Nạp đạn SAM-2 lên bệ phóng.
Đánh theo lối tiết kiệm
Trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972, tình hình thiếu tên lửa của bộ đội ta là có thật. Do việc lắp ráp chậm không kịp với mức độ tiêu thụ đạn cùng với khó khăn về đường vận chuyển do đường sá bị bom đạn phá hoại khiến nhiều lúc các tiểu đoàn chỉ còn 2-3 quả đạn trực chiến thậm chí 1 quả.
Theo lý thuyết bắn của tên lửa SAM-2 (định danh của NATO dành cho tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao S-75 Dvina của Liên Xô), mỗi lần phóng đạn phải phóng liền 3 quả mới đảm bảo chắc thắng. Nhưng trước thực tế thiếu đạn, không thể câu nệ vào lý thuyết. Thêm nữa, nước ta còn nghèo, một quả tên lửa có giá trị rất lớn. Như Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu viết trong cuốn hồi ký Bảo vệ bầu trời thì giá một quả đạn cao xạ 100mm đủ cho một gia đình trung bình của ta sống trong 1 năm. Từ đó suy ra 1 quả tên lửa có giá trị to lớn như thế nào với nền kinh tế nước ta thời đó. Bởi vậy các chiến sĩ tên lửa rất chú trọng tiết kiệm đạn.
Mặc dù thế, một điều đáng ngạc nhiên là trong chiến dịch 12 ngày đêm, có rất nhiều trận B-52 Mỹ bị hạ chỉ bằng 1 hoặc 2 quả tên lửa. Cuốn Điện Biên Phủ trên không – chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam có dẫn ra một số trận đánh kiểu tiết kiệm đạn như thế.
"Rồng lửa" SAM-2 rời bệ phóng.
“Đêm 26/12, Tiểu đoàn 79 cũng chỉ bằng một quả đạn đã hạ tại chỗ 1 chiếc B-52 rơi ở Sơn La. Riêng ở Tiểu đoàn 77 đã diễn ra ba trận đánh xuất sắc. Hồi 4h30 phút rạng sáng ngày 19, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã cho phóng 2 quả, hạ 1 B-52 rơi ở xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Đêm sau, 20/12, lúc 20h34 phút, Tiểu đoàn 77 lại hạ thêm 1 B-52 nữa rơi ở Vạn Thắng, Ba Vì, cũng bằng 2 quả đạn. Sau đó đến 5h sáng, Tiểu đoàn trường Văn lại cho phóng tiếp 2 quả đạn cuối cùng, diệt thêm 1 B-52 nữa, rơi xuống thị xã Phúc Yên”.
10 phút diệt 2 chiếc B-52 bằng 2 tên lửa
Đó là chiến công của tiểu đoàn 57, trung đoàn tên lửa 261, sư đoàn phòng không Hà Nội (361). Trong 12 ngày đêm, tiểu đoàn đứng chân tại trận địa Đại Đồng (Đông Anh, Hà Nội).
Trong mấy ngày đầu giáp mặt B-52, tiểu đoàn đã nhiều lần phóng đạn nhưng chưa bắn rơi được chiếc nào. Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 57 trong thời điểm đó thì những quả đạn đầu đã được phóng đi ở cự ly 35 km và thường phóng 3 quả một lần theo lời khuyên của chuyên gia Liên Xô.
Bộ đội tên lửa SAM-2 chiến đấu.
Phóng ở cự ly này có ưu điểm là đường đạn căng nhưng lại dễ bị máy gây nhiễu trên các máy bay tác động. Bởi thế, sang ngày 21/12, tiểu đoàn trưởng Phiệt thay đổi cách đánh, quyết định phóng ở cự ly gần.
Lúc 5h09 phút sáng 21/12, từng tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội trong khi trên bệ phóng của tiểu đoàn 57 chỉ còn 2 đạn. Tiểu đoàn trưởng Phiệt quyết định đánh quả một ở cự ly 24 km. Hiệu quả thật bất ngờ, một chiếc B-52 trúng đạn rơi xuống ngay khu vực núi Đôi, Sóc sơn.
