(Dân trí) - “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian.
Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”, lời của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) nói với các quan phụ trách biên cương năm 1473, được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Sáng 6/1, Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết triển lãm lần này đã bổ sung thêm một số tư liệu, bản đồ gốc về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam được vẽ bởi các nhà hàng hải, thương nhân người Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Pháp.
Các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến cho đến thời kỳ hiện nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như những vùng biển đảo khác trong Biển Đông. Những tư liệu, bản đồ tại triển lãm lần này là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Những bằng chứng này bao gồm: Các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ TK XVII đến đầu TK XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó đáng chú ý là 20 bản sao Châu bản triều Nguyễn, niên đại từ triều vua Gia Long (1802-1819) đến triều Bảo Đại (1925-1945).
Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến TK XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sưu tập 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay. Đáng chú ý hơn là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản 1919) và Trung Hoa dư chính bưu đồ (xuất bản 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Cương giới cực Nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế xuất bản trong nước và nước ngoài từ trước tới nay nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Bằng chứng về những vỏ ốc biển và cát từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa do các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản ở các ngư trường này mang về. Đây được xem là những “cột mốc chủ quyền sống” trên những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bằng chứng vững chắc bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ TT&TT, Trưởng BTC triển lãm nói: “Việc thu thập tư liệu một cách tập trung, có hệ thống và công bố trước người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế những bằng chứng lịch sử này là hết sức quan trọng. Và chúng ta có rất nhiều, có đủ các bằng chứng sự thật lịch sử để bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc”.
Trong khi đó, TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nói: “Trong các văn bản, hình ảnh được trưng bày ở đây toát lên một tinh thần Việt Nam từ thời ngày xưa là chủ trương giữ gìn, bảo vệ biên giới một cách hòa bình. Thậm chí câu trích dẫn của vua Lê Thánh Tông cũng nói rằng chúng ta phải tổ chức đàm phán, biện giải, cử người sang phương Bắc để giải thích cho Trung Quốc rõ đó là lãnh thổ của Việt Nam. Và điều đó xuyên suốt đến các văn bản dưới thời nhà Nguyễn, đến phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh tại Trường Sa, cho đến chủ trương của Đảng và Nhà nước ta bây giờ là dùng con đường hòa bình để giải quyết vấn đề này”.
Thêm một số hình ảnh tại triển lãm:
Những tư liệu, bản đồ tại triển lãm lần này là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Viết Hảo
|