngoài phần tên phố ghi lại Hà Nội xưa bằng tên các đền chùa phố phường, nghề nghiệp cũng như phản ánh từ thời truyền thuyết lịch sử các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần rồi đến thời Pháp, xuất hiện các phong trào văn thân yêu nước, những tên phố qua các thời kỳ trên, đều là những địa danh, những nhân vật, những sự kiện đáng kính và tấm gương. Nhưng nếu so chung với chiều dài lịch sử cho đến tận hôm nay và nhiệm vụ giáo dục bằng tên phố, thì các tên phố ở Hà Nội còn so le, còn chênh lệch trước thực tế qua từng giai đoạn.

Hà Nội chưa có đường Cách mạng tháng Tám. Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc (1946- 1954), thế mà chỉ có tên đặt cho một cái chợ, là chợ “19/8”, cái chợ xép cạnh tòa án thành phố, mà người ta gọi tên lóng là “Chợ Âm Phủ” (Bởi vì đấy thời Pháp chiếm là bãi tha ma chôn xác những người vô thừa nhận). Với cả nước, cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ có mỗi một tên đường (Điện Biên Phủ).

Các chiến công thời chống Mỹ chưa được nhớ lại bằng một tên phố nào.

Hình ảnh cuộc chiến đấu chống Mỹ của cả nước cũng chỉ mới được một tên đường: đường Giải Phóng - mà người ta có thể hiểu được khi liên hệ thêm thực tế, chứ riêng hai chữ “giải phóng” thì chỉ có nghĩa chung. Không một phố, một đường, một vườn hoa nào ghi nhớ các thời kỳ lịch sử sau 1930, từ khi Đảng ra đời.

Còn các sự tích trước kia thì quá nhiều, đã có đường Hoàng Hoa Thám lại có thêm ngõ Yên Thế, có đường Nguyễn Thái Học lại có thêm phố Yên Bái... Các phố mang tên những nhân vật thời kỳ cận đại, cũng là cần, nhưng có những tên phố mang tên các nhân vật rất ít tác dụng gợi nhớ: Ấu Triệu, Cao Đạt, Cao Thắng, Lữ Gia, Khúc Hạo, Lê Thạch, Lê Văn Vinh, Đoàn Nhữ Hài, Lý Đạo Thành, Nguyễn Phạm Tuân, Triệu Quốc Đạt...

Nêu thêm một so sánh trong phạm vi mà tôi có am hiểu. Những phố lớn và nhỏ được đặt tên các danh nhân văn học: Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Lý Văn Phức, Nguyễn Lai Thạch, Trần Tế Xương, Tản Đà... đều được đặt từ 1945 và do sáng kiến của bác sĩ Trần Văn Lai. Bác sĩ là một nhà khoa học, ông am hiểu vì yêu quý văn học. Nhưng tình cảm và sự quan tâm của Trần Văn Lai chỉ dừng lại ở Tản Đà và thời kỳ văn thân mà thôi.

Bây giờ, ngót nửa thế kỷ đã qua, đất nước trải những bước ngoặt lớn, đã có biết bao tinh hoa các ngành, từ chính trị, quân sự, khoa học đến văn học, nghệ thuật. Để kéo dài sự đứt đoạn như trên ở các tên phố, sự hiểu biết và tác dụng giáo dục hàng ngày ảnh hưởng tới tâm tư người thành phố, là một thiếu sót không nên để tồn tại lâu hơn.

Quanh vấn đề tên phố ở Hà Nội, còn có những mặt khác phải quan tâm. Nhiều phố vẫn giữ tên bằng con số như thời Pháp (phố 215 chẳng hạn) ít người biết là ngày ấy người Pháp lấy con số làm tên phố, chỉ vì phố mới quá chưa được đặt tên, chứ không phải con số là tên phố.

Chẳng lẽ ta cứ giữ những con số chỉ đặt tạm từ thời Pháp? Lại nhiều phố có tên mà không rõ nguồn gốc do người phố ấy tự đặt ra từ bao giờ như các phố, các ngõ An Sơn, Đồng Tâm, Mai Hương, Tân Ấp, Thiên Hùng... Có phố đáng lẽ dùng tên thông thường, dễ hiểu, lại vẫn theo như từ khi mới đặt: những Phù Đổng Thiên Vương, những Thái Tổ, Nhân Tông, Thánh Tông đáng lẽ gọi thẳng là tên mới chính xác.

Còn có những phố, những ngõ nhỏ, ngõ Sơn Nam, ngõ Tân Hưng, dốc Tam Đa, bây giờ người ta có thể nhầm đấy là những kỷ niệm về trấn Sơn Nam, về một làng Hưng Thịnh nào đó, làng Tam Đa nào đó... nhưng cái gốc của các phố ngõ ấy chỉ là thế này: ngõ Sơn Nam là ngõ phố của nhà tư sản tên là Bạch Sơn Nam, ngõ Tân Hưng là phố của ông Chấn Hưng chủ hiệu vàng bạc “nhà đỏ” Phạm Chấn Hưng, còn tên là dốc Tam Đa là vì ngày trước có nhà Ích Phong làm dầu cù là, trước cổng có tượng tam đa: Phúc, Lộc, Thọ (bây giờ không còn) nên người ta quen gọi là nhà Tam Đa và nay là dốc Tam Đa. Thế thôi.