10 phút sau, lại phát hiện các tốp B-52 khác bay vào. Còn quả đạn cuối cùng, tiểu đoàn 57 phóng tiếp vào đội hình một tốp B-52. Quả đạn này đã nổ gần làm một chiếc B-52 trọng thương, cố bay về đến Lào thì rơi. Như vậy, bằng sự sáng tạo và quả cảm, tiểu đoàn 57 đã lập một chiến công xuất sắc chưa từng có: chỉ trong 10 phút hạ 2 chiếc B-52 bằng 2 tên lửa.
Đơn vị “bắt sống” B-52
Chiều ngày 23/12/1972, tiểu đoàn 72 (thuộc trung đoàn tên lửa 285, sư đoàn phòng không 363) nhận lệnh cơ động từ Hải Phòng về Hà Nội bổ sung lực lượng cho trung đoàn tên lửa 261 (thuộc sư đoàn 361) chiến đấu bảo vệ thủ đô. Sau 3 ngày hành quân, mờ sáng ngày 26/12 tiểu đoàn về đến trận địa Đại Chu (nay thuộc Yên Phong, Bắc Ninh). Ngay chiều hôm đó, lúc 13h56 phút hơn 50 lần chiếc máy bay chiến thuật vào trinh sát dọn đường cho buổi tối B-52 vào đánh. Sở chỉ huy sư đoàn phòng không Hà Nội lệnh cho tiểu đoàn 72 phóng tên lửa diệt tốp F-4 chỉ huy của địch.
Tiểu đoàn 72 cho phóng 1 quả đạn vào tốp F-4 đồng thời giật nổ một quả bộc phá tại trận địa giả để đánh lừa địch. Tên lửa trúng mục tiêu diệt gọn chiếc F-4, xác máy bay rơi xuống Hòa Bình, 2 giặc lái bị bắt sống.
Đêm 27/12, địch đưa hơn 120 lần chiếc B-52 vào đánh Hà Nội. Lúc 23h03 phút, tiểu đoàn 72 nhận lệnh vào cấp 1. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho kíp chiến đấu phát sóng sục sạo phát hiện mục tiêu. Sau 3 lần phát sóng kiểm tra, giải nhiễu vẫn cơ động ổn định. Bằng kinh nghiệm, tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt xác định đây chính là B-52. Ông ra lệnh phóng đạn theo phương pháp vượt trước nửa góc với 2 quả đạn cách nhau 6 giây.
Xác chiếc B-52 vẫn nằm ở hồ Hữu Tiệp tới tận hôm nay.
Sau mấy giây, trên bầu trời Hà Nội bùng lên một vầng sáng chói lòa. Một chiếc máy bay B-52 bị tên lửa của tiểu đoàn 72 bắn cháy đang rơi xuống thủ đô như một bó đuốc khổng lồ. Phần thân của nó rơi xuống hồ Hữu Tiệp làng Ngọc Hà còn đuôi và cánh thì rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám gần đó.
Điều đặc biệt chiếc B-52 này vẫn còn nguyên bom đạn chưa kịp gây tội ác thì đã bị trừng trị. Bởi thế nhiều người nói vui là tiểu đoàn 72 đã bắt sống chiếc B-52 này. Sau đó, công binh của ta phải vất vả tháo dỡ bom đạn trong thân máy bay này ra còn cái xác của nó thì từ đó đến nay vẫn nằm ở hồ Hữu Tiệp để làm chứng tính hào hùng của quân dân ta.
Trong cái khó ló cái khôn, vì thiếu đạn mà cũng vì tiết kiệm, quân ta đã đánh theo cách “con nhà nghèo” nhưng không ngờ hiệu xuất vượt xa lý thuyết của SAM-2. Bởi thế, chuyên gia tên lửa của Liên Xô cũng phải khâm phục.
Trong sách Điện Biên Phủ trên không – chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, tác giả Lưu Trọng Lân có dẫn lời một chuyên gia tên lửa Liên Xô rằng: “Năm 1973, ông Xô-lô-rép, Đại tá chuyên gia Phòng không Liên Xô nói với chúng tôi: "Việt Nam nghèo nên phải đánh theo cách của con nhà nghèo, nhưng Việt Nam vẫn thắng, bởi vì các bạn Việt Nam rất thông minh, rất sáng tạo”.