Thành phố cần có tên thống nhất gọi là phố, là đường, là ngõ (hẻm)... Đường Hà Nội trước kia được phân biệt: phố, đường hai bên có nhà ở, cửa hàng, đại lộ có vỉa hè rộng, cây to giao cành (đại lộ Gămbetta - phố Trần Hưng Đạo bây giờ), đường, đường dẫn ra ngoài thành phố (đường Huế, phố Huế bây giờ - cuối phố đa là huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông), phố nhỏ: phố ngách cạnh phố lớn; ngõ: phố nhỏ chỉ có lối vào không thông qua phố khác gọi là ngõ 1, ngõ 2 của phố lớn ở ngoài (hoặc gọi là hẻm như ở Sài Gòn)... Chúng ta có thể tham khảo cách ghi trên trong khi định lại lối gọi của ta không để lộn xộn như hiện nay, ngõ hẻm, ngõ cụt cũng gọi là phố, lại có nơi dịch chữ Xitê (cité) là xóm, cho nên giữa thành phố mới có xóm Hà Hồi (ngày trước đấy là Xitê Giôrêghibery).

Hiện nay, các thành phố đang mở thêm nhiều khu vực mới. Các huyện ngoại thành và những xã, thị trấn, huyện lỵ đang trở thành những phường phố vệ tinh của Hà Nội.

Thị trấn Cầu Giấy, thị trấn Thanh Xuân, thị trấn Nghĩa Đô nhiều khu nhà mới chưa được đặt tên phố, chưa có số nhà hoặc số nhà đặt ngược xuôi tùy tiện. Trương Định, Kim Giang, Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Kim Liên... chỉ là tên khu vực, mỗi khu vực đang cần có tên đường, tên khối nhà. Câu tục ngữ mới hiện nay “nhà không số, phố không tên” có ý chế giễu cái Hà Nội không Hà Nội hiện nay. Ở mỗi khu vực, mỗi khối nhà khu tập thể các đường đặt tên danh nhân, thắng cảnh, đặc điểm lịch sử hay tên tạm bằng con số 1, 2, 3... thế nào tùy theo thuận lợi, nhưng cần làm ngay.

Vấn đề tên phố còn liên quan đến nhiều mặt cụ thể của vẻ đẹp thành phố.

Không thể để cái biển phố lệch lạc, méo mó, đóng đinh vào thân cây, vào cọc, chỗ cao chỗ thấp không nhất định hoặc cả quãng dài không có biển, mất biển. Không thể trước cửa mỗi nhà tùy tiện phết phẩm xanh, đỏ ngoằn ngoèo viết số nhà to, bé và trái ngược nhau - biển số nhà của thành phố Hải Phòng thống nhất và đẹp mắt hơn Hà Nội nhiều.

Không thể để khối nhà, tầng nhà đánh số linh tinh vào chỗ nào cũng được hoặc không có số. Và tên phố không in kiểu chữ cầu kỳ, khó đọc, cũng không được viết tên phố sai. Có tên phố viết sai khiến người đọc sai rồi không sửa được. Phố Quán Thánh (quán Trấn Vũ có tượng ông thánh đồng đen) gọi nhầm là phố Quan Thánh không có nghĩa. Vừa qua, vài tên phố đã được sửa đúng, nhưng vẫn còn Tạ Hiện (thành Tạ Hiền), Đồ Hành (thành Đỗ Hạnh), Hà Hồi (thành Hạ Hồi)... và có người bây giờ vẫn gọi hồ Thuyền Quang là hồ Ha Le - tên một đốc lý
Pháp ngày trước.

Vấn đề tên phố không chỉ là việc đặt ra mỗi khi có việc phải bàn về tên phố, mà đây là công việc của một tổ chức có nhiệm vụ rõ ràng và hoạt động thường xuyên. Tổ chức này gồm những người trong các ngành nghề hiểu biết về Hà Nội, đề xuất được các vấn đề khi đặt tên phố, tên công viên ở nội ngoại thành và theo dõi giúp mọi việc chỉnh đốn hình thức về tên phố và số nhà. Nếu không sẽ xảy ra như đã xảy ra những tên đường, tên phố lạc lõng. Chẳng có lý do gì mà đoạn đường Bưởi đến dốc Nhật Tân thật dài lại được đặt tên truyền thuyết Lạc Long Quân. Đường Bưởi trổ xuống Cầu Giấy không một chút nào dính đến vùng Bưởi. Và đường Thụy Khuê tự dưng lại chạy qua ba làng nghề giấy vùng Bưởi.

Tên phố là hình ảnh lịch sử, truyền thống và văn hóa, là mỹ quan bộ mặt của thành phố - góp phần giáo dục sâu rộng nếp sống và tinh thần của con người ở Hà Nội.

1980.
(Trích sách "Hà Nội tản văn: Làng, ngõ, vỉa hè", 2012)

Nguồn Hoinguoihanoi.de


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65122805

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July